Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc vừa tiếp nhận 2 trường hợp ngộ độc thuốc hạ huyết áp amlodipin do sử dụng quá liều.
Ngày 24/12, bệnh nhân T, 82 tuổi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cấp cứu sau khi uống cùng lúc 47 viên amlodipin 5mg (tổng liều lượng 235mg). Các bác sĩ chẩn đoán bà bị sốc, suy đa tạng, ngộ độc thuốc, kèm theo nhiều bệnh lý nền phức tạp như tăng huyết áp, suy hô hấp, đái tháo đường, ngất - trụy mạch, nhồi máu cơ tim cấp. Các bác sĩ hồi sức cấp cứu, điều trị hỗ trợ bằng các kỹ thuật hiện đại nhất như tim phổi nhân tạo, song bệnh nhân không qua khỏi.
Bà T. có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường và nhiều bệnh lý nền. Người nhà cho biết bà thường xuyên tự dùng thuốc không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
Thuốc hạ huyết áp amlodipin 5mg
Trường hợp còn lại là bệnh nhân C., 60 tuổi, được chuyển vào viện ngày 19/12 trong tình trạng tụt huyết áp nặng. Bà C. cũng là người có tiền sử tăng huyết áp và được bác sĩ kê đơn dùng thuốc hạ huyết áp thường xuyên. Đêm trước khi nhập viện, bà C. bị mất ngủ, dậy uống thuốc an thần cho dễ ngủ nhưng không may uống nhầm 29 viên thuốc hạ huyết áp amlodipin 5mg (tổng liều lượng là 145 mg) dẫn đến tụt huyết áp, choáng ngất.
May mắn bệnh nhân được cháu phát hiện và đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên đã qua nguy kịch. Hiện sức khỏe và tinh thần dần ổn định.
Bác sỹ Trần Giáp, Phó trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện cho biết, Amlodipin là thuốc phổ thông, được kê đơn khá thường xuyên trong điều trị bệnh lý tăng huyết áp. Thông thường thuốc được chỉ định liều dùng từ 1 - 2 viên/ngày, tuy nhiên rất nhiều bệnh nhân tự ý uống tăng liều để hạ huyết áp nhanh, dẫn tới ngộ độc.
“Khi uống quá liều, trường hợp nhẹ có thể bị ngất, nặng là hạ huyết áp không phục hồi và nhiều biến chứng nguy hiểm khác, có thể tử vong”, bác sỹ Giáp cảnh báo. Các triệu chứng uống quá liều thuốc hạ huyết áp thường là nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đánh trống ngực, chuột rút, người lạnh, tê phù chân tay…
Việc tuân thủ điều trị, uống thuốc theo đơn sẽ giúp bệnh nhân giảm các nguy cơ tai biến mạch máu não, đột quỵ, suy tim, tránh tác dụng phụ không mong muốn và quá liều gây ngộ độc.
Trách nhiệm của người thân trong gia đình với người cao tuổi
Người cao tuổi cần phải uống nhiều loại thuốc và thực phẩm chức năng để duy trì sức khỏe. Tuy nhiên, do vấn đề thính lực và tuổi tác, người già dễ nhầm lẫn các đơn thuốc và uống không đúng giờ, thậm chí không nhớ mình đã uống thuốc.
Do đó, để giúp người cao tuổi sử dụng thuốc an toàn, tránh các tác dụng phụ đáng tiếc, con cháu, người nhà hoặc người chăm sóc cần thực hiện các biện pháp sau:
Sắp xếp tủ thuốc khoa học hợp lý
Bảo quản các loại thuốc dành cho người cao tuổi trong một hộp riêng
Việc bảo quản thuốc ở một tủ thuốc giúp bạn theo dõi được lịch uống thuốc của người cao tuổi. Nơi bảo quản thuốc nên khô ráo, thoáng mát. Không bảo quản thuốc ở nơi nóng ẩm như nhà tắm, nhà bếp, để xa tầm tay của trẻ em và vật nuôi trong nhà.
Tìm hiểu về thuốc và các tác dụng phụ nếu có
Để giúp người cao tuổi sử dụng thuốc an toàn, người thân trong gia đình nên tham khảo ý kiến bác sỹ, dược sỹ về chỉ định, dược lực và tác dụng phụ của một số loại thuốc cơ bản. Bạn cũng nên hỏi bác sỹ kê đơn về tương tác của thuốc với dược phẩm hoặc thực phẩm mà người cao tuổi đang sử dụng.
Duy trì danh sách thuốc
Chia thuốc thành liều sẵn giúp người cao tuổi uống đúng liều
Người thân trong gia đình cần lập một danh sách để theo dõi giờ uống thuốc, liều lượng, hạn sử dụng của thuốc mà người cao tuổi thường uống. Bạn cũng có thể chia sẵn thuốc thành từng liều cho mỗi ngày theo hướng dẫn của bác sỹ, dược sỹ. Bằng cách đó, bạn có thể theo dõi việc dùng thuốc của người cao tuổi khi phải đi làm, đi công tác vắng nhà.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Phòng ngừa ngộ độc thuốc