Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Phẫu thuật thẩm mỹ mũi

Chất liệu ghép vào mũi thường được gọi là sống mũi hay mảnh ghép vật liệu nay có thể lấy từ chính cơ thể người được ghép, từ ngân hàng mô (xương hoặc sụn người chết sáy khô, tiệt trùng) hay nhân tạo.

Phẫu thuật thẩm mỹ mũi

Mảnh ghép tự thân gồm xương, sụn của chính cơ thể người cần phẫu thuật (thường là mào xương chậu, sụn sườn, sụn vành tai hay xương sọ). Mảnh ghép tự thân có lợi là không sợ bị dị ứng, nhưng có bất lợi là phải phẫu thuật hai nơi, chỗ lấy mảnh ghép sau mổ bị đau rất nhiều kéo dài trong nhiều ngày hơn là nơi mổ chính ở mũi. Mặc khác, mảnh ghép tự thân khó giũa cho đẹp, khi đặt vào cơ thể một thời gian bị biến dạng đi (như xương bị mỏng dần, sụn bị cong) nên về thẩm mỹ không được nhiều người dùng đến.

Mảnh ghép lấy từ ngân hàng mô ngày nay ít được dùng đến vì sợ lây bệnh viêm não đặc biệt, một loại bệnh giống bệnh bò điên, hiện nay chưa có cách phòng ngừa và điều trị.

Mảnh ghép bằng chất nhân tạo tiện lợi hơn, dễ gọt cho đẹp và phẫu thuật nhẹ nhàng hơn. Có nhiều chất được dùng như Dacron, Nylon, Acrylic, Teflon... Nhưng chất Silicôn cứng là thông dụng nhất.

Silicôn

Chất Silicôn được bắt đầu dùng từ khoảng đầu thập niên 1950 và được thực nghiệm cho thấy không bị cơ thể hấp thu, không gây phản ứng. Khi mảnh Silicôn cứng được cho vào dưới da, tổ chức sợi sẽ bao bọc trong vòng 10 ngày. Nơi đó có hiện tượng viêm nhẹ, sẽ hết trong 4 tuần. Bao tổ chức sợi không có máu nuôi, bọc vật lạ lại theo phản ứng tự nhiên của cơ thể. Các nghiên cứu trên người cho thấy chất này không gây ung thư. Trong nghiên cứu độn cằm bằng nhiều chất khác nhau thực hiện bởi Saccia và cộng sự đăng trong American Journal of Cosmetic Surgery số 10/1993 cho thấy chất Proplast gây biến chứng nhiều nhất, Silicôn ít gây biến chứng nhất.

Cũng như các phẫu thuật khác, dù thẩm mỹ hay điều trị bệnh, mọi người đều mong đạt kết quả tốt, ít gây biến chứng nhất. Trong chỉnh hình mũi, để đạt được điều này, cần chọn lựa kỹ người được phẫu thuật, chọn mảnh ghép đẹp, kỹ thuật gây tê và phẫu thuật thích hợp.

Chọn khách giải phẫu

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, tốt nhất là khách chưa từng giải phẫu mũi lần nào, chưa từng bơm Silicôn lỏng vào mũi. Thật ra điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được. Có một số trường hợp khách chưa hài lòng với lần phẫu thuật trước nên yêu cầu sửa lại.

Chọn được khách giải phẫu rồi cũng cần sắp xếp thời điểm phẫu thuật vào lúc thuận lợi nhất: khách không bị bệnh về mũi xoang cấp tính, đối với phụ nữ không đang trong các ngày có kinh nguyệt, khách không dùng các thuốc gây loãng máu (như Aspirine...).

Phương pháp vô cảm

Phẫu thuật thẩm mỹ mũi thường chỉ cần gây tê tại chỗ, trước khi phẫu thuật, có thể dùng ít thuốc an thần, thuốc cầm máu.

Chỉ gây mê khi phẫu thuật thẩm mỹ mũi bằng cách ghép xương hay sụn tự thân. Phẫu thuật này chỉ thực hiện trong bệnh viện.

Các loại phẫu thuật

Hiện nay giải phẫu mũi ở TP. HCM thường làm các phẫu thuật:

  1. Nâng cao mũi,
  2. Cắt cánh mũi,
  3. Chỉnh hình đầu mũi cho nhỏ, gọn và đẹp lại
  4. Điều trị các chỗ gồ cao ở giữa mũi,
  5. Làm mũi ngắn bớt trong trường hợp mũi quá dài.

Các biến chứng do phẫu thuật

  1. Biến chứng sớm:
  2. Tụ máu nơi mổ: ít xảy ra.
  3. Mũi bị lệch.
  4. Tụ máu vách ngăn.
  5. Nhiễm trùng nơi mổ.
  6. Biến chứng muộn:
  7. Mũi bị lệch do kỹ thuật mổ hoặc do các chấn thương mũi sau mổ.
  8. Dị ứng với chất độn mũi gây đỏ và ngứa thường xuyên.
  9. Hoại tử da mũi.

Điều trị các biến chứng muộn thường nên rút mảnh ghép mũi ra sớm và phẫu thuật lại sau từ 3 – 6 tháng.

Kết luận

Phẫu thuật thẩm mỹ mũi là một phẫu thuật khá đơn giản, người Việt Nam có cấu trúc giải phẫu mũi khác với Âu Mỹ, mũi thấp ở phần giữa, da và phần mềm đầu mũi dày, tiền đình mũi rộng theo chiều ngang. Các phẫu thuật thực hiện đa số là nâng mũi cao và cắt cánh mũi. Chất ghép độn mũi đơn giản và cho kết quả tốt nhất là Silicôn cứng. Đường phẫu thuật độn mũi tốt nhất hiện nay là đường vào ở rảnh lợi môi.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: 10 biến chứng phổ biến của phẫu thuật thẩm mỹ

BS. Trần Thiện Tư - Theo Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM
Bình luận
Tin mới
Xem thêm