Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bệnh giảm tiểu cầu: nguyên nhân và dinh dưỡng hợp lý

Giảm tiểu cầu là tình trạng khi số lượng tiểu cầu trong cơ thể bị giảm do một số nguyên nhân khác nhau. Sau đây là nguyên nhân của bệnh giảm tiểu cầu và cách ăn uống hợp lý hỗ trợ trị bệnh.

Tiểu cầu là một trong ba loại tế bào máu của cơ thể. Tiểu cầu được sinh ra từ tủy xương và có kích thước rất nhỏ. Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể cầm máu nhờ các tính chất đặc thù là tập trung thành từng đám dính chặt vào thành mạch nơi có tổn thương và thoái hóa các chất nhầy để giải phóng ra yếu tố làm đông máu, giúp cơ thể cầm máu và bảo vệ thành mạch không bị rò rỉ. Khi số lượng tiểu cầu bị giảm thì quá trình đông máu không được thực hiện và gây nên tình trạng xuất huyết.

Nguyên nhân

Có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn đến giảm tiểu cầu là tăng phá hủy tiểu cầu ở máu ngoại vi và giảm sinh tiểu cầu ở tủy xương. Nhìn chung, nguyên nhân gây bệnh rất phực tạp vì ở mỗi nhóm nguyên nhân lại có các bệnh khác nhau gây nên.
Một số nguyên nhân gây bệnh đã xác định được như: bị nhiễm trùng nặng, nhiễm kí sinh trùng, nhiễm virus cúm, sởi, quai bị, viêm gan siêu vi… Các bệnh có lách to như xơ gan, cường lách.  Các bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ, viêm nút động mạch, viêm đa khớp dạng thấp… Các bệnh về máu như suy tủy toàn bộ, xơ tủy, ung thư máu, ung thư hạch, ung thư tủy di căn, thiếu máu tiêu huyết tự miễn…

Bên cạnh đó giảm tiểu cầu còn có thể gây nên do độc chất và một số loại thuốc như: thuốc an thần, thuốc hạ nhiệt, thuốc kháng sinh, một số loại thuốc cảm cúm…

Ngoài ra, một số bệnh nhân bị giảm tiểu cầu nhưng không xác định được nguyên nhân, hay còn được gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.

Triệu chứng

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em và những người trẻ tuổi. Giảm tiểu cầu thường gặp ở nữ nhiều hơn nam.

Dấu hiệu chung nhất của bệnh là hội chứng chảy máu, đặc biệt là ở da và niêm mạc. Nếu bị chảy máu dưới da, người bệnh có thể xuất hiện các chấm, nốt hoặc mảng bầm máu tụ dưới da. Người bệnh cũng có các dấu hiệu chảy máu mũi, lợi chân răng.

Nặng hơn, người bệnh có thể bị xuất huyết nnội thạng, xuất huyết não – màng não, xuất huyết phổi, xuất huyết tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục (đa kinh, rong kinh). Khi bị xuất huyết, người bệnh cũng sẽ bị thiếu máu tương xứng với mức độ chảy máu. Các xét nghiệm cho thấy gan, lá lạch, hạch không to.

Hình minh họa

Điều trị

Giảm tiểu cầu là một bệnh khá nguy hiểm nhưng không phải bệnh nan y. Chỉ cần có phương pháp điều trị thích hợp với nguyên nhân gây bệnh, bệnh nhân cẩn thẩn trong sinh hoạt, giảm tối đa nguy cơ gây xuất huyết (không chạy nhảy hay vận động mạnh, không ăn mía, xương, các thức ăn cứng, không đánh răng hoặc xỉa răng) thì sẽ tránh được các nguy hiểm mà bệnh đem đến.

Truyền tiểu cầu: đây chỉ là phương thức điều trị tạm thời để cầm máu hoặc đề phòng biến chứng xuất huyết nặng. Nên tránh tất cả các thủ thuật chọc dò, phẫu thuật, nhổ răng, tiêm chích trong cơ…

Nếu bệnh nhân bị giảm tiểu cầu do 2 nhóm nguyên nhân chính thì sẽ được điều trị dựa trên nguyên nhân cụ thể. Trong trường hợp bệnh nhân bị giảm tiểu cầu vô căn thì các loại corticoides là thuốc lựa chọn hàng đầu, chủ lực. Cắt lách được chỉ định khi bệnh trở thành mãn tính phải phụ thuộc vào corticoides hoặc không còn đáp ứng với corticoides. Sau cắt lách, nếu tái phát, có thể phối hợp với các loại thuốc ức chế miễn dịch khác như: Immuran, Purinéthol, Vincristin, Endoxan...

