Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Thoái hóa hoàng điểm

Thoái hóa hoàng điểm tuổi già là một bệnh mắt mạn tính xuất hiện khi mô ở hoàng điểm, phần võng mạc chịu trách nhiệm về thị lực trung tâm, bị thoái hóa. Võng mạc là lớp mô nằm trên mặt trong thành sau của nhãn cầu. Thoái hóa hoàng điểm gây mờ thị lực trung tâm hoặc có điểm mù ở trung tâm thị trường.

Dấu hiệu đầu tiên của thoái hóa hoàng điểm là cần nhiều ánh sáng hơn khi làm những việc gần mắt. Chữ in cỡ nhỏ trở nên khó đọc hơn và bạn khó nhận ra các biển hiệu giao thông hơn. Cuối cùng bạn có thể thấy khi nhìn vào một vật, những đường thẳng trơn nhẵn bị méo mó hoặc vặn vẹo. Những chấm trắng hoặc xám có thể che khuất vùng trung tâm của thị trường. Bệnh có thể tiến triển rất nhanh, dẫn tới giảm thị lực nặng ở một hoặc cả hai mắt.

Thoái hóa hoàng điểm ảnh hưởng tới thị lực trung tâm, nhưng không ảnh hưởng tới thị lực ngoại vi; do đó nó không gây mù hoàn toàn. Mặc dù vậy, việc mất thị lực trung tâm khó khăn cho việc đọc, lái xe, nhận diện khuôn mặt và làm những việc tỉ mỉ - sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng sống. Trong hầu hết các trường hợp, tổn thương do thoái hóa hoàng điểm không thể phục hồi được, nhưng phát hiện sớm có thể làm giảm mức độ giảm thị lực.

Bệnh có xu hướng diễn ra ở người già. Thoái hóa hoàng điểm là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực nặng ở người từ 50 tuổi trở lên.

Dấu hiệu và triệu chứng

Thoái hóa hoàng điểm thường diễn ra từ từ và không đau. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh có thể thay đổi, phụ thuộc vào dạng thoái hóa hoàng điểm mà bạn mắc phải.

Với thoái hóa hoàng điểm khô, bạn có thể thấy những triệu chứng sau:

- Cần tăng độ chiếu sáng khi đọc hoặc làm việc gần mắt.

- Chữ in có vẻ mờ hơn.

- Màu sắc dường như nhạt hơn và xỉn hơn.

- Thị lực chung ngày càng mờ dần.

- Điểm mù ở trung tâm thị trường kết hợp với giảm rõ rệt thị lực trung tâm.

Với thoái hóa hoàng điểm ướt, những triệu chứng dưới đây có thể biểu hiện nhanh chóng:

- Méo mó hình ảnh, như đường thẳng trở thành lượn sóng hoặc vặn vẹo - khó nhận ra ô cửa hoặc biển báo giao thông.

- Giảm thị lực trung tâm.

- Có điểm mờ ở trung tâm thị trường

Trong cả hai dạng thoái hóa hoàng điểm này, thị lực của bạn có thể giảm ở một mắt trong khi mắt kia vẫn còn nhìn rõ trong vài năm. Bạn có thể không nhận thấy sự thay đổi vì mắt tinh sẽ bù cho mắt yếu. Thị lực và lối sống của bạn bắt đầu bị ảnh hưởng mạnh khi bệnh diễn ra ở cả hai mắt.

Nguyên nhân

Hoàng điểm là trung tâm của võng mạc và được tạo bởi những tế bào nhạy cảm ánh sáng gọi là tế bào hình nón và hình que tập trung dày đặc. Những tế bào này, đặc biệt là tế bào hình nón, rất quan trọng đối với thị lực trung tâm. Màng mạch là một lớp mạch máu bên dưới nuôi dưỡng các tế bào hình nón và hình que của võng mạc. Một lớp mô tạo thành bề mặt ngoài cùng của võng mạc gọi là biểu mô sắc tố võng mạc (RPE). RPE là đường qua lại quan trọng cho chất dinh dưỡng từ màng mạch tới võng mạc và giúp loại bỏ chất cặn bã từ võng mạc ra màng mạch.

