Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Axít phá hủy cơ thể thế nào khi con người uống nhầm

Cùng tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra nếu như chúng ta vô tình uống nhầm phải axit?

Mới đây, trong đêm Bán kết 4 của cuộc thi Vietnam's Got Talent, thí sinh Tấn Phát đã vô tình uống phải ly có chứa axit trong khi trình diễn tiết mục ảo thuật của mình. Rất may, sự việc không gây ra hậu quả đáng tiếc bởi Tấn Phát đã nhanh chóng được chuyển tới bệnh viện cấp cứu. 

Thí sinh Tấn Phát uống phải ly có chứa axit

Tuy nhiên, nhiều người hẳn sẽ băn khoăn điều gì đã xảy ra khi thí sinh trên uống phải axit? Cơ thể sẽ chống chọi và chịu đựng ra sao khi đụng độ chất hóa học này? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Chúng ta biết rằng, axit là một trong những hợp chất cơ bản quan trọng nhất của hóa học. Hợp chất này được phân ra theo ba cấp độ: axit mạnh (axit của các halogen, axit có gốc chứa oxy), axit trung bình (H3PO4, H2SO3…) và axit yếu (các axit hữu cơ như chanh, giấm). 

Cấu trúc phân tử của axit sunphuric

Axit mà thí sinh Tấn Phát uống phải là axit sunphuric (H2SO4), nằm trong nhóm các axit mạnh nhất. Đặc biệt, axit sunphuric càng đậm đặc càng nguy hiểm bởi tính oxy hóa trở nên rất mạnh. 

Chỉ xét riêng axit vô cơ thì H2SO4 thuộc top 3 axit hàng đầu gây bỏng cùng với axit nitric (HNO3) và axit clohidric (HCl). H2SO4 đặc nóng ăn mòn được hầu như tất cả các kim loại một cách dễ dàng. Khi tiếp xúc với nước, thậm chí axit ở thể này có thể phát nổ.

Axit sunphuric có thể xâm nhập cơ thể qua hai con đường: vô tình uống hoặc vô tình hít phải. Với đường uống, do tính ăn mòn cao nên dung dịch axit gây bỏng lập tức ở cổ họng, khoang miệng. 

Sau đó, dung dịch axit đi tới đâu sẽ gây nên kích ứng và bỏng tại đó, từ thực quản cho tới dạ dày. Nguyên nhân của việc này là do tính oxy hóa của axit sunphuric rất mạnh, nếu axit đậm đặc thì còn rất háo nước. Kết quả là nước trong các tế bào bị axit hút hết, dẫn tới tế bào chết khô và gây bỏng rát. 

Nạn nhân và vết thương do axit sunphuric gây ra

Nếu để axit sunphuric tiếp xúc với các mô sụn (mũi, da…) thì đó thực sự là một thảm họa. Axit làm ngưng kết các protein trong sụn, làm rối loạn liên kết peptid và hậu quả sẽ là mô sụn biến dạng hoàn toàn. 

Đặc biệt, trên thế giới đã có trường hợp ghi nhận axit sunphuric nồng độ cao có thể làm thủng ruột và gây ra cái chết.

Trong trường hợp vô tình hít phải, hơi axit đậm đặc sẽ đi vào khí quản và gây nên kích ứng mạnh đường hô hấp mà biểu hiện đầu tiên là khó thở và nặng hơn là phù phổi. 

Nghiên cứu trên những công nhân làm việc ở các mỏ lưu huỳnh còn cho thấy, nếu hít phải hơi axit này thường xuyên, con người có nguy cơ cao mắc phải ung thư thanh quản, men răng mòn và bị phá hủy. 

Vì vậy, hãy hết sức cẩn thận khi tiếp xúc với axit sunphuric nói riêng và các axit khác nói chung. 

Để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh, hãy làm theo những lưu ý sau:

- Đeo găng tay và kính bảo hộ khi làm việc với axit.

- Không thử uống, hít, ngửi hay chạm tay vào dung dịch axit đậm đặc.

- Nếu vô tình bị bỏng axit ngoài da, cần rửa tay bằng nước lạnh rồi tới ngay cơ sở y tế gần nhất.

- Khi vô tình uống phải axit, có thể uống thật nhiều nước, hoặc sữa nhằm hạn chế tính ăn mòn và phá hủy tế bào của axit. Sau đó, ngay lập tức tới các cơ sở y tế để được chữa trị hoặc chăm sóc.

Theo Trí thức trẻ/NY Times, Ehow, ATSDR.CDC, Wikipedia
Bình luận
Tin mới
Xem thêm