Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Phòng ngừa bệnh viêm tiểu phế quản cho trẻ

Viêm tiểu phế quản là bệnh hô hấp cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh thường do virut tấn công gây viêm tắc các đường hô hấp nhỏ...

Viêm tiểu phế quản là bệnh hô hấp cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh thường do virut tấn công gây viêm tắc các đường hô hấp nhỏ (hay còn gọi là tiểu phế quản) và có thể bội nhiễm dẫn đến viêm phế quản. Ðồng thời, viêm tiểu phế quản dễ bị tái đi tái lại, dễ bị biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Nguyên nhân và biểu hiện khi trẻ bị viêm tiểu phế quản

Tác nhân gây viêm tiểu phế quản ở trẻ thường là do virut như virut hợp bào hô hấp (VRS), có khả năng lây lan rất mạnh nên bệnh có nguy cơ xảy ra thành dịch và là một trong những nguyên nhân thường xuyên làm trẻ phải nhập viện. Virut cúm và á cúm và Adenovirus cũng gây bệnh cho nhiều trẻ bị viêm tiểu phế quản.

Viêm tiểu phế quản ở trẻ em là một bệnh hô hấp thường gặp.

Bệnh đa phần xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, tần suất cao  nhất là 3-6 tháng tuổi. Thành của các tiểu phế quản này không có sụn chỉ có cơ trơn nên dễ bị co thắt, xẹp lại khi bị viêm. Khi mắc bệnh, các phế quản nhỏ này bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp thậm chí tắc nghẽn. Vì vậy, trẻ sẽ bị khò khè, khó thở và nặng hơn nữa trẻ sẽ bị thiếu ôxy để thở.

Những trẻ sống trong vùng có dịch cúm hay viêm đường hô hấp trên (do virut hợp bào) thì tỷ lệ bị lây nhiễm rất cao do sức đề kháng ở trẻ còn yếu. Các bé hay bị viêm mũi họng, viêm amiđan, viêm VA, trẻ bị bệnh tim bẩm sinh hoặc trẻ bị bệnh phổi bẩm sinh... đều có nguy cơ cao mắc viêm tiểu phế quản nếu không được chăm sóc tốt.

Cha mẹ không được chủ quan khi thấy trẻ có những dấu hiệu triệu chứng ban đầu thường thấy như ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Sau từ 3- 5 ngày thì trẻ ho ngày một nhiều, xuất hiện thở khó, thở rít. Tiếng thở có thể nghe ran rít, ran ngáy, thông khí phổi kém. Sau đó, trẻ ho nhiều hơn kèm khò khè và có thể bị khó thở (thở nhanh hơn, thở co kéo lồng ngực).

Trẻ thở khó khăn nên trẻ quấy khóc, bỏ bú, da tái và tím. Diễn tiến suy hô hấp nặng, thậm chí ngừng thở nếu không kịp thời điều trị. Những trẻ đến viện khi thăm khám thường thấy nhịp thở của trẻ nhanh, sốt vừa, xuất hiện các cơn co kéo hô hấp, lồng ngực bị rút lõm, trẻ thở rên. Bệnh có triệu chứng tương tự hen suyễn. Thông thường, trẻ sẽ khò khè kéo dài khoảng 7 ngày, ho giảm dần trong khoảng 14 ngày rồi khỏi hẳn nếu được chăm sóc tốt. Cá biệt, một số trường hợp ho sẽ kéo dài hơn trong nhiều tuần.

Biến chứng nào có thể xảy ra?

Tất cả các trường hợp trẻ mắc viêm tiểu phế quản nếu không được chẩn đoán bệnh và điều trị tốt sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: rối loạn chức năng hô hấp, xuất hiện từng cơn khó thở ra tái phát, viêm tiểu phế quản lan tỏa. Nghiêm trọng hơn sẽ làm trẻ bị suy hô hấp cấp, tràn khí màng phổi, viêm phổi - trung thất, xẹp phổi và thậm chí tử vong.

Bệnh sẽ có biến chứng nặng hơn ở trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non - nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ có sẵn bệnh tim, phổi, suy giảm miễn dịch. Hơn nữa, sự tái diễn nhiều lần của viêm tiểu phế quản còn là nguyên nhân gây ra hen phế quản sau này.

Chăm sóc trẻ mắc viêm tiểu phế quản

Nếu trẻ có dấu hiệu bệnh nhẹ, không có biến chứng, không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà. Tiếp tục cho trẻ bú hay ăn uống đầy đủ. Cần cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước. Cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn và bú tốt hơn. Có thể nhỏ mũi với 2-3 giọt nước muối sinh lý sau đó làm sạch mũi cho trẻ.

Cho trẻ dùng thuốc đúng như chỉ dẫn của thầy thuốc. Tránh khói thuốc lá vì có thể làm bệnh của trẻ nặng hơn. Để giảm ho, long đờm cho bé có thể sử dụng mật ong hấp với quả quất còn xanh hoặc mật ong hấp lá hẹ. Nếu các biện pháp trên không mang lại hiệu quả, cần đưa bé tới bác sĩ khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Những trẻ có dấu hiệu nặng như khó thở, bú kém, tím tái... hoặc có các yếu tố nguy cơ như trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non, có bệnh tim phổi bẩm sinh, trẻ suy giảm miễn dịch thì cần nhập viện. Đối với trẻ bị bệnh tim, phổi bẩm sinh càng cần được chăm sóc và lưu ý kỹ hơn vì trẻ dễ mắc bệnh và tiến triển xấu.