Khi bạn có tuổi, PRE có thể bị thoái hóa và trở nên mỏng hơn (teo), khởi đầu cho một chuỗi các sự kiện. Chu trình vận chuyển chất dinh dưỡng và loại bỏ chất cặn bã giữa võng mạc và màng mạch bị phá vỡ. Các lắng đọng chất cặn bã bắt đầu hình thành. Thiếu dinh dưỡng, các tế bào nhạy cảm ánh sáng của hoàng điểm bị tổn thương. Các tế bào bị tổn thương này không thể gửi tín hiệu bình thường qua thần kinh thị giác tới não được nữa, và thị lực của bạn bị mờ đi. Ðây thường là triệu chứng đầu tiên của thoái hóa hoàng điểm.

Thoái hóa hoàng điểm có hai thể:

- Thoái hóa hoàng điểm khô: Hầu hết những người bị thoái hóa hoàng điểm ở thể khô. Trên thực tế, thoái hóa hoàng điểm luôn bắt đầu bằng thể khô. Thể khô lúc đầu thường chỉ xảy ra ở một mắt nhưng hầu hết trường hợp cuối cùng cả hai mắt đều bị ảnh hưởng. Thoái hóa hoàng điểm khô xảy ra khi các tế bào RPE bắt đầu mỏng đi. Màu đỏ đều bình thường của hoàng điểm xuất hiện những vết lốm đốm Drusen trông giống như những chấm vàng xuất hiện dưới võng mạc.

Thoái hóa hoàng điểm khô là hậu quả của sự thoái hóa RPE do tuổi già. Các tế bào nhạy cảm ánh sáng của hoàng điểm tiếp tục bong tróc những mảng ngoài cùng thành chất thải. Chất thải này bị giáng hóa và được RPE chuyển vào màng mạch. Đồng thời, tế bào hình nón và hình que tiếp tục sản sinh các mảng ngoài mới để thay thế những mảng bị bong tróc.

Khi bạn bị thoái hóa hoàng điểm khô, hệ thống loại bỏ chất cặn bã sẽ suy yếu. Tuổi già làm chậm quá trình này tới mức chất thải bắt đầu tích tụ ở RPE. Sự tích tụ này cản trở chức năng bình thường của RPE, khiến các tế bào nhạy cảm ánh sáng của hoàng điểm bị thoái hóa.

Ban đầu, mặc dù những hiện tượng này diễn ra, bạn có thể thấy thị lực ít hoặc không thay đổi. Nhiều người có chẩn đoán thoái hóa hoàng điểm khô giai đoạn đầu có thể không thấy khó chịu bởi các triệu chứng như nhìn mờ trừ phi đã rất nhiều tuổi. Nhưng khi drusen và đốm sắc tố tiếp tục diễn ra, thị lực của bạn có thể thoái hóa sớm hơn. RPE có thể mỏng đi tới mức lớp bảo vệ này của niêm mạc biến mất. Điều này ảnh hưởng tới các tế bào hình nón và hình que bên trên và dẫn tới mất hoàn toàn thị lực trung tâm.

Thoái hóa hoàng điểm ướt: Thể ướt chiếm khoảng 10-15% các trường hợp, nhưng nó chịu trách nhiệm gần 90% số trường hợp giảm thị lực nặng ở người bị thoái hóa hoàng điểm. Nếu bạn bị thoái hóa hoàng điểm ướt ở một mắt, nguy cơ bị bệnh ở mắt kia tăng khá nhiều.

Thoái hóa hoàng điểm ướt xảy ra khi các mạch máu mới phát triển từ màng mạch dưới hoàng điểm. Những mạch máu này gây thoát dịch hoặc máu - vì thế bệnh được gọi là thoái hóa hoàng điểm ướt - và làm thị lực trung tâm mờ đi. Tất cả các mắt bị thể ướt cũng có những dấu hiệu của thể khô như đốm sắc tố và drusen ở võng mạc. ngoài ra, đường thẳng dưới mắt bạn sẽ trở thành lượn sóng hoặc vặn vẹo và xuất hiện những điểm trống trong thị trường.

