Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chứng bàn tay lạnh

Bàn tay lạnh là một tình trạng tương đối phổ biến và chắc hẳn ai cũng từng gặp phải trong cuộc sống. Tình trạng này không chỉ xuất hiện khi trong môi trường lạnh mà có thể ở bất kỳ thời điểm nào, và thông thường đây chỉ một trong những cách cơ thể cố gắng kiểm soát nhiệt độ. Tuy nhiên trong một số trường hợp, tình trạng bàn tay lạnh có thể báo hiệu những vấn đề sức khỏe không tốt. Vậy làm cách nào để hạn chế tình trạng này?

Tình trạng bàn tay lạnh

Tình trạng bàn tay lạnh liên tục – đặc biệt là với sự thay đổi màu da tay nhợt có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều vấn đề sức khỏe. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, và đôi khi là sự cảnh báo của các vấn đề về thần kinh hoặc các vấn đề về mạch máu, thậm chí là các tổn thương ở bàn tay. Tất nhiên, khi ở ngoài thời tiết cực lạnh thì tình trạng bàn tay lạnh có thể xảy ra theo phản xạ của cơ thể để cố gắng duy trì nhiệt lượng đảm bảo.

Khi bàn tay trở nên lạnh ngay trong môi trường bình thường, đây là dấu hiệu của tình trạng hạn chế lưu lượng máu đến tay. Trong một số trường hợp đặc biệt, các mạch máu cũng có thể co nhỏ đột ngột mà không rõ nguyên nhân. Sự co thắt làm cho lưu lượng máu giảm, dẫn đến nhiệt độ bàn tay giảm. Da bàn tay, ngón tay sẽ chuyển từ màu hồng sang xanh, trắng. Một khi lưu lượng máu được khôi phục, da tay sẽ đỏ trở lại và có cảm giác nóng. Sự co thắt mạch máu thường xuyên, kéo dài có thể dẫn đến lở loét hoặc tổn thương mô ở bàn tay.

Một số dấu hiệu khác của tình trạng bàn tay lạnh bao gồm:

  • Bàn chân, ngón chân lạnh kèm theo
  • Tê bì, hoặc có cảm giác ngứa châm chích, râm ran
  • Có thể xuất hiện các vết loét, thậm chí là mụn nước
  • Da căng, cứng

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

Bên cạnh việc tiếp xúc với môi trường lạnh trong thời gian dài, có một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng này bao gồm:

  • Các vấn đề về lưu thông máu trong hệ thống mạch máu nuôi dưỡng bàn tay, tình trạng thiếu máu
  • Bệnh Raynaud. Đây là một rối loạn khá phổ biến ảnh hưởng đến động mạch cung cấp máu từ tim đến các bộ phận khác của cơ thể, trong đó có thể làm co thắt tạm thời hoặc thu hẹp các mạch máu. Thông thường, tình trạng này gây ảnh hưởng đến bàn tay và các ngón tay, và trong khoảng 40% trường hợp thì hai hoặc nhiều hơn các ngón chân cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tình trạng này không kéo dài mà thường xuất hiện theo cơn, mỗi cơn từ vài phút đến một giờ và thường xuất hiện sau khi căng thẳng hay tiếp xúc với môi trường lạnh một cách đột ngột.
  • Hội chứng Bueger. Hội chứng này có thể được coi là tình trạng Raynaud thứ cấp, khi tắc nghẽn các động mạch đến bàn tay và chân, dẫn đến đau và tổn thương mô các vùng bị ảnh hưởng.
  • Tình trạng xơ cứng bì
  • Bệnh Lupus – khi hệ thống miễn dịch tấn công chính các mô khỏe mạnh của cơ thể
  • Bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp phổi, viêm đa cơ, viêm khớp…
  • Các chuyển động lặp đi lặp lại. Các chuyển động lặp đi lặp lại một thao tác như gõ phím, chơi nhạc cụ hay tác động rung của máy móc là một yếu tố ảnh hưởng và có thể gây ra tình trạng bàn tay lạnh
  • Chấn thương vùng tay
  • Hóa chất độc hại (ví dụ như vinyl clorua)
  • Các loại thuốc điều trị, chẳng hạn như thuốc điều trị bệnh Raynaud, thuốc tránh thai, thuốc cảm lạnh, thuốc chẹn beta giao cảm trong điều trị tăng huyết áp, các thuốc có chứa ergotamine…

