Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Các bệnh xương khớp ở Người cao tuổi

Khi thời tiết chuyển mùa, nhất là từ mùa nóng sang mùa lạnh, các bệnh lý về khớp ở người cao tuổi thường xuất hiện.

Khi thời tiết chuyển mùa, nhất là từ mùa nóng sang mùa lạnh, các bệnh lý về khớp ở người cao tuổi thường xuất hiện. Vì khi đó, độ ẩm trong không khí tăng cao, cơ thể sẽ tạo ra phản ứng để thích ứng với thời tiết bằng cách co các mạch máu ngoại vi từ đó làm giảm tưới máu cho các cơ quan ngoại biên trong đó có da, cơ, khớp nên gây ra các biểu hiện như: đau mỏi cơ xương khớp, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng.
Trong giai đoạn chuyển mùa này, người già thường bị đau nhức bởi các chứng bệnh sau:
Bệnh thấp khớp cấp
Thấp khớp cấp là bệnh mắc phải khi nhiễm liên cầu khuẩn beta nhóm A vùng hầu họng, nó gây tổn thương vĩnh viễn các van tim đưa đến suy tim. Bệnh có nhiều tên gọi khác như viêm khớp cấp do thấp, sốt thấp, thấp tim.
 
Các bệnh xương khớp 1
 
Bệnh xuất hiện sau khi nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, đặc biệt là viêm họng với những biểu hiện như: đau họng, sốt cao, nếu không điều trị kịp thời và triệt để thì sau đó vài tuần có thể sẽ xuất hiện các dấu hiệu của bệnh thấp khớp cấp như sốt, đau khớp. Lúc đầu thường đau ở các khớp lớn như khớp gối, khớp khuỷu tay, khớp cổ chân, cổ tay, ít gặp viêm các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân hoặc viêm một khớp đơn độc với các dấu hiệu như: sưng, nóng, đỏ đau, không đối xứng. Đau sẽ di chuyển từ khớp này sang khớp khác, khi chuyển sang khớp mới, khớp cũ hết đau, không để lại di chứng tại khớp, các khớp bị viêm có thể có dịch nhưng không bao giờ bị hóa mủ. Viêm khớp có thể tự khỏi nhưng nếu có dùng thuốc chống viêm thì chúng sẽ khỏi rất nhanh.
 
Đây là bệnh do vi trùng gây ra, xuất phát từ ổ nhiễm trùng vùng họng do đó biện pháp phòng ngừa thấp khớp cấp hữu hiệu nhất là phải điều trị kịp thời, triệt để khi phát hiện khi bị viêm họng. 
 
LỜI KHUYÊN THẦY THUỐC
Khi đã mắc phải các bệnh về khớp, người bệnh cần lưu ý nhất là khi trời lạnh cần phải giữ ấm toàn thân, nhất là bàn tay, bàn chân, cần thiết phải đội nón, mang găng tay, choàng khăn ấm, mang khẩu trang khi ra ngoài đường. Ngoài ra, có thể ngâm bàn tay, bàn chân trong nước muối ấm hoặc dùng túi chườm nóng, lò sưởi và nhất thiết phải điều trị các bệnh khớp mạn tính tức là phải tuân thủ việc uống thuốc trong thời gian dài, hàng năm, không được điều trị qua loa rồi ngưng thuốc.
 
