Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Khám mắt định kỳ để phát hiện sớm tật cận thị ở trẻ em

Rất khó nhận biết cận thị ở trẻ nhỏ vì các bé chưa biết rằng nhìn mờ là chuyện không bình thường. Đa số trường hợp cận thị chỉ được phát hiện khi trẻ bắt đầu đi học và không nhìn rõ chữ trên bảng. Khám mắt sàng lọc định kỳ rất quan trọng ở trẻ trước tuổi đến trường. Cần đưa bé đi khám khi 3 tuổi, và tối thiểu 2 năm một lần, nhất là nếu gia đình có tiển sử cận thị hoặc bệnh lý mắt khác.

Cận thị là tật khúc xạ phổ biến nhất và ngày càng gia tăng ở trẻ em. Ước tính tại các thành phố lớn của nước ta khoảng 25-30% học sinh bị cận thị. Trẻ cận thị thường không nhìn rõ các đồ vật ở cự ly xa, nhưng có thể nhìn rõ khi thực hiện các công việc ở cự ly gần như đọc sách, dùng máy vi tính.
Cận thị xuất hiện khi có sự mất cân đối giữa trục trước sau của nhãn cầu và công suất hội tụ của giác mạc và thủy tinh thể. Kết quả là các tia sáng tạo nên hình ảnh mà ta nhìn thấy sẽ hội tụ ở phía trước chứ không rơi vào chính võng mạc - phần nhạy cảm với ánh sáng của mắt. Khi đó, các vật ở xa nhìn rất lờ mờ, không rõ ràng.
Mất cân đối xuất hiện khi xảy ra 1 trong 2 trường hợp hoặc cả hai trường hợp sau: 
-  Trục trước sau của mắt quá dài, công suất hội tụ bình thường (độ cong của võng mạc và thủy tinh thể bình thường).
- Trục trước sau bình thường, công suất hội tụ thấp (võng mạc và/hoặc thủy tinh thể cong hơn bình thường) 
Cận thị thường bắt đầu phát triển khi trẻ đến tuổi dậy thì, nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, kể cả ở trẻ rất nhỏ. Khi cơ thể phát triển, mắt ngày một dài ra và do đó cận thị cũng nặng lên. Tình trạng này thường ổn định khi cơ thể đã phát triển hoàn chỉnh, nhưng đôi khi có thể tiến triển tới tuổi 25-30. Cận thị hiếm khi xuất hiện sau tuổi 30, nếu điều này xảy ra thì đây có thể là dấu hiệu sớm của đục thủy tinh thể. 
Nguyên nhân 
Tuy chưa biết rõ nguyên nhân chính xác gây cận thị nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy cận thị tiến triển là sự kết hợp các yếu tố di truyền và môi trường. Trẻ có cha mẹ cận thị dễ bị cận thị hơn các trẻ khác. Bên cạnh đó trẻ dành nhiều thời gian trong nhà (đọc sách, xem tivi, làm việc trên máy tính, chơi trò chơi điện tử hay làm những công việc phải nhìn gần chăm chú) có nguy cơ cận thị cao hơn trẻ dành nhiều thời gian ở ngoài trời.
Các dấu hiệu nhận biết 
Các biểu hiện của cận thị có thể chỉ được phát hiện khi bé bắt đầu đi học và không nhìn rõ chữ trên bảng. Đôi khi bé phải nghiêng hoặc xoay đầu, nheo mắt khi xem tivi hay nhìn vật ở xa, hoặc phải di chuyển lại gần đồ vật để nhìn rõ hơn. Trẻ bị cận thị cũng có thể kêu đau đầu, mỏi mắt hay mệt mỏi khi phải tập trung vào các vật cách xa khoảng 1 mét trở lên. Hãy đưa con đi khám bác sĩ nếu bé có một trong các biểu hiện nói trên. 
Cảm giác mệt mỏi khi chơi thể thao cũng có thể là biểu hiện của tật cận thị không được phát hiện. Nếu trẻ trải nghiệm điều này khi đang đeo kính thì nhiều khả năng số kính đã tăng, cần kiểm tra lại. 
Cận thị được đánh giá bằng độ Diop (D). Số đo càng cao thì mắt người bệnh càng dài hoặc giác mạc càng cong.
  • Nhẹ: -0,5 D đến -3 D. Đây là dạng cận thị phổ biến nhất. Trẻ làm được mọi việc không cần kính nhưng bác sĩ có thể khuyên nên đeo kính khi nhìn lên bảng, xem tivi…
  • Vừa: - 3 D tới - 6 D. Trẻ được yêu cầu đeo kính thường xuyên.
  • Nặng: > - 6 D. Nếu không đeo kính, trẻ chỉ có thể nhìn rõ đồ vật khi đưa chúng lại rất gần mắt. 
Vì cận thị thường tăng trung bình 1 Diop mỗi năm cho tới khi mắt phát triển hoàn chỉnh, cần đưa trẻ đi khám mắt ít nhất 1 lần mỗi năm để kiểm tra và điều chỉnh kính. 

