Bệnh Thủy đậu - những câu hỏi thường gặp
1. Nhận biết bệnh thủy đậu như thế nào?
- • Nhận biết bệnh thủy đậu dựa vào một số đặc điểm như bệnh khởi phát đột ngột, sốt nhẹ. Sau đó xuất hiện ban phỏng nước, không có mủ (nếu không bị nhiễm khuẩn). Ban mọc không tuần tự nên trên một vùng da ban mọc thành nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng từ 3 - 4 ngày.
2. Bệnh thủy đậu nguy hiểm như thế nào?
- • Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus varicella zoster gây ra, bệnh diễn tiến thường lành tính, bệnh rất hay lây, 90% người nhạy cảm có thể bị lây bệnh sau khi tiếp xúc. Bệnh thủy đậu xảy ra ở khắp nơi, bệnh có khả năng gây thành đại dịch.
- • Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
- • Phụ nữ có thai trong những tháng đầu của thai kỳ nếu mắc thuỷ đậu có thể gây dị dạng bào thai; nếu trước sinh một tuần lễ người mẹ bị thủy đậu, trẻ sinh ra có nguy cơ tử vong.
3. Bệnh thủy đậu lây truyền qua đường nào?
- • Người là nguồn bệnh duy nhất của bệnh thủy đậu. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp, qua những giọt nước bọt bắn ra từ người bệnh hoặc khi tiếp xúc trực tiếp với nốt phỏng nước thủy đậu, do đó cần vệ sinh giường, chiếu, đồ dùng sinh hoạt của người bệnh. Bệnh có thể lây truyền trong vòng 24 - 48 giờ trước khi xuất hiện các nốt phỏng nước.
4. Có phải bị nhiễm vi rút thủy đậu thì sẽ mắc bệnh sởi không?
- • Thủy đậu và sởi là hai bệnh khác nhau. Người đã bị thủy đậu có khả năng mắc sởi nếu chưa được tiêm ngừa sởi và ngược lại. Sởi và thủy đậu đều lây qua đường hô hấp.
5. Phân biệt nốt thủy đậu và phát ban của sởi như thế nào?
- • Đặc điểm của của nốt phỏng thủy đậu là nước trong, rất nông, tròn hay bầu dục, có vòng đỏ bao quanh, một số nốt thủy đậu hơi lõm ở trung tâm. Nốt phỏng thủy đậu mọc không theo tuần tự, tính chất này để phân biệt với ban của bệnh sởi (ban của sởi mọc tuần tự). Ban, nốt phỏng thủy đậu thì mọc hết đợt này đến đợt khác cách nhau khoảng từ 3 - 4 ngày, vì vậy trên cùng một diện tích da các ban mọc không cùng một lứa (có ban đỏ, có nốt phỏng nước, có nốt đã bong vảy).
6. Những ai có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu?
- • Những người chưa được tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh hoặc chưa từng mắc bệnh thủy đậu. Hầu hết các trường hợp đã từng mắc bệnh thủy đậu sẽ có miễn dịch suốt đời.
- • Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, người lớn cũng có thể mắc bệnh.
- • Bệnh xảy ra quanh năm. Bệnh thủy đậu xảy ra ở khắp nơi, đặc biệt xảy ra dịch ở những nơi đông dân cư như nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại quân đội…
7. Dấu hiệu nhận biết bệnh?
- • Có tiền sử tiếp xúc với người bệnh thủy đậu. Chưa tiêm ngừa vắc xin phòng thủy đậu
- • Các dấu hiệu khởi phát thường gặp: Sốt, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu. Sau 24-48 giờ các phỏng nước sẽ xuất hiện ở da và niêm mạc. Phỏng nước có viền da màu hồng, chứa dịch trong, sau 24 giờ thì hóa đục. Phỏng nước có thể xuất hiện đầu tiên ở mặt, ngực, lưng sau đó lan ra khắp cơ thể. Mất khoảng 1 tuần, các phỏng nước sẽ đóng vảy, và sẽ không để lại sẹo nếu không bị bội nhiễm. Thời gian mắc bệnh từ 5-10 ngày.