Biện pháp phòng ngừa

Để phòng ngừa viêm tiểu phế quản và các bệnh lý viêm đường hô hấp ở trẻ, cần chăm sóc trẻ đúng cách, tăng cường sức đề kháng.

Cho trẻ bú mẹ ngay từ lúc mới sinh và duy trì sữa mẹ đến 2 tuổi. Khi trẻ được 6 tháng, cần cho trẻ ăn bổ sung. Tùy thể trạng từng trẻ, có thể tập cho trẻ ăn dặm từ từ, bắt đầu từ 5 - 6 tháng tuổi trở đi, bữa ăn của trẻ phải bao gồm đầy đủ bốn nhóm dinh dưỡng chính: tinh bột, chất đạm, rau xanh - trái cây, dầu thực vật. Cho trẻ uống đủ nước.

Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Chú ý mặc quần áo thích hợp cho trẻ, thoáng mát về mùa hè, giữ ấm trong mùa đông, khi thời tiết giao mùa chuyển nóng hoặc lạnh đột ngột cần thường xuyên thay quần áo phù hợp, không để trẻ bị lạnh hay ra quá nhiều mồ hôi. Phòng ngủ của trẻ cần được đặc biệt thông thoáng, trong lành. Không nên trải thảm trong phòng trẻ. Nên thường xuyên giặt chăn, gối dành cho trẻ, sau đó phơi nắng thật khô.

Giữ cho môi trường trẻ ở được trong lành, không cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên khi chăm sóc trẻ vì virut gây bệnh lây lan chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp. Tránh để trẻ tiếp xúc gần với trẻ lớn, người lớn đang bị viêm đường hô hấp cũng như các trẻ bệnh khác. Cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, đặc biệt là khu vực tai, mũi, họng cho trẻ hằng ngày.

Khi có những biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, bú kém, bỏ bú... cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

BS. Lê Anh - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 27/07/2024

    Chế độ ăn dặm tự chỉ huy có tốt hơn ăn dặm truyền thống?

    Chế độ ăn dặm tự chỉ huy (baby-led weaning) ngày càng phổ biến, nhưng chưa có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy phương pháp này ưu việt hơn ăn dặm truyền thông về mặt dinh dưỡng.

  • 27/07/2024

    Mẹo giúp trẻ vượt qua cơn đau khi mọc răng

    Trẻ mọc răng thường xuất hiện một số dấu hiệu như ngứa lợi, quấy khóc, sốt… Cha mẹ quan sát và biết cách giảm đau cho trẻ lúc mọc răng để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.

  • 27/07/2024

    Ảo giác và chóng mặt trong bệnh đa xơ cứng

    Bệnh đa xơ cứng (MS) là một bệnh miễn dịch mãn tính ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Một số người có thể bị ảo giác, choáng váng hoặc chóng mặt.

  • 27/07/2024

    9 lời khuyên vàng khi chăm sóc da cho bé

    Trẻ nhỏ có làn da rất mềm mại và mỏng manh. Vì vậy, các bé có thể gặp phải nhiều vấn đề và bệnh lý về da. Cùng tham khảo một vài gợi ý cũng như lời khuyên hữu ích dưới đây để chăm sóc và bảo vệ làn da nhạy cảm của em bé nhà bạn.

  • 26/07/2024

    Hiện tượng co giật cơ có thể là dấu hiệu bạn đang thiếu chất

    Hầu hết mọi người đều trải qua tình trạng co giật cơ ở bắp thịt trên tay, chân, vai, mi mắt, lưng, cơ mặt một vài lần trong đời. Biểu hiện này có thể là dấu hiệu cơ thể đang thiếu một số vitamin, khoáng chất thiết yếu.

  • 26/07/2024

    Cách làm màu thực phẩm tự nhiên

    Màu thực phẩm tự nhiên là một cách tuyệt vời để thêm màu sắc vào công thức nấu ăn bằng cách sử dụng các nguyên liệu đã có sẵn trong tủ đựng thức ăn, giá đựng gia vị hoặc rau củ trong nhà. Màu thực phẩm tự nhiên được coi là sự thay thế lành mạnh hơn cho màu thực phẩm nhân tạo vì nó có nguồn gốc từ thực vật hoặc động vật và không chứa các hóa chất độc hại mà màu nhân tạo có thể có.

  • 26/07/2024

    6 bài tập cải thiện cơ bắp toàn thân không cần dụng cụ

    Sử dụng chính trọng lượng cơ thể mình, bạn có thể rèn luyện cơ bắp toàn thân với 6 bài tập thể dục không cần có thêm dụng cụ hỗ trợ.

  • 26/07/2024

    Tổng kết Khóa đào tạo "Chăm sóc và theo dõi sức khỏe cơ bản tại nhà"

    Khóa đào tạo "Chăm sóc và theo dõi sức khỏe cơ bản tại nhà" do Trung tâm Đào tạo Y học ứng dụng - Viện Y học ứng dụng Việt Nam phối hợp cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Vesta-B Việt Nam tổ chức từ ngày 12 - 13/6/ đã kết thúc tốt đẹp

Xem thêm