Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Hỏi - đáp: Sự thật và Hiểu lầm về dự phòng nhiễm virus corona 2019-nCoV

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) đang diễn ra phức tạp. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra về các vấn đề xoay quanh việc bảo vệ bản thân trước sự lây lan của virus. Dưới đây là các sự thật và hiểu nhầm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giải đáp.

Hỏi: Có an toàn không nếu nhận thư hoặc bưu phẩm từ Trung Quốc?

Trả lời: Có, điều này là an toàn. Những người khi nhận các bưu kiện từ Trung Quốc đều không có khả năng nhiễm virus corona mới (2019-nCoV). Các nghiên cứu đến thời điểm hiện tại cho thấy virus không thể sống quá lâu trên bề mặt hay trong đồ vật, ví dụ như thư hay bưu phẩm.

Hỏi: Động vật nuôi ở nhà có lây truyền 2019-nCoV không?

Trả lời: Ở thời điểm hiện tại, không có bằng chứng nào chứng minh rằng động vật nuôi trong nhà như chó hay mèo có thể bị nhiễm 2019-nCoV. Tuy nhiên, bạn nên rửa tay sau khi tiếp xúc với chúng. Điều này giúp bạn tránh khỏi cả các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy hay lỵ lây từ vật nuôi của bạn.

Hỏi: Vaccine ngừa cúm có thể bảo vệ cơ thể trước 2019-nCoV?

Trả lời: Không! Vaccine phòng bệnh cúm, hay vaccine phòng phế cầu và vaccine Hib đều không thể bảo vệ bạn trước chủng virus mới này. 2019-nCoV là chủng virus mới do đó cần phải có vaccine riêng. Các vaccine này đang được nghiên cứu phát triển, dưới sự hỗ trợ từ WHO. Mặc dù các vaccine phòng cúm hiện tại không có khả năng bảo vệ trước 2019-nCoV, WHO đưa ra lời khuyên vẫn nên tiêm các vaccine này để bảo vệ bản thân khỏi các bệnh đường hô hấp.

Hỏi: Thường xuyên rửa mũi bằng nước muối có giúp bảo vệ cơ thể trước 2019-nCoV?

Trả lời: Không! Không có bằng chứng nào về việc thường xuyên rửa mũi bằng nước muối có thể bảo vệ cơ thể không bị nhiễm 2019-nCoV. Có rất ít bằng chứng về việc rửa mũi thường xuyên giúp cơ thể hồi phục nhanh sau cảm lạnh, và điều này có nghĩa là hành động này là không có cơ sở để phòng nhiễm trùng đường hô hấp.

Hỏi: Súc miệng có giúp bảo vệ cơ thể trước 2019-nCOV?

Trả lời: Không! Không có bằng chứng nào về việc súc miệng giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm 2019-nCoV. Một số loại nước súc miệng có thể loại bỏ được một số vi khuẩn trong miệng khi sử dụng. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là có thể bảo vệ bạn trước 2019-nCoV.

Hỏi: Ăn tỏi có giúp bảo vệ cơ thể trước 2019-nCoV?

Trả lời: Tỏi là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, có các đặc tính kháng khuẩn. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào đến thời điểm hiện tại về việc ăn tỏi có thể bảo vệ cơ thể trước 2019-nCoV.

Hỏi: Bôi dầu mè có chống 2019-nCoV xâm nhập vào cơ thể?

Trả lời: Không! Dầu mè không có tác dụng diệt 2019-nCoV. Một vài chất khử trùng có thể tiêu diệt 2019-nCoV trên bề mặt. Các chất như các chất tẩy trắng/clo, cồn 75 độ, acid peracetic và chloroform. Tuy nhiên, chúng có ít hoặc không có tác động đến virus nếu bạn bôi chúng lên da hoặc dưới mũi. Thậm chí, các chất này có thể nguy hiểm khi bôi trên da.

Hỏi: 2019-nCoV có ảnh hưởng đến người già, hay kể cả những người trẻ tuổi cũng dễ mắc bệnh?

Trả lời: Tất cả các lứa tuổi đều có thể bị nhiễm 2019-nCoV. Người cao tuổi, người có các vấn đề về sức khỏe sẵn có (như hen, tiểu đường, bệnh tim) khi bị nhiễm có thể dẫn đến các triệu chứng nặng nề hơn. WHO khuyến cáo tất cả mọi người ở tất cả mọi lứa tuổi bảo vệ bản thân từng bước hiệu quả, như thực hiện vệ sinh tay và vệ sinh hô hấp.

Hỏi: Kháng sinh có thể bảo vệ hay điều trị 2019-nCoV?

Trả lời: Không! Kháng sinh không có tác dụng trên virus, kháng sinh chỉ có tác dụng trên vi khuẩn. 2019-nCoV là virus, và điều này có nghĩa là không thể dùng kháng sinh để dự phòng hay điều trị. Tuy nhiên, nếu bạn phải nhập viện vì nhiễm 2019-nCoV, bạn có thể sẽ được dùng thêm cả kháng sinh vì vi khuẩn có thể nhân cơ hội này để gây nên tình trạng bội nhiễm.

Hỏi: Có loại thuốc cụ thể nào dùng để dự phòng hay điều trị 2019-nCoV?

Trả lời: Tới thời điểm hiện tại, không có một loại thuốc đặc biệt nào được khuyến cáo có thể dự phòng hay điều trị 2019-nCoV. Tuy nhiên, những người bị nhiễm virus nên được chăm sóc thích hợp để giảm và điều trị các triệu chứng, và những người bị bệnh nặng nên được chăm sóc một cách chu đáo. Một số phương pháp điều trị cụ thể đang được tiến hành và sẽ được thử nghiệm thông qua các thử nghiệm lâm sàng. WHO đang giúp thúc đẩy các nỗ lực nghiên cứu và phát triển với một loạt các đối tác để có thể tìm ra phương thức tối ưu sớm nhất có thể.

Tham khảo thêm thông tin tại: Virus nCoV - Cập nhật thông tin mới nhất ngày 06/02/2020

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt và Bs. Lê Minh Khánh- Viện Y học ứng dụng VIệt Nam - Tổng hợp từ WHO
Bình luận
Tin mới
Xem thêm