Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Hầu hết mọi người không biết về mặt trái của sữa? (Phần 2)

Bài viết bàn luận thêm một số vấn đề để các bạn tham khảo, mục đích cuối cùng là để đưa ra một quyết định tự tin và sáng suốt về việc sử dụng sữa.

 

Tại sao chúng ta lại yêu sữa đến vậy?

Chắc hẳn nếu ai đó nói với bạn “sữa không tốt cho sức khỏe”, ngay lập tức bạn thấy điều này rất khó chấp nhận. Đơn giản vì, bạn đã là “tín đồ” của sữa một cách tự nhiên. Và như đã nói ở trên chúng ta đã được “rèn luyện” từ nhỏ để yêu sữa, để coi sữa là một thực phẩm quý giá, thiết yếu, tốt cho sức khỏe.

Có phải bạn hay nói với con bạn “ Uống sữa để cho cao…mau lớn ….thông minh…khỏe mạnh….”. Những điều này cũng không phải các mẹ tự nghĩ ra, vậy các mẹ lấy các thông tin về lợi ích của sữa này từ đâu? Chủ yếu là từ quảng cáo của các hãng sữa: thêm cao, mắt sáng, thông minh và còn cả tăng cường miễn dịch nữa??? Hàng tá lợi ích thế này không yêu sao được. Hơn nữa, hầu hết mọi người đều thích cái vị thơm ngon, béo ngậy của sữa. Nó cũng vô cùng tiện lợi và dễ sử dụng, nhất là đối với trẻ em. Bảo sao, ta cứ dành một tình yêu bất diệt cho sữa.

Tại sao chúng ta không nên lấy việc tiêu thụ sữa lớn ở một số nước Bắc Âu để đem ra so sánh và làm chuẩn?

Người Bắc Âu đã có lịch sử uống sữa bò và ăn phô mai cùng các sản phẩm từ sữa khoảng 8000 năm trước đây, cùng thời gian với người dân Đông Á học cách trồng lúa và làm rượu gạo. Khi những người châu Á đầu tiên uống rượu, họ bị say với chỉ một lượng rượu rất nhỏ thì những người Bắc Âu đầu tiên thử uống sữa cũng bị vấn đề về tiêu hóa bởi họ thiếu gen sản xuất ra lactase, một loại enzyme giúp tiêu hóa đường lactose có trong sữa.

Ở một vài nơi trên thế giới, con người cuối cùng đã biến đổi về gen để cho phép họ và con cái tiêu hóa sữa tốt hơn (Cũng như vậy, nếu sữa được ai đó uống đủ một thời gian dài thì sẽ xuất hiện sự thích ứng ở ruột trong việc tiêu hóa sữa, sẽ làm tăng men tiêu hóa lactose). Hơn 80% dân số ở quần đảo Anh và Scandinavia khi sinh ra đã có enzyme lactase và có thể tiêu hóa được sữa vào tuổi tuổi trưởng thành. Ở Bắc Ấn Độ, khoảng 63% dân số có lactase, ở phía Nam Ấn Độ, tần suất là từ 10 đến 20%. Ở Đông Phi và Trung Đông, sữa bò và lạc đà đã được uống từ hàng ngàn năm, vì thế, tỷ lệ dân số có enzyme lactase là cao.

Như vậy, việc uống sữa ở một số nơi trên thế giới không đơn thuần chỉ là sử dụng một thực phẩm bổ sung dinh dưỡng mà nó dường như trở thành một nét văn hóa có lịch sử lâu đời của họ. Họ uống sữa lâu đời đến mức biến đổi về gen để tiêu hóa sữa tốt hơn. Do vậy, đa phần họ không gặp phải các vấn đề tiêu hóa và các hệ lụy khác do không dung nạp đường lactose sinh ra như người dân ở nơi khác. Điều này cũng được chỉ ra trong một báo cáo tổng quan hệ thống được Cơ quan đặc trách nghiên cứu và chất lượng y tế, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ công bố. Nghiên cứu chỉ ra ở những cá nhân người Bắc Âu, cường độ không dung nạp lactose rất thấp ở trẻ em và vẫn ở mức thấp khi trưởng thành. Tuy nhiên, đối với người Mỹ gốc Phi, Tây Ban Nha, Châu Á, cường độ không dung nạp lactose có thể cao hơn 1,5 lần vào cuối thời thơ ấu và tuổi trưởng thành so với người Bắc Âu15.

Thừa nhận rằng chúng ta cần học tập nhiều điều từ người châu Âu, nhưng không phải tất cả, chẳng hạn như việc tiêu thụ lớn fast food và thực phẩm công nghiệp hàng ngày, sự phổ biến của hút thuốc lá ở các lứa tuổi, giới tính hay sự phát triển công nghiệp quá mức dẫn đến việc tàn phá và hủy hoại môi trường, việc chú trọng đến tăng trưởng GDP mất cân bằng với GNP. Không phải đất nước họ văn minh và phát triển thì điều gì họ làm cũng đúng và là chuẩn cho ta. Họ uống sữa nhiều không có nghĩa chắc chắn là sữa tốt (Fast food không có lợi cho sức khỏe, vậy tại sao họ vẫn sử dụng nhiều, sử dụng hàng ngày. Chúng ta cần biết rằng họ vẫn phải đối mặt với những nguy cơ sức khỏe từ thực phẩm này, chẳng hạn béo phì). Thông tin tốt nhất cho chúng ta là từ các nghiên cứu đáng tin cậy và từ các khuyến cáo của các cơ quan y tế có uy tín, các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức hoạt động vì cộng đồng.