Giống như thoái hóa hoàng điểm khô, sự thoái hóa trong hệ thống loại bỏ chất thải có thể là nguyên nhân khiến mạch máu phát triển bất thường. Khi chất thải từ các tế bào hình nón và hình que không được loại bỏ và bắt đầu tích tụ lại, chúng cản trở vận chuyển chất dinh dưỡng tới hoàng điểm. Sự phát triển bất thường của mạch máu có thể là một đáp ứng với tình trạng gián đoạn này trong quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng. Và vì không có đủ dinh dưỡng nên các mô khỏe mạnh trong hoàng điểm bắt đầu thoái hóa.

Giảm thị lực thường diễn ra nhanh và nặng, dẫn tới mù lòa, được xác định là thị lực 20/200 hoặc thấp hơn. Ðiều này có nghĩa là nếu người với thị lực bình thường có thể nhìn cách gần 60m, thì người có thị lực 20/200 chỉ có thể nhìn cách gần 6m.

Một thể thoái hóa hoàng điểm ướt tương đối hiếm gặp được gọi là bong biểu mô sắc tố võng mạc (PED). Trong bệnh cảnh này, dịch thoát ra từ màng mạch mặc dù không có mạch máu bất thường nào phát triển ở đây. Dịch ứ đọng dưới biểu mô sắc tố võng mạc, tạo thành hình ảnh giống như vết rộp hoặc sưng dưới hoàng điểm. Loại thoái hóa hoàng điểm này gây ra các triệu chứng tương tự như thoái hóa hoàng điểm ướt và thường tiến triển thành thoái hóa hoàng điểm ướt với các mạch máu mới bất thường mọc lên.

Yếu tố nguy cơ

Các nhà nghiên cứu chưa biết chính xác nguyên nhân gây thoái hóa hoàng điểm, nhưng họ đã xác định được một số yếu tố góp phần gây bệnh, gồm:

- Tuổi: Ở Mỹ, thoái hóa hoàng điểm là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực nặng ở người từ 50 tuổi trở lên.

- Tiền sử gia đình bị thoái hóa hoàng điểm: Ðiều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

- Chủng tộc: Thoái hóa hoàng điểm ít gặp ở người da đen, người Mỹ gốc Á và người Mỹ gốc da đỏ hơn những nhóm chủng tộc khác. Ở Mỹ, thoái hóa hoàng điểm xảy ra ở khoảng 28% số người da trắng từ 75 tuổi trở lên.

- Giới tính: Phụ nữ dễ mắc bệnh hơn nam giới, và vì họ có xu hướng sống lâu hơn, nên dễ phải chịu tác động của mất thị lực nặng do mắc bệnh.

- Mắt có màu sáng: Những người có màu mắt sáng có nguy cơ mắc bệnh lớn hơn những người có màu mắt sẫm.

- Tiếp xúc với tia cực tím: Tiếp xúc lâu dài với tia cực tím và ánh sáng xanh (bước sóng ngay trên tia cực tím), bao gồm đèn tắm nắng cũng như ánh sáng mặt trời bình thường cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

- Nồng độ một số chất dinh dưỡng thấp: Bao gồm nồng độ thấp của một số loại chất khoáng và vitamin chống ôxy hóa trong máu, như vitamin A, C và E. Các chất chống ôxy hóa có thể bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương do ôxy (ôxy hóa), là loại tổn thương gây ra những tác động của lão hóa và một số bệnh như thoái hóa hoàng điểm.

- Hút thuốc lá: Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm - đặc biệt là khói thuốc lá - làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh. Người hút thuốc lá dễ mắc bệnh gấp 2-3 lần so với người không hút thuốc.

- Bệnh tim mạch: Bao gồm các bệnh về tuần hoàn, đột quỵ, đau tim và đau ngực.

Khi nào cần đi khám

Khám sàng lọc thường xuyên có thể phát hiện những dấu hiệu sớm của thoái hóa hoàng điểm trước khi bệnh dẫn đến giảm thị lực.

Nhưng nếu bạn nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào trong thị lực trung tâm hoặc khả năng nhìn màu sắc và chi tiết, đặc biệt nếu bạn trên 50 tuổi, hãy đi khám bác sỹ mắt.

Thoái hóa hoàng điểm có thể tiến triển nhanh, bạn càng được chẩn đoán và điều trị sớm thì cơ hội hạn chế việc giảm thị lực càng lớn.

Một cách để theo dõi mắt xem có cần đi khám bác sỹ không là kiểm tra thị lực thường xuyên bằng bảng kẻ ô Amsler. Tét đơn giản này giúp bạn phát hiện những thay đổi trong thị lực mà bạn có thể không chú ý. Bạn có thể thực hiện tét bằng bảng kẻ ô cầm tay hoặc treo ở nơi mà bạn thường xuyên nhìn thấy - ví dụ trên tủ lạnh hoặc gương trong nhà tắm.

Dưới đây là những gì bạn làm:

- Giữ bảng trước mặt cách mắt khoảng 36 cm dưới ánh sáng tốt. Ðeo kính đọc sách nếu bình thường bạn vẫn đeo kính.

- Che một mắt.

- Nhìn thẳng vào chấm trung tâm bằng mắt không che.

- Trong khi nhìn vào chấm này, xem liệu tất cả các đường kẻ của bảng có thẳng, có đầy đủ và có sự tương phản như nhau không.

- Lặp lại những bước trên với mắt bên kia.

- Nếu có phần nào của bảng bị mất hoặc có vẻ lượn sóng, lờ mờ hoặc tối, nên đi khám bác sỹ mắt ngay lập tức.

Sàng lọc và chẩn đoán

Ðể xác định xem mình có bị thoái hóa hoàng điểm không, bạn sẽ được khám mắt một cách cẩn thận. Một trong những điều bác sỹ tìm kiếm trong khi kiểm tra bên trong mắt bạn là sự có mặt của đốm sắc tố và drusen ở hoàng điểm.

Việc khám mắt bao gồm làm một tét thị lực trung tâm đơn giản bằng bảng kẻ ô Amsler. Nếu bạn bị thoái hóa hoàng điểm, khi nhìn vào bảng ô một số đường kẻ thẳng có vẻ mờ đi, đứt đoạn hoặc méo mó. Bằng cách nhận xét nơi xuất hiện sự đứt đoạn hoặc méo mó đó - thường ở tại hoặc ở gần trung tâm của bảng kẻ ô - bác sỹ có thể xác định tốt hơn vị trí và phạm vi tổn thương hoàng điểm.

Ðể đánh giá phạm vi tổn thương do thoái hóa hoàng điểm, bác sỹ có thể tiến hành chụp mạch huỳnh quang. Trong thủ thuật này bác sỹ tiêm chất màu huỳnh quang vào tĩnh mạch cánh tay và chụp hình ảnh khi chất màu di chuyển qua mạch máu trong võng mạc và màng mạch. Sau đó bác sỹ dùng những hình ảnh này để phát hiện những thay đổi trong sắc tố hoàng điểm hoặc sự có mặt của mạch máu bất thường trong hoàng điểm mà không thể quan sát được bằng mắt thường.

Ðiều trị

Hiện nay chưa có biện pháp điều trị thoái hóa hoàng điểm khô. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn sẽ mất thị lực hoàn toàn. Thoái hóa hoàng điểm khô thường tiến triển chậm, vì vậy nhiều người mắc bệnh vẫn có thể sống cuộc sống khá bình thường và có ích, nhất là nếu chỉ có một mắt bị bệnh.

Hiện có một số biện pháp điều trị thoái hóa hoàng điểm ướt. Nhưng sự thành công của điều trị - làm bệnh không tiến triển thêm nữa - phụ thuộc vào vị trí và phạm vi của các mạch máu bất thường (tạo tân mạch trong màng mạch - CNV). Trong hầu hết các trường hợp những tổn thương đã xảy ra do thoái hóa hoàng điểm là không thể phục hồi. CNV càng được phát hiện sớm thì cơ hội điều trị, bảo tồn thị lực trung tâm còn lại càng tốt.

Dưới đây là những biện pháp điều trị thoái hóa hoàng điểm ướt, tất cả đều là những thủ thuật có thể thực hiện ngoại trú, bao gồm:

- Quang đông: Trong thủ thuật này, bác sỹ dùng một chùm laser năng lượng cao để tạo những vết bỏng nhỏ trên vùng có mạch máu bất thường. Quá trình này có thể đóng kín hoặc phá huỷ CNV đã phát triển dưới hoàng điểm. Nó có thể ngăn ngừa tổn thương hoàng điểm thêm nữa và ngăn chặn tình trạng giảm thị lực tiếp tục. Chỉ có khoảng 20% số người bị thoái hóa hoàng điểm ướt thích hợp với thủ thuật này. Việc nó có phù hợp với bạn hay không phụ thuộc vào vị trí và biểu hiện của CNV, lượng máu bị thoát mạch và sức khỏe nói chung của hoàng điểm. Cho dù quang đông có thể làm được đối với bạn, thì kết quả vẫn có thể đáng thất vọng. Phẫu thuật laser phá hủy CNV chỉ thành công ở khoảng 50% số lần điều trị. Và thậm chí cho dù bị phá huỷ thì CNV vẫn có xu hướng tái phát. Ðiều trị laser nhắc lại có thể là không khả thi trong những trường hợp này.

Nếu bạn nhận thấy một điểm xám hoặc tối trong hoặc cạnh thị lực trung tâm trước khi điều trị laser, thủ thuật này sẽ khiến cho thị lực ở điểm đó trở thành trống hoàn toàn và vĩnh viễn. Theo thời gian bạn có thể không còn nhận thấy điểm trống đó nữa, nhất là khi bạn nhìn bằng cả hai mắt. Và nếu bạn theo dõi chặt chẽ thị lực và thường xuyên đi khám bác sĩ, bạn có thể giữ được thị lực tốt hơn so với nếu không điều trị. Quang đông là biện pháp điều trị CNV duy nhất đã được chứng minh khi CNV không nằm trực tiếp dưới hố ở trung tâm hoàng điểm.

- Liệu pháp quang động (PDT): Liệu pháp này dùng để điều trị CNV nằm trực tiếp dưới hố. Hố này nằm ở trung tâm hoàng điểm và ở mắt bình thường nó cho thị lực rõ nét nhất. Nếu phẫu thuật laser nóng truyền thống được dùng ở vị trí này, nó sẽ phá hủy tất cả thị lực trung tâm. PDT làm tăng khả năng giữ được phần nào thị lực này.

Thủ thuật kết hợp laser lạnh và một thuốc nhạy sáng được tiêm vào mạch máu. Thuốc tập trung ở CNV dưới hoàng điểm. Khi bác sỹ chiếu tia laser lạnh vào hoàng điểm, thuốc sẽ giải phóng những chất đóng kín các mạch máu bất thường mà không làm tổn thương hoàng điểm, và CNV biến thành một sẹo nhỏ. Các tế bào hình nón và hình que bên trên phần lớn được bảo toàn, nên bạn có thị lực tốt hơn là nếu bạn phẫu thuật bằng laser nóng hoặc không điều trị. Liệu pháp được làm lại nếu CNV không được bít kín hoặc nếu nó lại mở ra sau khi đã được bít kín.

Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ đã phê chuẩn verteporfin (Visudyne) để sử dụng trong liệu pháp quang động. Các nghiên cứu về verteporfin thấy rằng qua 2 năm, các buổi điều trị đã làm giảm mất thị lực ở 2/3 số người có CNV dưới hố. Dù những kết quả này tỏ ra có triển vọng, nhưng những lợi ích lâu dài khác vẫn đang được nghiên cứu. Ví dụ, nghiên cứu sâu hơn sẽ xác định liệu biện pháp điều trị này có giúp được những người có vùng CNV khó phát hiện hoặc ẩn hay không.

- Phẫu thuật chuyển vị hoàng điểm: Phẫu thuật chuyển vị hoàng điểm là biện pháp điều trị thử nghiệm cho thoái hóa hoàng điểm thể ướt. Phẫu thuật này được sử dụng nếu mạch máu bất thường nằm ngay dưới hố võng mạc. Ðể bắt đầu thủ thuật, bác sỹ tách võng mạc, chuyển hố ra khỏi CNV và đặt lại nó lên mô khỏe mạnh. Khi CNV được bộc lộ, bác sỹ có thể dùng laser nóng để phá hủy những mạch máu này mà không làm tổn thương hố hoàng điểm. Phẫu thuật này chỉ có thể thực hiện khi bạn mới bị giảm thị lực (thường trong vòng 1-3 tháng), phạm vi CNV bị hạn chế và mô xung quanh hố hoàng điểm bình thường.

Phòng ngừa

Bạn không thể thay đổi được chủng tộc, di truyền của mình hoặc giữ để không bị già đi - là tất cả những yếu tố nguy cơ chính gây thoái hóa hoàng điểm. Nhưng bằng chứng sơ bộ cho thấy những biện pháp dưới đây có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm diễn biến của bệnh. Những biện pháp này tốt nhất nên được bắt đầu trước khi bệnh diễn ra và thị lực bắt đầu suy giảm:

- Ăn thực phẩm có chứa chất chống ôxy hóa: Những người có nguy cơ cao bị thoái hóa hoàng điểm giai đoạn muộn có thể làm giảm nguy cơ bằng cách bổ sung chất chống ôxy hóa, kẽm và đồng. Chất chống ôxy hóa là những chất ngăn ngừa tổn thương ôxy hóa ở những mô như võng mạc. Thực phẩm chứa chất chống ôxy hóa là những thực phẩm giàu vitamin A, C và E. Nên ăn một chế độ ăn cân đối, ít chất béo gồm từ 5 phần hoa quả và rau hàng ngày trở lên. Các chất chống ôxy hóa lutein và zeaxanthin là những dưỡng chất có nhiều trong lòng đỏ trứng, ngũ cốc và rau bina. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy nồng độ lutein và zeaxanthin trong máu cao có thể bảo vệ võng mạc.

- Ðeo kính râm ngăn ngừa tia tử ngoại có hại: Kính có màu hổ phách, màu vàng hoặc cam có thể ngăn ngừa được cả tia cực tím và tia sáng xanh có thể gây tổn thương võng mạc.

- Bỏ thuốc lá: Những người hút thuốc lá dễ bị thoái hóa hoàng điểm gấp 2-3 lần so với những người không hút. Đề nghị bác sỹ  giúp bạn bỏ thuốc lá.

- Điều trị các bệnh khác: Ví dụ, nếu bạn mắc bệnh tim mạch hoặc huyết áp cao, hãy uống thuốc và theo những chỉ dẫn của bác sỹ để kiểm soát bệnh. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh có thể góp phần khởi phát thoái hóa hoàng điểm.

- Khám mắt thường xuyên: Phát hiện sớm thoái hóa hoàng điểm làm tăng khả năng ngăn ngừa mất thị lực nặng. Nếu bạn trên 50 tuổi, nên khám mắt 2-5 năm một lần. Nếu bạn có tiền sử gia đình bị thoái hóa hoàng điểm, nên khám mắt thường xuyên hơn, có lẽ mỗi năm một lần.

- Khám sàng lọc thị lực định kỳ: Nếu bạn được chẩn đoán bị thoái hóa hoàng điểm giai đoạn đầu, bác sĩ có thể khuyên kiểm tra thị lực thường xuyên tại nhà bằng bảng ô Amsler. Làm như vậy giúp bạn phát hiện những biến đổi khó thấy ở thị lực vào thời điểm sớm nhất có thể và tìm kiếm sự giúp đỡ kịp thời.

Nếu bạn bị giảm thị lực do thoái hóa hoàng điểm, bác sỹ có thể kê đơn là các thiết bị quang học gọi là dụng cụ hỗ trợ thị lực để giúp bạn nhìn rõ hơn khi làm những công việc gần mắt. Hoặc bác sỹ sẽ chuyển bạn tới gặp bác sỹ chuyên khoa về giảm thị lực. Ngoài ra, còn có rất nhiều các dịch vụ hỗ trợ và các chương trình phục hồi chức năng giúp bạn điều chỉnh lối sống.

Kỹ năng đối phó

Thoái hóa hoàng điểm không ảnh hưởng tới thị lực ngoại biên và thường không gây mù hoàn toàn. Nhưng nó có thể làm mất thị lực trung tâm - rất quan trọng khi lái xe, đọc sách và nhận diện người khác.

Có nhiều cách để đối phó với tình trạng suy giảm thị lực. Dưới đây là một số gợi ý:

- Tránh lái xe vào ban đêm, trên đường đông, trong thời tiết xấu hoặc trên đường cao tốc.

- Sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc nhờ người thân giúp khi phải lái xe ban đêm.

- Tối ưu hóa thị lực của bạn bằng loại kính phù hợp và có thêm một cặp kính nữa trên xe ô tô.

- Dùng kính lúp và tạp chí, sách in chữ to khi đọc. Trên internet, tìm các trang có sử dụng phông chữ cỡ lớn. Kiểm tra xem các vật dụng như đồng hồ, đài và điện thoại có chữ số cỡ lớn không.

- Chiếu sáng phù hợp trong nhà để đọc và làm các hoạt động khác.

- Dọn hết thảm trải vương vãi và các chướng ngại vật khác trong nhà.

- Tâm sự với bạn bè và người thân về vấn đề thị lực của bạn để họ có thể giúp bạn thực hiện một số công việc và giúp bạn nhận ra người quen.

- Đừng thu mình vào vỏ ốc. Sự chán nản hay gặp của những người bị thoái hoá hoàng điểm là không có khả năng nhận ra người khác và chào hỏi họ. Nếu điều này xảy ra với bạn, hãy thử đề nghị những người mà bạn biết chào và nói với bạn tên của họ khi bạn gặp họ trên đường phố hoặc trong những dịp khác, nhờ đó bạn có thể chào họ sau.

- Sử dụng lợi thế của mạng trực tuyến, các nhóm hỗ trợ và những nguồn lực dành cho người bị thoái hoá hoàng điểm.

- Hỏi bác sĩ về sự trợ giúp chuyên môn để biến ngôi nhà bạn trở nên an toàn hơn và thuận tiện hơn.

Minh Hồng - Theo cimsi.org.vn
Bình luận
Tin mới
  • 19/04/2024

    Vì sao không nên uống trà khi ăn thực phẩm giàu sắt?

    Trà không chỉ là thức uống giải khát mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, kết hợp trà vào chế độ ăn uống không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt của cơ thể, đặc biệt ở người bị thiếu máu do thiếu sắt.

  • 19/04/2024

    Những điều cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ em

    Viêm phổi là một trong những bệnh lý đường hô hấp nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như ho, sốt, khó thở mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

  • 18/04/2024

    Tại sao bạn hay cảm thấy buồn ngủ quá mức?

    Buồn ngủ quá mức là gì và tại sao bạn lại gặp phải tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/04/2024

    6 thực phẩm trong chế độ ăn giúp giảm nguy cơ ung thư

    Ung thư có thể phòng ngừa nhờ điều chỉnh lối sống với những thói quen tốt cho sức khỏe như ăn uống lành mạnh. Một số thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng có thể hỗ trợ giảm nguy cơ mắc ung thư.

  • 18/04/2024

    Vì sao không nên tập thể dục khi vẫn còn lớp trang điểm?

    Makeup đã trở thành thói quen hàng ngày của nhiều chị em. Nhiều người thậm chí cả đi tập thể dục cũng không quên trang điểm. Tuy nhiên, việc này có thể gây hại cho da.

  • 18/04/2024

    Dị ứng có nên giữ con bạn ở nhà?

    Bệnh dị ứng của con bạn có khiến trẻ phải nghỉ học hoặc cản trở chuyến đi chơi của gia đình không? Mỗi ngày, 10.000 trẻ em ở Hoa Kỳ phải nghỉ học vì các triệu chứng dị ứng.

  • 18/04/2024

    CDC Mỹ cảnh báo về vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu hiếm gặp

    Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vừa đưa ra cảnh báo về một chủng vi khuẩn gây ra bệnh viêm màng não mô cầu hiếm gặp đang gia tăng ở Mỹ.

  • 18/04/2024

    Đau thần kinh toạ là gì và những điều cần lưu ý

    Đau thần kinh toạ là một loại đau thường ảnh hưởng đến dây thần kinh thuộc khớp hông, một bó dây thần kinh lớn bắt nguồn từ dưới sống thắt lưng, qua mông và xuống phía sau mỗi chân.

Xem thêm