Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bà bầu có nên ăn nhiều bưởi?

Bưởi có ít calo nhưng lại chứa hàm lượng lớn chất dinh dưỡng bao gồm vitamin B, folate, chất xơ, calci, kali… rất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, bà bầu ăn bưởi liệu có an toàn và cần lưu ý những gì?

Lợi ích sức khỏe của việc ăn bưởi khi mang thai

Phòng ngừa tiền sản giật

Tiền sản giật là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhiều tai biến sản khoa nguy hiểm như sinh non, thai chết lưu, nhau bong non, thậm chí là tử vong nếu không được theo dõi kỹ càng. 

Theo nghiên cứu, bưởi là loại trái cây có chứa kali và flavonoid dồi dào, giúp điều chỉnh huyết áp, do đó có thể kiểm soát bệnh tiền sản giật hiệu quả.

Kiểm soát cân nặng thai kỳ

Bưởi chứa ít calo giúp bà bầu tránh tăng cân quá nhanh

Bưởi là loại trái cây ít calo, giàu chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nó có chứa hàm lượng chất xơ dồi dào. Tất cả những đặc tính này giúp bưởi trở thành một loại trái cây lý tưởng để kiểm soát cân nặng thai kỳ. Tuy nhiên, bà bầu cần kết hợp với chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh mới thực sự đem lại hiệu quả.

Giảm chứng ợ nóng và khó tiêu

Ợ nóng và khó tiêu là tình trạng thường gặp khi mang thai. Bưởi có chứa D-limonene - hợp chất có đặc tính trung hòa acid dạ dày và giúp nhu động ruột hoạt động ổn định. Do đó, nó kiểm soát chứng ợ nóng và khó tiêu khi mang thai hiệu quả.

Tuy nhiên, bà bầu nên tránh ăn bưởi và uống nước ép bưởi vào ban đêm, bởi hàm lượng lớn vitamin C có trong loại trái cây này sẽ kích thích dịch vị dạ dày, làm nặng thêm chứng ợ nóng và khó tiêu.

Ngăn ngừa thiếu máu

Bưởi giàu vitamin C, giúp cơ thể bạn hấp thụ chất sắt từ thực phẩm hiệu quả hơn, do đó giúp giảm nguy cơ thiếu máu.

Ngăn ngừa hen suyễn

Các nghiên cứu cho thấy, bưởi có chứa flavonoid và lycopene dồi dào. Bởi vậy, nó có thể giúp ngăn ngừa hen suyễn trong thai kỳ.

Ngăn ngừa loãng xương do thiếu calci

Trung bình, 1 quả bưởi sẽ cung cấp khoảng 2% lượng calci bà bầu cần tiêu thụ trong một ngày. Ăn bưởi thường xuyên kết hợp cùng các thực phẩm giàu calci khác sẽ giúp chống loãng xương cho mẹ và hình thành khung xương chắc khỏe cho thai nhi.

Bù nước, ngăn ngừa táo bón

Bà bầu ốm nghén dễ bị mất nước

Khi mang thai, phụ nữ cần bổ sung nhiều nước hơn bình thường để giúp tế bào máu được khỏe mạnh và tăng sức đề kháng. Bưởi có hàm lượng nước lên đến 91% và rất giàu chất điện giải, điều này giúp khắc phục tình trạng cơ thể bị mất nước, đặc biệt trong mùa Hè.

Ngoài ra, đặc tính nhuận tràng của loại trái cây này giúp hạn chế tình trạng táo bón ở phụ nữ mang thai.

Phòng cảm lạnh, cúm

Phụ nữ mang thai có hệ miễn dịch yếu hơn bình thường. Do đó, hàm lượng vitamin C có trong bưởi rất hữu ích đối với việc tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, bưởi có chứa các hợp chất chống oxy hóa như flavonoid cũng giúp cải thiện miễn dịch.

Ngăn ngừa đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường thai kỳ có thể gây biến chứng nguy hiểm như tiền sản giật, băng huyết sau sinh, khó sinh, sinh non… Theo đó, bưởi có chỉ số chuyển hóa đường huyết GI thấp và rất giàu chất chống oxy hóa, do đó có thể kiểm soát đái tháo đường thai kỳ hiệu quả.

Bưởi có chứa chất furanocoumarin làm giảm hoạt động của các enzyme tiêu hóa, ảnh hưởng đến khả năng phân giải và hấp thu thuốc. Do đó, bà bầu đang sử dụng thuốc nên tham khảo ý kiến của bác sỹ chuyên khoa trước khi ăn bưởi.

Bà bầu nhiều bưởi tốt cho sức khỏe?

Mặc dù ăn bưởi khi mang thai có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng vẫn có những nguy cơ tiềm ẩn, bà bầu cần lưu ý. Điều cần lưu ý nhất đó là về liều lượng. Thực phẩm có tốt đến đâu cũng sẽ không có lợi cho sức khỏe nếu bạn tiêu thụ quá mức.

Tổng lượng trái cây khuyến nghị cho phụ nữ mang thai sẽ gấp đôi bình thường là khoảng 350-500gr/ngày và hàm lượng vitamin C là 85mg/ngày. Do đó, mỗi ngày bà bầu có thể ăn khoảng 160gr bưởi tươi để tốt cho sức khỏe và không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Ngoài ra, bạn nên bổ sung đa dạng các loại trái cây để có nguồn dinh dưỡng toàn diện nhất.

Bà bầu nên ăn bưởi với lượng vừa phải

Chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ mang thai cần tránh ăn bưởi nếu:

- Mắc bệnh thận hoặc gan.

- Bị loét dạ dày hoặc tá tràng.

- Bị viêm bàng quang.

- Tiền sử dị ứng: Các nghiên cứu cho thấy, khả năng rất cao là những người bị dị ứng với trái cây họ cam quýt cũng có thể bị dị ứng với bưởi.

- Không nên ăn bưởi khi bụng đói.

Cách làm sinh tố bưởi tốt cho phụ nữ mang thai

Nguyên liệu gồm có:

- 1 quả bưởi, gọt vỏ, tách múi.

- 1 quả táo, gọt vỏ, bỏ lõi, cắt nhỏ để dễ xay.

- 200gr rau bina.

- 1 quả chuối chín, lột vỏ, cắt khúc.

- 1-2 cốc sữa hạnh nhân không đường.

- 1-2 lát gừng tươi, gọt vỏ, cắt nhỏ.

Cách thực hiện:

Cho tất cả nguyên liệu vào trong máy xay sinh tố. Bắt đầu trộn ở tốc độ thấp sau đó tăng dần cho đến khi đạt được hỗn hợp sinh tố sánh mịn. Đổ sinh tố ra ly, bạn có thể cho thêm đá và sẵn sàng thưởng thức.

Bà bầu uống sinh tố trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn sáng 1 tiếng là tốt nhất.

Tham khảo thông tin tại bài viết: Những loại trái cây giúp bổ sung Kali

Phạm Quỳnh H+ (Theo Momjunction) - Theo Healthplus
Từ khóa:
Bình luận
Tin mới
Xem thêm