Bên cạnh đó, tình trạng lạnh tay còn là triệu chứng của một số bệnh như:

  • Suy giáp. Tuyến giáp hoạt động kém khiến cơ thể chịu lạnh kém, kéo theo tình trạng tay, chân lạnh. Điều này cũng liên quan đến các bệnh khác như viêm khớp dạng thấp, Lupus…
  • Bệnh động mạch ngoại biên. Khi các mảng bám là chất béo tích tụ trên thành động mạch, chúng có thể gây tắc nghẽn mạch và gây lạnh ở tay, chân. Tình trạng này phổ biến hơn ở những người lớn tuổi (trên 50 tuổi), những người mắc bệnh đái tháo đường hay những người hút thuốc lá.
Chẩn đoán

Thông thường, các chuyên gia y tế sẽ kiểm tra tiền sử bệnh, bao gồm bất kỳ các chấn thương, tai nạn hay phẫu thuật nào từng trải qua ở khu vực bàn tay. Một số xét nghiệm liên quan đến bệnh Raynaud cũng được sử dụng để đánh giá, bên cạnh việc kiểm tra sự bất thường ở khu vực bàn tay, ngón tay có hay không.

Các xét nghiệm có thể sử dụng bao gồm:

  • Test kích lạnh. Phương pháp này đánh giá phản ứng của ngón tay với những thay đổi về nhiệt độ. Có thể là ngâm nước đá và kiểm tra sau bao lâu tay sẽ trở về nhiệt độ bình thường
  • Soi mao mạch để kiểm tra tình trạng xơ cứng bì có hay không
  • Xét nghiệm máu để đánh giá các tình trạng liên quan, nếu có

Điều trị

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào bệnh và các vấn đề tiềm ẩn của bệnh. Đối với bệnh Raynaud, không có phương pháp chữa khỏi. Tuy nhiên, có thể làm giảm và hạn chế các đợt bùng phát của bệnh bằng cách áp dụng một số biện pháp, bên cạnh việc thay đổi lối sống và sử dụng các loại thuốc.

Thay đổi lối sống có thể giúp làm giảm tình trạng này, bao gồm:

  • Hạn chế hoặc từ bỏ sử dụng các sản phẩm từ thuốc lá, các sản phẩm chứa nicotine và đặc biệt là hạn chế hút thuốc lá thụ động
  • Đeo găng tay, đội mũ và mặc quần áo đủ ấm khi tham gia các hoạt động ngoài môi trường lạnh. Khi tiếp xúc với các môi trường lạnh như đồ trong tủ lạnh, nên sử dụng các vật dụng giữ ấm tay. Một số loại máy giữ ấm tay sẽ rất hữu ích trong mùa lạnh.
  • Tránh gặp phải sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, vì điều này có thể gây kích ứng phản xạ và kéo theo tình trạng lạnh bàn tay, bàn chân.
  • Tránh căng thẳng, mệt mỏi
  • Tránh sử dụng các đồ uống có cồn, lạm dụng caffein hoặc hạn chế ở mức đảm bảo
  • Bảo hộ lao động tốt, tránh thương tích

Một số loại thuốc có thể hữu ích trong việc duy trì lưu lượng máu đến tay. Nên tham khảo ý kiến các chuyên gia y tế trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Khi các phương pháp sử dụng thuốc và thay đổi lối sống không hiệu quả, việc can thiệp phẫu thuật thần kinh có thể hữu hiệu. Phương pháp này sẽ cần được cân nhắc kỹ lưỡng bởi các chuyên gia y tế.

Tóm lại

Tình trạng bàn tay lạnh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, do một số tình trạng bệnh lý hoặc đơn giản là phản ứng của cơ thể trước môi trường. Trong trường hợp liên quan đến các tình trạng bệnh lý, nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để được tư vấn và có biện pháp xử trí hiệu quả. Thay đổi lối sống và duy trì một chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, lạnh mạnh là điểm mấu chốt giúp duy trì sức khỏe tốt, bao gồm cả việc tránh khỏi tình trạng tay chân lạnh.

Tham khảo thêm thông tin tại: Lý do vì sao bạn luôn cảm thấy mệt mỏi và cách khắc phục

 

BS. Minh Khánh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo Clevelandclinic) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm