Trong một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên Tạp chí Scientific Reports, các nhà nghiên cứu đã xác định mối liên hệ giữa thiếu vitamin D và bệnh tâm thần phân liệt. Tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng, có thể kéo dài suốt cả cuộc đời. Khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ có trạng thái kích động bởi những ảo giác, hoang tưởng, rối loạn chức năng suy nghĩ và các chuyển động cơ thể.
Tâm thần phân liệt gây ra các vấn đề nhận thức, hành vi, cảm xúc
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Australia và Đan Mạch, họ đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ sơ sinh có nồng độ vitamin D trong máu thấp làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tâm thần phân liệt.
Thiếu vitamin D ở bà bầu và nguy cơ tự kỷ ở trẻ sơ sinh
Vitamin D thúc đẩy sự hấp thụ calci bên trong dạ dày và ruột. Nó ảnh hưởng đáng kể đến quá trình phát triển xương, não bộ của thai nhi, đặc biệt là sự tăng trưởng của các tế bào thần kinh. Bên cạnh đó, vitamin D có tác dụng bảo vệ tế bào, chống lại những tác nhân gây tổn thương cho DNA và có thể giúp sửa chữa tổn thương khi nó xảy ra. Ngoài ra, vitamin D còn giúp giảm số lượng các cytokine viêm có trong não gây ra các rối loạn.
Do đó, phụ nữ mang thai cần theo dõi nồng độ vitamin D của mình thường xuyên. Đặc biệt, bà bầu dễ bị thiếu hụt vitamin D nếu phần lớn thời gian ở trong nhà hoặc ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Trong một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí Molecular Psychiatry, các nhà nghiên cứu đã phân tích hơn 4.000 mẫu máu từ phụ nữ mang thai. Họ phát hiện ra rằng, những phụ nữ mang thai 20 tuần bị thiếu vitamin D có nguy cơ cao sinh con bị tự kỷ.
Bà bầu cần bao nhiêu vitamin D?
Theo các chuyên gia, ngoài việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong ít nhất 10-20 phút/ngày, tiêu thụ thực phẩm như trứng, cá béo, nấm, sữa nguyên kem, yến mạch, tôm… cũng giúp bổ sung vitamin D cho bà bầu.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nội tiết Hoa Kỳ, hàm lượng vitamin D phụ nữ có thai cần ít nhất là 600 IU/ngày, tốt nhất là 1.500 IU/ngày nhưng không vượt quá 4.000 IU/ngày.
Tuy nhiên, trước hết, bạn nên gặp bác sỹ để xác định mức độ thiếu hụt nồng độ vitamin D của cơ thể và lựa chọn hướng bổ sung thích hợp.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Vai trò của vitamin D trong thai kì