 
Viêm đa khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn dịch, viêm mạn tính tổ chức liên kết màng hoạt dịch, tổn thương chủ yếu ở khớp ngoại vi, bệnh tiến triển từ từ, dẫn đến teo cơ biến dạng dính và cứng khớp.
Bệnh chủ yếu gặp ở nữ giới, đây là tình trạng viêm khớp kéo dài với các đợt sưng, nóng, đỏ, đau ở nhiều khớp, thường gặp nhất là các khớp nhỏ ở bàn tay, khớp cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân, cả 2 bên. Nếu không được điều trị, các khớp nhanh chóng bị biến dạng, dính khớp. Khi bệnh ở vào giai đoạn muộn thường gặp ở các khớp như vai, háng, cột sống cổ với các biểu hiện như vào buổi sáng, sau khi mới ngủ dậy, người bệnh thấy có cảm giác đau và cứng tại các khớp bị viêm, khó vận động. Dấu hiệu này thường gặp ở các khớp cổ tay và bàn tay, khiến người bệnh phải làm các động tác như gấp, xoay cổ tay… trong một thời gian dài các khớp mới có thể hoạt động trở lại bình thường. Sau những đợt sưng đau khớp kéo dài có thể vài tháng đến vài năm, các khớp này sẽ bị biến dạng như bàn tay bị vẹo, cổ tay sưng, các ngón tay ngón chân cũng bị biến dạng, các cơ teo; từ đó làm cho người bệnh rất khó khăn trong việc vận động, thậm chí ở giai đoạn muộn, bệnh nhân trở thành tàn phế.
Viêm đa khớp dạng thấp là bệnh rất khó chữa khỏi, vì đây là bệnh của hệ thống tự miễn tức là do cơ thể tự sinh ra những chất chống lại chính khớp và gây đau. Vì là bệnh tự miễn nên việc điều trị thường là kéo dài từ 1 - 2 tháng đến vài năm và có khi là điều trị suốt đời. 
Bệnh gout
Bệnh gout là tình trạng viêm khớp những biểu hiện như đau nhức, sưng, đỏ, và nóng. Nó gây khó cử động khớp tại một hay nhiều khớp.Nếu không điều trị, các cơn đau sẽ tái diễn thường xuyên và gây thương tổn khớp, gân, và các mô khác chung quanh khớp.Bệnh gout phổ biến nhất trong nam giới trên 40 tuổi.
Đây là một bệnh do rối loạn chuyển hóa, trong đó có tình trạng tăng acid uric máu và đây cũng là đặc điểm chính của bệnh. Bệnh thường gặp ở nam giới, có mối liên quan đến chế độ ăn uống của người bệnh như: ăn quá nhiều chất đạm, uống quá nhiều bia, rượu… Trong cơn gout cấp và điển hình, bệnh có một số đặc điểm như cơn đau thường khởi phát đột ngột vào nửa đêm với các dấu hiệu như sưng khớp ngón chân cái, đau dữ dội có cảm giác bỏng rát, đôi khi sốt cao, da trên chỗ khớp bị tổn thương, bị hồng hoặc đỏ tím.
Để phòng ngừa bệnh gout có thể thực hiện việc điều chỉnh chế độ ăn, vì bệnh có liên quan đến mức acid uric cao. Để tống các tinh thể acid uric ra khỏi cơ thể, mỗi ngày nên uống ít nhất 3 - 4 lít nước lọc.
Đau vai gáy, đau thắt lưng
Bệnh đau vai gáy là một dạng rối loạn thần kinh cơ gây ra bởi sự co cứng cục bộ, đột ngột do rối loạn chức năng thần kinh mà không do tổn thương xương, khớp, đốt sống cổ hay đĩa đệm.
Bệnh đau vai gáy thường xuất hiện vào buổi sáng, sau khi ngủ dậy, đây là bệnh có liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai và gáy do rối loạn tuần hoàn gây thiếu máu ở vùng cột sống cổ, hoặc do sự kéo giãn dây thần kinh quá mức gây ra rối loạn chức năng của dây thần kinh chi phối nơi đây hoặc có thể là một sang chấn nhẹ nào đó cơ vùng vai gáy và gây ra co cứng và đau rút cục bộ.
Phần lớn các ca đau thắt lưng không có nguyên nhân bệnh lý mà chủ yếu bắt nguồn từ các tư thế sai trong sinh hoạt, lao động hoặc chơi thể thao, làm vùng cột sống thắt lưng cũng như những nhóm cơ chống đỡ làm làm việc quá sức sinh ra mệt mỏi.
Đau thắt lưng là biểu hiện chính của thoát vị đĩa đệm thắt lưng, thoái hóa cột sống thắt lưng do tuổi già, lao cột sống thắt lưng, viêm cột sống thắt lưng do vi trùng hoặc nguyên nhân khác, bệnh viêm dính cột sống, vẹo cột sống, ung thư di căn cột sống thắt lưng, gãy xương sống thắt lưng... Để phòng ngừa chứng đau thắt lưng có thể thực hiện các biện pháp tạm thời như hạn chế việc ngồi liên tục trong một thời gian dài, thường xuyên vận động, tập thể dục với các động tác uốn dẻo cột sống thắt lưng, thay đổi tư thế thường xuyên khi đứng trao đổi, thảo luận lâu, không nên ngồi ở tư thế lom khom, tránh ngồi ẹo sang một bên, tránh đứng cúi thắt lưng thẳng gối trong thời gian dài.
Thoái hóa khớp
Là tình trạng hư hỏng phần sụn, đệm giữa hai đầu xương, kèm theo phản ứng viêm ở đó và giảm sút lượng dịch nhầy giúp bôi trơn ổ khớp, gây đau và cứng khớp và hạn chế vận động. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở người trên 40 tuổi, nhất là sau 60 tuổi.
Một số yếu tố quan trọng liên quan đến thoái hóa khớp là tuổi tác, tình trạng béo phì, những chấn thương nhẹ và mạn tính ở khớp. Phạm vi thoái hóa khớp bao gồm cả khớp, sụn và cả những tổn thương thoái hóa tại các đĩa liên đốt. Bệnh được đặc trưng bởi sự thoái hóa của sụn và phì đại xương tại các diện khớp. Biểu hiện viêm thường rất nhẹ.
BS. HỒ VĂN CƯNG - Theo SKDS
Bình luận
Tin mới
  • 01/07/2025

