Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Đau nửa đầu ở trẻ em

Chẩn đoán chứng đau nửa đầu ở trẻ em đòi hỏi phải có tiền sử lâm sàng chi tiết và khám thực thể đầy đủ.

Đau nửa đầu ở trẻ em là loại đau đầu nguyên phát thường gặp nhất ở trẻ em. Chúng là những cơn đau đầu được đặc trưng bởi cảm giác đau nhói ở đầu, có thể đi kèm với các triệu chứng như buồn nôn, nôn và chứng sợ ánh sáng.

Có đến 6/10 trẻ em có thể gặp những vấn đề liên quan đến đau đầu khi còn nhỏ, và trong số này có khoảng 10% bị đau nửa đầu.

Tỷ lệ mắc chứng đau nửa đầu ở trẻ em tăng theo tuổi. Hơn nữa, nó có xu hướng thường thấy ở nữ nhiều hơn nam trong những năm dậy thì, Tuy nhiên tỉ lệ mắc tương đối đồng đều ở nữ và nam trước giai đoạn này.

Do trẻ em thường gặp khó khăn trong việc thể hiện bản chất của bệnh nên khiến chứng đau nửa đầu trở nên khó khăn trong việc xác định và kiểm soát, dẫn đến chẩn đoán chưa chính xác. Kết quả là, nhiều trường hợp có thể không được chẩn đoán và không được điều trị.

Chẩn đoán đau nửa đầu ở trẻ em

Chẩn đoán chứng đau nửa đầu ở trẻ em đòi hỏi phải có tiền sử lâm sàng chi tiết và khám thực thể đầy đủ.

Theo ICHD-3, cần phải có tối thiểu năm cơn đau nửa đầu trước khi đưa ra chẩn đoán đau nửa đầu ở trẻ em. Ở trẻ em, các cơn đau nửa đầu có thể kéo dài từ 2 giờ đến 3 ngày. 

Các triệu chứng đi kèm, chẳng hạn như chứng sợ ánh sáng và chứng sợ âm thanh không phải lúc nào cũng rõ ràng.

Chẩn đoán hình ảnh cũng rất quan trọng để phát hiện những bất thường về cấu trúc thần kinh của trẻ.

Trong những trường hợp đau đầu kèm theo nhìn đôi và các vấn đề về cân bằng, phối hợp và lời nói nên nghi ngờ nguyên nhân thứ phát của đau đầu và bất thường về thần kinh.

Cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh

Các xét nghiệm cận lâm sàng có ích khi hướng tới chẩn đoán nguyên nhân thứ phát, như với rối loạn chuyển hóa và nhiễm trùng.

Chẩn đoán hình ảnh được thực hiện ở trẻ em mắc chứng đau nửa đầu điển hình thường không cho kết quả đáng kể và do những vấn đề phơi nhiễm bức xạ, phương thức này thường không được khuyến cáo ở trẻ em mắc chứng đau nửa đầu có tiền sử đau nửa đầu. 

Điều trị

Điều chứng đau nửa đầu ở trẻ em chủ yếu tập trung vào liệu pháp trong giai đoạn cấp tính/ mạn tính và điều trị dự phòng trong các trường hợp đã xác định.

Vấn đề khác bao gồm các thay đổi lối sống. Cha mẹ cần tuân thủ hướng dẫn của bác sỹ để quản lý chứng đau nửa đầu đặc biệt đối với trẻ em.

Trong các đợt cấp tính, điều cần thiết là phải ngừng hoạt động thể chất, vì điều này sẽ làm triệu chứng trở nên trầm trọng. Cần cố gắng cho trẻ ngủ, vì giấc ngủ có hiệu quả  tốt trong việc chống đau nửa đầu.

Phòng ngủ nên tối, càng yên tĩnh càng tốt, và trẻ nên được giữ thoải mái. Thuốc giảm đau không kê đơn có thể được sử dụng, và thuốc chống nôn có thể được bác sỹ chỉ định khi trẻ bị nôn.

Trong các trường hợp mạn tính, được xác định là 15 ngày trở lên mỗi tháng trong ba tháng, điều trị và kiểm soát nên được điều chỉnh để tập trung vào phòng ngừa.

Trong các trường hợp mạn tính, liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) có thể có hiệu quả, cùng với các thuốc điều trị dự phòng antimigraine.

Thay đổi lối sống

Điều chỉnh lối sống để tránh các tác nhân gây đau nửa đầu là rất quan trọng trong việc quản lý chứng đau nửa đầu ở trẻ em. Cần đảm bảo thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ ở trẻ.

Hơn nữa, một chế độ ăn uống lành mạnh, uống đủ nước  và tập thể dục thường xuyên cũng quan trọng như giấc ngủ. Cung cấp thông tin bệnh đau nửa đầu cho người bệnh và gia đình là cần thiết trong việc hạn chế các tác nhân kích thích. Ngoài ra việc nhận biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng của chứng đau nửa đầu, dẫn đến phản ứng nhanh với điều trị cấp tính. 

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Các thuốc điều trị đau nửa đầu

 

 

 

 

 

BS. Nguyễn Hà Nhi - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
Xem thêm