Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nhận biết sớm bệnh bạch hầu với những dấu hiệu này

Thời gian gần đây, bệnh bạch hầu có dấu hiệu quay trở lại tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và phát triển thành những ổ dịch. Bạch hầu là bệnh nguy hiểm có thể gây ra những biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi do liệt cơ hoành, liệt tay, liệt chân, viêm cơ tim nếu độc tố ngấm vào máu.

Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae là nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu. Bệnh rất dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Kể cả khi người bệnh không biểu hiện triệu chứng của bệnh thì họ vẫn có khả năng lây truyền vi khuẩn cho người khác sau khoảng 6 tuần, kể từ khi bắt đầu nhiễm khuẩn.

Vi khuẩn bạch hầu ảnh hưởng nhiều nhất đến mũi và họng. Một khi bạn đã bị nhiễm khuẩn, vi khuẩn sẽ giải phóng ra độc tố, độc tố này sẽ xâm nhập vào máu, gây ra các lớp màng dày, màu xám ở mũi, họng, lưỡi, đường thở nên được gọi là bạch hầu.

Trẻ em được tiêm phòng bệnh bạch hầu từ khi mới sinh nên bệnh rất hiếm gặp. Tuy nhiên, ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vaccine bạch hầu thấp thì bệnh vẫn có thể lây lan. Trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi trên 60 tuổi là những đối tượng nguy cơ mắc bệnh cao.

Những người sau đây cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cao hơn nếu:

- Không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch

- Đi du lịch đến một đất nước không tiêm chủng vaccine bạch hầu

- Bị các rối loạn miễn dịch, ví dụ như bị AIDS

- Sống trong điều kiện môi trường không vệ sinh hoặc quá đông đúc, chật hẹp.

Dấu hiệu nhận biết bạch hầu

Thời gian xuất hiện những triệu chứng bệnh là từ 2- 5 ngày sau khi nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Người bệnh sẽ có những biểu hiện nhẹ, giống với cảm lạnh thông thường. Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:

- Sốt

- Ớn lạnh

- Sưng các tuyến ở cổ

- Ho 

- Viêm họng, sưng họng

- Da xanh tái

- Chảy nước dãi

- Có cảm giác lo lắng, sợ hãi.

Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể sẽ xuất hiện thêm trong quá trình bệnh tiến triển như:

- Khó thở hoặc khó nuốt

- Thay đổi thị lực

- Nói lắp

- Các dấu hiệu sốc, ví dụ như da tái và lạnh, vã mồ hôi và tim đập nhanh

Phòng bệnh bạch hầu như thế nào?

Tiêm vaccine bạch hầu là biện pháp hiệu quả và an toàn nhất 

Hiện nay, tiêm phòng là giải pháp phòng ngừa hiệu quả và an toàn nhất. Vaccine bạch hầu thường được tiêm phối hợp với vaccine phòng uốn ván và ho gà (vaccine DPT) trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc phối hợp trong vaccine 5 trong 1, vaccine 6 trong 1.

Ngoài ra, thực hiện những biện pháp dưới đây để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho bản thân và cộng đồng:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng;

- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi,

- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày;

- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Tham khảo thông tin tại bài viết: Bệnh bạch hầu: nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Nguyễn Kiên H+ (Theo Healthline) - Theo Healthplus
Bình luận
Tin mới
Xem thêm