Khi thấy những triệu chứng như: thâm quầng, sưng tấy, xuất huyết (răng, mũi, ngoài da...), đau đầu không rõ nguyên nhân phải nhập viện ngay để kịp thời điều trị. Có thể truyền khối tiểu cầu vào cơ thể bệnh nhân nếu lượng tiểu cầu giảm nhiều, hoặc cầm máu tại chỗ (bằng những biện pháp đặc biệt) và dùng thuốc đặc trị kết hợp với các loại vitamin để nâng cao thể trạng.

Đây không phải bệnh di truyền, nhưng là chứng bệnh hay tái phát nên muốn điều trị ổn định, bệnh nhân phải có kế hoạch khám định kỳ hằng tháng để kịp thời theo dõi diễn biến của bệnh. Trên cơ sở đó y bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân. Nhiều trường hợp nhờ điều trị đúng cách bệnh nhân đã khỏi hẳn.

Biến chứng

Khi số lượng tiểu cầu giảm xuống dưới 10.000/ml, bệnh nhân có thể bị chảy máu nhiều, gây nguy hiểm. Giảm tiểu cầu nặng cũng có thể gây chảy máu trong óc hoặc ở ruột, có thể gây chết người.

Phương pháp điều trị và thuốc

1. Giảm tiểu cầu nhẹ: Nhiều trường hợp giảm tiểu cầu nhẹ có thể không cần điều trị, bệnh sẽ tự hết. Ví dụ, giảm tiểu cầu nhẹ ở phụ nữ mang thai thường hết sau khi sinh.

2. Giảm tiểu cầu nặng hơn

- Điều trị nguyên nhân: Nếu bác sĩ có thể xác định nguyên nhân gây ra giảm tiểu cầu và chữa trị, triệu chứng sẽ hết.

- Truyền máu: Nếu mức độ tiểu cầu quá thấp, bác sĩ có thể cho truyền hồng huyết cầu hoặc tiểu cầu.

- Bệnh ITP có thể được chữa bằng các loại thuốc ngăn chặn kháng thể tấn công tiểu cầu như corticosteroid. Nếu corticosteroids không chữa được, bác sĩ có thể giải phẫu cắt bỏ lá lách hoặc dùng thuốc mạnh hơn để ngăn chặn hệ thống miễn dịch của bạn.

Tự giúp

Nếu bị bệnh giảm tiểu cầu, nên:

- Tránh các hoạt động có thể gây ra thương tích như các môn thể thao quyền Anh và bóng đá, hay cưỡi ngựa và trượt tuyết.

- Uống rượu ở mức độ vừa phải hay ngưng uống vì rượu làm chậm quá trình sản xuất tiểu cầu.

- Thận trọng khi dùng các loại thuốc over-the-counter. Thuốc giảm đau mua tự do có thể ảnh hưởng đến tiểu cầu của bạn: aspirin và ibuprofen (Advil, Motrin, các hiệu khác).

Phòng bệnh

Tăng cường rèn luyện thể dục, nâng cao khả năng chống bệnh (bệnh có liên quan đến cơ chế tự miễn).

Giảm tiểu cầu, ăn gì?

Giảm tiểu cầu (thrombocyte) là bệnh chứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em và người trẻ tuổi, ở nữ nhiều hơn nam.

Tiểu cầu là những tế bào nhỏ lưu hành trong máu, có chức năng tham gia vào quá trình đông máu, giữ vai trò rất quan trọng trong cầm máu và chống chảy máu. Tiểu cầu lưu thông bình thường trong máu với số lượng từ 150 đến 400 triệu/ml máu. Dấu hiệu gợi ý là hội chứng chảy máu, hay gặp nhất ở da và niêm mạc. Bệnh có thể được phát hiện tình cờ khi xét nghiệm tế bào máu ngoại vi thấy số lượng tiểu cầu giảm…

Ngoài việc trị liệu theo tây y như dùng thuốc, truyền máu hay truyền tiểu cầu, có thể phối hợp điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh, đồng thời sử dụng những món ăn thuốc dưới đây - cũng có công hiệu hỗ trợ trị bệnh.