    Cách sử dụng dầu dừa điều trị chàm

    Dầu dừa là một chất dưỡng ẩm tự nhiên. Nhiều người bị chàm nhận thấy dầu dừa có tác dụng làm dịu da và giảm các triệu chứng như khô và ngứa.

  • 01/07/2025

    Vai trò của chất béo trong chế độ ăn lành mạnh

    Chất béo thường bị mang tiếng xấu mỗi khi nói về chế độ dinh dưỡng vì cho rằng đó là nguyên nhân gây bệnh tim mạch, tiểu đường hay béo phì. Quan niệm cắt bỏ hoàn toàn chất béo khỏi bữa ăn đã từng phổ biến trong một số khuyến nghị dinh dưỡng. Thực tế, không phải tất cả các chất béo đều có hại.

  • 30/06/2025

    Dùng nghệ và mật ong cùng nhau có tăng lợi ích không?

    Mật ong với nghệ có thể được dùng cùng nhau trong chế độ ăn hằng ngày và thực phẩm bổ sung, vậy tác dụng của chúng có mạnh hơn khi kết hợp?

  • 30/06/2025

    Xử lý vết thương do côn trùng cắn khi đi du lịch: Những điều cần biết

    Du lịch là dịp để khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa và tận hưởng những khoảnh khắc thư giãn. Tuy nhiên, bên cạnh những điều thú vị, các chuyến đi đôi khi cũng tiềm ẩn những rủi ro nhỏ nhưng phiền toái, chẳng hạn như những vết thương do côn trùng cắn

  • 29/06/2025

    Sữa nguyên chất có dinh dưỡng, lợi ích và rủi ro gì?

    Sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng nên có trong chế độ ăn hằng ngày, trong đó sữa nguyên chất được đánh giá là nguồn cung cấp protein tốt. Tìm hiểu về dinh dưỡng, lợi ích và rủi ro khi tiêu thụ sữa nguyên chất.

  • 29/06/2025

    Làm thế nào để bỏ thói quen dùng điện thoại

    Một số ứng dụng có thể cho bạn biết bạn dành bao nhiêu thời gian cho điện thoại và bạn dành bao nhiêu thời gian cho từng ứng dụng. Ngay cả khi bạn không nghĩ rằng mình sử dụng điện thoại quá nhiều, việc nhìn thấy những con số thống kê tần suất sử dụng có thể khiến bạn muốn đặt điện thoại xuống.

  • 29/06/2025

    Điểm danh 5 loại dầu thực vật mang lại lợi ích sức khỏe tuyệt vời

    Chất béo thường bị hiểu lầm là “kẻ thù” của sức khỏe, đặc biệt là đối với tim mạch và cân nặng. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy không phải tất cả chất béo đều có hại. Ngược lại, một số loại chất béo tốt lại đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì năng lượng, hấp thụ vitamin và bảo vệ cơ thể khỏi viêm nhiễm. Trong đó, dầu ăn có nguồn gốc thực vật như dầu ô liu, dầu bơ, dầu mè... không chỉ mang lại hương vị phong phú cho món ăn mà còn cung cấp các acid béo có lợi cho tim mạch, não bộ và hệ miễn dịch.

  • 28/06/2025

    Người mắc bệnh tim có nên ăn trứng?

    Quan niệm sai về hàm lượng cholesterol trong trứng đã khiến nhiều người, đặc biệt là những người mắc bệnh tim hoặc đái tháo đường, loại bỏ trứng khỏi chế độ ăn uống của mình.

Xem thêm