Điều trị 
Không có phương pháp điều trị dứt điểm cận thị ở trẻ em. Sau đây là một số lựa chọn giúp cải thiện khả năng nhìn xa của trẻ:
1. Kính gọng
Là lựa chọn đầu tiên để điều chỉnh tật cận thị. Thông thường, bác sĩ sẽ cho trẻ đeo kính đơn tiêu (kính có cùng một độ hội tụ) giúp nhìn rõ ở mọi khoảng cách. Trường hợp trẻ bị cận thị do mắt bị căng thẳng vì phải nhìn gần nhiều, bác sĩ có thể chỉ định mắt kính lưỡng tiêu (giúp mắt nhìn xa và gần) hay kính đa tiêu (có độ tăng dần, giúp mắt nhìn được mọi khoảng cách từ xa tới gần).
2. Kính áp tròng
Khi đủ lớn để tự chăm sóc bản thân, trẻ có thể đeo kính áp tròng. Bác sĩ nhãn khoa hiếm khi cho trẻ dùng kính áp tròng trước tuổi thành niên. Trong một số trường hợp, kính áp tròng giúp trẻ nhìn rõ hơn và có thị trường rộng hơn. Tuy nhiên do phải đeo trực tiếp lên mắt nên kính cần được làm vệ sinh đúng cách và chăm sóc chu đáo để bảo vệ mắt.
 
Kính áp tròng đòi hỏi sự chăm sóc đặc biệt. 
 
3. Kính tiếp xúc Ortho-K
  • Trẻ được đeo kính tiếp xúc cứng thấm khí trong lúc ngủ để thay đổi hình dạng giác mạc, qua đó điều chỉnh độ cận thị.
  • Đây là phương pháp điều trị không phẫu thuật, không xâm lấn, nhằm khử độ cận, làm chậm hay làm ngừng tiến triển của cận thị. Tuy nhiên tác dụng điều chỉnh chỉ mang tính tạm thời, giác mạc sẽ trở về trạng thái như trước khi điều trị sau vài ngày ngừng đeo kính. 
  • Kính Ortho-K không dùng lực ép cơ học lên mắt mà làm giảm áp lực thủy tĩnh trong lớp nước mắt giữa kính áp tròng và mắt để nắn chỉnh dần dần lớp tế bào trên bề mặt của giác mạc, dẫn đến thay đổi độ cong bề mặt, qua đó thay đổi độ hội tụ của mắt.
  • Kính bắt đầu có tác dụng điều chỉnh cận thị ngay sau 1-2 ngày nhưng cần 2-4 tuần để có tác dụng tối đa (chỉnh hết độ) và ổn định. Bệnh nhân đeo kính vào lúc ngủ ban đêm (khoảng 6-8 tiếng), tác dụng điều trị kéo dài 10-12 tiếng vào ban ngày, nhờ đó cả ngày trẻ không cần đeo kính cận.
Kính tiếp xúc Ortho-K làm thay đổi độ cong bề mặt giác mạc. 
 