Nên và không nên

Nên ăn các đồ ăn càng tươi càng tốt (ví dụ như rau vừa hái ở vườn...) vì giá trị dinh dưỡng của các loại rau quả sẽ bị giảm dần theo thời gian nếu để bị héo. Tránh ăn các đồ ăn đông lạnh.

Nên ăn các đồ ăn chưa qua chế biến kỹ (như ngũ cốc nguyên hạt, gạo lức và lúa mì). Giảm ăn các loại như lúa mì trắng, gạo trắng và các sản phẩm thực phẩm đã qua tinh chế vì các thực phẩm qua tinh chế sẽ bị mất đi chất dinh dưỡng tự nhiên ở vỏ ngoài của nó.

Ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau, các sản phẩm sữa ít béo, đậu, thịt nạc và cá. Ăn thức ăn lành mạnh có thể giúp có nhiều năng lượng khiến chữa trị lành bệnh nhanh hơn.

Ăn nhiều rau xanh, đặc biệt là rau sạch, giúp cơ thể tăng tiểu cầu. Ảnh HỒNG THÚY

Đàn ông 19 tuổi trở lên nên uống khoảng 3 lít nước/ngày. Phụ nữ 19 tuổi trở lên nên uống khoảng 2,2 lít nước/ngày. Đối với hầu hết mọi người, thức uống tốt là nước, nước trái cây và sữa. Hãy cố gắng uống đủ nước mỗi ngày và không chỉ uống khi cảm thấy khát nước.

Hạn chế ăn thịt, các loại đồ uống có cồn vì có thể gây hại cho tủy xương. Cần tránh tất cả thực phẩm chế biến tinh - đường, chất béo bão hòa và đồ uống có gaz nhằm tránh làm giảm số lượng tiểu cầu, kể cả các thực phẩm gây dị ứng. Cần ăn các loại thực phẩm tươi và hữu cơ giúp kích thích cơ chế nội mô và làm lượng tiểu cầu được tăng lên.

Chọn lựa các loại thực phẩm có màu đỏ, hồng như cà chua, gấc, mận, dưa hấu, anh đào để có nhiều vitamin và khoáng chất có tính chất chống ôxy hóa mạnh, giúp nâng cao số lượng tiểu cầu.

Dùng các món ăn thuốc

- Chữa tiểu cầu giảm, máu chậm đông: Đậu phộng rang để cả vỏ lụa 150 g chia làm 4 lần, nhai ăn trong ngày. Đây là món ăn thuốc có tác dụng bổ tì, ích vị, dưỡng huyết và cầm máu.

-  Chữa ban xuất huyết do giảm tiểu cầu: Lấy lá hồng rụng mùa thu rửa sạch, phơi khô, nghiền mịn, ngày uống 2 lần vào buổi sáng và tối, mỗi lần 3 g, liên tục trong 1 tháng.

- Làm tăng tiểu cầu bằng hoa kim châm (còn có tên là hoa hiên, huyên thảo, rau huyên, hoàng hoa, kim trâm thái...): Hoa kim châm 30 g, sắc với 300 ml nước uống trong ngày, uống liên tục trong 1 tháng.

- Thịt mèo 250 g, tỏi tím 50 g, nấu cùng, ăn hằng ngày.

- Tim heo 1 quả, hạnh đào nhân 100 g, nấu cùng để ăn.

- Da cừu 100 g. Lấy da cừu tươi làm sạch lông xắt miếng nhỏ, cho nước vừa đủ, hầm nhỏ lửa đến nhừ thì cho đường vào. Ngày ăn 2 lần vào sáng sớm và tối lúc đói. Ăn trong 1 tuần là 1 liệu trình.

- Bì heo 50 g, đậu phộng 30 g. Xắt bì heo thành miếng nhỏ, đậu phộng để cả vỏ lụa, cho cùng vào nồi sắt sắc nhỏ lửa đến khi nước đặc, càng đặc thì hiệu quả chữa trị càng tốt. Chia 2 lần, ăn nóng trong ngày. Ăn liền 1 tuần là 1 liệu trình.