8. Những biến chứng có thể gặp của bệnh thủy đậu?
- • Thuỷ đậu vốn là một bệnh nhẹ nhưng nếu không được phát hiện sớm, không được chăm sóc chu đáo, không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ nặng, và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng tại các nốt đậu, viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm gan, viêm não.
- • Những đối tượng nguy cơ cao với biến chứng: trẻ sơ sinh, người lớn, phụ nữ có thai, người bị suy giảm hệ thống miễn dịch (ung thư, HIV/AIDS, suy tủy,…).
- • Sau giai đoạn phát bệnh, virus ngủ đông tại các hạch thần kinh, sau đó có thể được tái hoạt hóa gây ra bệnh zona.
9. Chữa trị bệnh thủy đậu ra sao? (Theo chỉ định bác sĩ)
- • Bệnh do virut gây ra nên hiện nay chưa có thuốc đặc trị mà tùy thuộc vào sự phát hiện bệnh sớm trong 24 giờ đầu.
- • Điều trị triệu chứng: Chống nhiễm khuẩn, hạ sốt, an thần; chống ngứa để bệnh nhân đỡ cào gãi. Chú ý cắt ngắn móng tay và giữ sạch tay. Tại chỗ nốt đậu dập vỡ nên chấm dung dịch xanh metylen.
- • Điều trị đặc hiệu (Khi có chỉ định dùng thuốc của bác sĩ) : Dùng kháng sinh chống virus loại acyclovir, nên sử dụng trong vòng 24 giờ đầu khi xuất hiện nốt đậu có thể giúp rút ngắn thời gian bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
10. Chăm sóc trẻ khi mắc bệnh thủy đậu như thế nào?
- • Cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn. Bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ.
- • Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng. Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch, cắt móng tay trẻ. Áo quần, khăn mặt... người bệnh cần được ngâm giặt bằng xà phòng, phơi nắng, là (ủi). Phụ nữ mang thai không được thăm nom hay chăm sóc người bệnh.
- • Tuyệt đối không làm vỡ các nốt phỏng nước, khi tắm cần phải rất nhẹ nhàng. Khi có phỏng nước bị vỡ cần bôi xanh Methylene để sát khuẩn.
- • Ngoài ra cũng cần chú ý vệ sinh răng miệng, thường xuyên súc miệng bằng nước sát trùng, trong trường hợp trẻ không ăn được cần đi khám để được tư vấn.
11. Làm thế nào để phòng bệnh?
- • Cần có chế độ dinh dưỡng cho trẻ thật tốt để nâng cao sức đề kháng. Tốt nhất vẫn là tiêm vaccin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ và cả người lớn chưa có miễn dịch với bệnh thủy đậu, đây là biện pháp phòng bệnh tốt nhất.
- • Bệnh nhân bị bệnh thủy đậu: cần được cách ly cho đến khi tất cả các nốt phỏng nước đã đóng vảy; Hạn chế tiếp xúc với người khác, đeo khẩu trang khi tiếp xúc; Khử khuẩn đồ dùng cá nhân hàng ngày.
12. Những điều lưu ý khi mắc bệnh thủy đậu?
- • Tránh làm vỡ các nốt thuỷ đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo.
- • Giữ gìn vệ sinh cá nhân là quan trọng nhất. Không kiêng tắm cho trẻ.
- • Không sử dụng Asprin vì có thể gây hội chứng Reye
- • Phỏng nước càng nhiều thì bệnh càng nặng.
- • Khi có nhiều phỏng nước vỡ hoặc có dấu hiệu bất thường, cần cho trẻ đi bệnh viện để được điều trị đề phòng nhiễm khuẩn, nhiễm độc và biến chứng nguy hiểm.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Những điều cần biết về vaccine thủy đậu cho trẻ em
Theo Viện Pasteur Hồ Chí Minh