Phòng ngừa  
Cách tốt nhất để phòng ngừa hay làm chậm sự tiến triển cận thị ở trẻ em là tạo cho trẻ thói quen sử dụng mắt tốt: 
  • Giữ cho phòng có đủ ánh sáng nhưng không gây chói mắt khi đọc sách, sử dụng máy vi tinh hay xem tivi.
  • Đưa mắt ra xa khi làm các công việc cần nhìn gần. 
  • Khi đọc sách cần giữ khoảng cách giữa mắt và sách là 30 cm, không nằm khi đọc. 
  • Khi xem tivi, cần ngồi cách màn hình tối thiểu 2 m.
  • Khi làm việc với máy vi tính, cần để mắt cách màn hình 50 cm và điều chỉnh màn hình về độ sáng tối thiểu.
  • Thường xuyên giải lao giữa giờ để mắt được nghỉ ngơi. Sau 30-40 phút đọc sách hay xem tivi, nên nhìn ra xa qua cửa sổ và tập các bài tập để mắt được thư giãn.
  • Dành nhiều thời gian cho hoạt động ngoài trời. 
Hiện chưa có đủ cơ sở để đưa ra các khuyến cáo về chế độ ăn giúp kiểm soát cận thị.  
BS Trần Thu Thủy - Theo Bv Nhi TW
Từ khóa:
Bình luận
Tin mới
  • 20/04/2024

    Cho trẻ ăn dặm với trái cây đúng cách

    Trái cây là một trong các nhóm thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng và vitamin quan trọng, phù hợp để bổ sung vào chế độ ăn dặm của trẻ.

  • 20/04/2024

    Chảy máu trong thai kỳ - Hiện tượng phổ biến nhưng đừng xem thường

    Chảy máu trong thời kỳ mang thai là một hiện tượng thường gặp, đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, đôi khi đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng.

  • 20/04/2024

    Những tác hại khi nằm ngủ gối cao

    Lựa chọn một chiếc gối với độ cao phù hợp sẽ mang lại cho bạn một giấc ngủ ngon, cải thiện tư thế và giảm đau lưng, mỏi cổ. Dưới đây là một số vấn đề về sức khỏe khi nằm gối quá cao hoặc kê nhiều gối trong thời gian dài.

  • 20/04/2024

    Cách giúp đỡ người tự gây thương tích

    Khi người bạn yêu thương đang tự gây thương tích, những dấu hiệu tưởng chừng dễ dàng nhận biết thường bị bỏ qua. Đó thường là một hành vi bí mật, được giấu bởi lớp quần áo hoặc dưới lí do như những vết thương từ thể thao và các hoạt động khác. Hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình và thấu hiểu, lắng nghe một cách không phê phán, bạn có thể học cách giúp đỡ người đang tự gây thương tích.

  • 19/04/2024

    Phát hiện ung thư dạ dày bằng hơi thở

    Hơi thở có mùi khiến cho bạn cảm thấy xấu hổ. Nhưng việc kiểm tra hơi thở nhanh ngoài việc có thể giúp bạn thoát khỏi nhiều tình huống khó xử còn có thể cứu mạng bạn. Theo một nghiên cứu, công nghệ kiểm tra hơi thở có thể phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm nhất .

  • 19/04/2024

    Đưa con đến viện ngay nếu con có dấu hiệu này khi mắc cúm B

    Cúm B là một loại cúm mùa do virus, thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Phần lớn khi trẻ mắc cúm B nhẹ sẽ tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Nếu trẻ mắc cúm B có các dấu hiệu nguy hiểm dưới đây, cha mẹ cần đưa con đến viện ngay để điều trị.

  • 19/04/2024

    5 bệnh tự miễn thường gặp mà bạn cần biết

    Hệ thống miễn dịch của chúng ta có vai trò chính là nhận diện và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus và nấm. Tuy nhiên, đôi khi, các thành phần của hệ thống miễn dịch lại nhầm lẫn phản ứng với các protein trong cơ thể và gây ra các bệnh tự miễn.

  • 19/04/2024

    Tìm hiểu về các rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng ở trẻ em

    Các rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là một vấn đề phổ biến mà nhiều gia đình phải đối mặt. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ, nguyên nhân và cách điều trị.

Xem thêm