- Chân giò 100 g, hồng táo 50 g. Chân giò, hồng táo rửa sạch, cho xì dầu, giấm, hành, gừng, tỏi vào tô, một ít bột và bia rồi khuấy đều để sẵn. Lấy nồi đất, dưới đáy nồi lót mấy cục xương heo. Dùng 1 lít nước, cho thịt chân giò vào đun sôi, vớt bỏ bọt, sau đổ nước hồng táo đã sắc đặc. Bắt đầu hầm nhỏ lửa âm ỉ đến nhừ, nước hầm đặc quánh là được.

- Món trứng gà, hồng táo: Cẩu kỷ tử 10-15 g, hồng táo 10 quả, đẳng sâm 15 g, trứng gà 2 quả chín, lột vỏ. Cho tất cả vào nồi nấu cùng. Ăn trứng gà, uống nước canh. Ăn hằng ngày hoặc cách 1 ngày ăn 1 lần. Cần ăn liền trong 6-7 tháng.
Có thể kết hợp sử dụng các món ăn bổ huyết chống chảy máu:

- Bổ khí dưỡng huyết: Canh gân bò, đỗ, đậu phộng. Gân chân bò 100 g, đậu phộng cả vỏ lụa 100- 150 g. Hầm cho nhừ nhuyễn đậu phộng là ăn được.

 - Bổ huyết, sinh huyết: Xương sống heo hầm cùng đậu phộng. Hầm nhừ, ăn cái uống nước, ngày 1 lần.

Hỏi đáp liên quan

Con tôi 5 tuổi, bỗng dưng xuất hiện các vết bầm tím ở đùi, tay và nhiều chỗ khác trên cơ thể. Tôi cho cháu đi khám thì được biết cháu bị xuất huyết giảm tiểu cầu. Cháu đã điều trị ở bệnh viện 3 tháng nay, theo bác sĩ cho biết thì tiến triển của bệnh khá tốt. Nhưng tôi nghe nói bệnh rất khó chữa và hay tái phát. Xin cho biết bệnh này nguy hiểm không và có chữa khỏi được không? Tôi xin cảm ơn! - Trần Thúy Hằng (Đồng Nai)

Tiểu cầu được sản xuất bởi tủy xương, có vai trò quan trọng trong cầm máu và đông máu. Khi tiểu cầu thấp hơn mức bình thường trong máu và gây chảy máu thì được gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu. Có nhiều nguyên nhân gây giảm tiểu cầu như: giảm sản xuất tiểu cầu, tăng tiêu hao và phá hủy tiểu cầu, tăng bắt giữ tiểu cầu tại lách và giảm tiểu cầu do thuốc…

Hiện nay, việc điều trị còn tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nặng, nhẹ của bệnh. Trường hợp giảm tiểu cầu tự miễn hoặc ban xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát, có thể điều trị bằng steroids để giảm phản ứng của hệ miễn dịch tấn công lên tiểu cầu. Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân sẽ được tiêm tĩnh mạch immunoglobulins (IVIG) hoặc kháng thể để làm chậm lại cơ chế miễn dịch. Nếu điều trị bằng phương pháp nội khoa không thành công, bệnh cần được xử lý bằng phẫu thuật cắt lách.

Ở bệnh nhân nhỏ tuổi, khi tìm ra nguyên nhân thì bệnh giảm tiểu cầu có thể được chữa khỏi với tỉ lệ khá cao. Tuy nhiên, bệnh nhân cần thận trọng với các biến chứng của bệnh như: xuất huyết và mất máu nhiều do vết thương; xuất huyết tự phát do giảm tiểu cầu; nếu giảm tiểu cầu tự miễn liên quan đến lupus có thể đi kèm với các biến chứng khác của lupus; ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối hoặc hội chứng tăng urê máu tán huyết có thể gây ra các biến chứng thiếu máu nặng, lú lẫn, các biến đổi về thần kinh hoặc suy thận; nếu giảm tiểu cầu do thuốc (heparin) có thể gây các biến chứng rất nặng liên quan đến vấn đề đông máu.

Để điều trị tốt và phòng ngừa tái phát, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ trong và sau quá trình điều trị.       

Tôi bị giảm tiểu cầu nhưng đi khám ở huyết học các bác sĩ đã làm các xét nghiệm mà không tìm ra nguyên nhân. Tôi muốn hỏi xem tiểu cầu giảm có liên quan gì đến chế độ ăn, công việc không? (Hồng Nhung - Q.1, TPHCM)

Trả lời:

Chào Hồng Nhung,

Bạn bị xuất huyết giảm tiểu cầu không tìm ra nguyên nhân, đó là bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu (XHGTC) vô căn hay XHGTC miễn dịch. XHGTC vô căn là tình trạng bệnh lý trong đó tiểu cầu ngoại vi bị phá hủy do sự có mặt của một tự kháng thể kháng tiểu cầu.

Biểu hiện là xuất huyết dưới da nhiều hình thái, xuất huyết niêm mạc và các tạng, thiếu máu do xuất huyết nhiều.

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu chưa rõ nguyên nhân có tiến triển rất thất thường và không thể lường trước được. Hội chứng xuất huyết khi thì liên tục, khi thì ngắt quãng. Ở người lớn, tiến triển mạn tính, diễn biến trên 6 tháng rất dễ tái phát. Tiến triển cấp tính thường gặp ở trẻ em, khỏi 80% trong vòng 2 tháng. Bệnh nhân có thể nhẹ dần khi bệnh nhân tuổi càng lớn, thường là trên 25 tuổi.

Bệnh có tiên lượng tốt nếu điều trị đúng và theo dõi sát. Khi đã được điều trị nội khoa 3 đợt kéo dài hơn 12 tháng mà bệnh vẫn không đỡ thì chỉ định cắt lách. Cắt lách là một phương pháp điều trị rất tốt, đạt kết quả khỏi bệnh hoàn toàn, gần 90 phần trăm trường hợp.

Trường hợp xuất huyết nhẹ thì không sao. Khi bị xuất huyết nhiều sẽ làm da xanh xao, chóng mặt xây xẩm, kém tập trung, mệt hồi hộp, tim đập nhanh… sẽ ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt của bệnh nhân.

Theo Phunu.net
Bình luận
Tin mới
  • 08/11/2024

    Đồ uống có gas liên quan đến nguy cơ đột quỵ

    Nghiên cứu phát hiện ra rằng những người thường xuyên uống nước ngọt có gas có nguy cơ đột quỵ cao hơn 22% so với những người không uống.

  • 08/11/2024

    Biện pháp khắc phục viêm mũi họng cho trẻ em

    Trẻ em là đối tượng dễ mắc viêm mũi họng mỗi khi trái gió trở trời. Cha mẹ nên nắm rõ nguyên tắc chăm sóc trẻ bị viêm mũi họng để con nhanh khỏi bệnh.

  • 08/11/2024

    Tác động của HIV lên cơ thể

    HIV tấn công hệ thống miễn dịch của bạn, khiến bạn khó chống lại những yếu tố có thể khiến bạn bị bệnh. Khi virus làm suy yếu khả năng phòng vệ tự nhiên của bạn, bạn có thể nhận thấy các dấu hiệu trên khắp cơ thể.

  • 08/11/2024

    Bình tĩnh xử trí khi trẻ sốt

    Sốt là biểu hiện thường gặp khi cơ thể trẻ bị nhiễm virus, vi khuẩn hoặc bất kỳ tác nhân gây bệnh nào. Cha mẹ nên bình tĩnh theo dõi thân nhiệt của con để đưa ra hướng xử trí phù hợp.

  • 07/11/2024

    Sushi có tốt cho sức khỏe không?

    Nhiều người đã nghe nói ăn sushi tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, liệu điều này có đúng không dưới góc nhìn của các chuyên gia dinh dưỡng?.

  • 07/11/2024

    Trẻ bị viêm họng sốt cao phải làm sao?

    Trẻ bị viêm họng sốt cao thường do thay đổi thời tiết, độ ẩm cao, môi trường nhiều vi khuẩn, virus. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vậy, cha mẹ cần phải làm gì khi trẻ bị sốt cao do viêm họng?

  • 07/11/2024

    Nôn nghén khi mang thai là gì?

    Nhiều phụ nữ mang thai bị ốm nghén. Nhưng đối với một số ít, tình trạng này nghiêm trọng hơn nhiều. Ít hơn 3% phụ nữ mang thai bị chứng nôn nghén. Không có cách chữa trị, nhưng tình trạng này chỉ là tạm thời và có nhiều cách để kiểm soát.

  • 07/11/2024

    3 lý do ngăn cản bạn sống cuộc sống tốt nhất

    Bài viết này là những cách giúp bạn vượt qua một số lời biện hộ phổ biến có thể cản trở cuộc sống mà bạn mong muốn.

Xem thêm