Xét về khía cạnh thiên nhiên, sữa bò dùng cho người có gì bất hợp lý không?

Theo bạn, sữa của loài bò mà dùng cho loài người liệu có phù hợp với tự nhiên không? Uống sữa của một loài khác có phải là thuận tự nhiên không? Hãy sử dụng khả năng xét đoán của bạn một chút. Sữa của mọi loại động vật có vú là riêng biệt và được tiết ra theo yêu cầu của loài đó. Sữa bò giàu protein hơn sữa người từ 3 đến 4 lần. Tuy nhiên, lại thiếu các axit béo thiết yếu để phát triển não và hệ thần kinh. Rõ ràng, sữa bò không được thiết kế cho người. Đặc tính riêng của loài người là hệ thần kinh phát triển ở mức cao và khả năng điều khiển cơ bắp tinh tế. Chúng ta không cần khung xương đồ sộ hay cơ bắp khổng lồ như con bò. Trẻ sơ sinh cần những nguyên liệu thiết yếu để phát triển não bộ, tủy sống và dây thần kinh của chúng. Theo một nghiên cứu năm 1992 đăng trên tạp chí Lancet, trẻ bú mẹ có chỉ số IQ cao hơn 10 điểm so với những trẻ uống sữa công thức.

Tại sao hầu hết mọi người không biết về mặt trái của sữa?

Mặt được cho là tốt của sữa được quảng cáo rầm rộ trên TV cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác. Mặt trái của sữa thì hầu như “nằm im” trong các tài liệu nghiên cứu khoa học, nếu có được công bố thì hầu như cũng chỉ giới khoa học biết với nhau và không được phổ biến rộng rãi cho cộng đồng. Đơn giản vì chẳng có ai tài trợ cho các nhà khoa học quảng cáo rộng rãi cả, nếu có phổ biến ra cộng đồng thì “ăn thua” gì so với các quảng cáo sữa, các chiêu thức marketing chuyên nghiệp. Khác nào lấy trứng chọi đá.

Vậy nên với hầu hết mọi người, mặt lợi thì thuộc như cháo chảy, mặt hại thì không nghe thấy bao giờ hoặc có chăng thì rất lờ mờ và chính vì lờ mờ nên hầu như là không tin. Cần nói rõ ở đây là mặt lợi theo quảng cáo, còn cụ thể lợi như thế nào không phải ai cũng biết. Đó có thể coi là 1 cuộc chiến không cân sức giữa các nhà sản xuất sữa và các nhà khoa học chân chính, có trình độ chuyên môn sâu và đam mê nghiên cứu về sữa (Tôi cần phải nói rõ là nhà khoa học có trình độ chuyên môn sâu và đam mê nghiên cứu hoặc tìm hiểu về sữa, chứ không hẳn là các chuyên gia dinh dưỡng. Chuyên gia dinh dưỡng, hoặc bác sỹ dinh dưỡng mà không tìm hiểu kỹ và đủ thông tin về sữa thì cũng khó đưa ra cho bạn lời khuyên tốt).

Vậy nên sữa vẫn được quảng bá rộng rãi để mọi người lầm tưởng về nhiều lợi ích của nó. Chẳng có gì lạ cả. Các bạn thử nghĩ xem đến thuốc lá được chứng minh và phổ biến ba năm rõ mười cho cộng đồng biết về tác hại của nó mà vẫn được sản xuất và sử dụng rộng rãi. Đây thì lại là 1 cuộc chiến giữa ngành y tế và ngành thương mại thuốc lá (Để có được thành quả là dòng chữ “Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” được dán trên vỏ bao thuốc lá với nội dung như thế, cỡ chữ như thế, vị trí như thế, đằng sau nó là cả một sự nỗ lực của những nhà khoa học trong ngành y tế công cộng).

Mọi việc trong xã hội không đơn giản như chúng ta nghĩ, đen trắng rõ ràng, thẳng là thẳng, cong là cong, cái gì tồn tại được thì đều hợp lý. Vậy nên đừng thấy nó vẫn tồn tại ngang nhiên, nó vẫn được dùng phổ biến trong cộng đồng mà không mảy may nghi ngờ và đặt niềm tin hoàn toàn vào nó.

Lưu Thị Kim Oanh - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 24/11/2024

    Thoát vị khe hoành là gì?

    Thoát vị hoành, hay thoát vị khe hoành, xảy ra khi phần trên của dạ dày bị đẩy lên ngực thông qua một lỗ mở ở cơ hoành (cơ ngăn cách bụng với ngực). Tình trạng này xảy ra ở nơi dạ dày và thực quản của bạn nối lại với nhau, còn được gọi là ngã ba thực quản dạ dày. Đôi khi, thoát vị khe hoành không gây ra vấn đề gì và không cần điều trị.

  • 23/11/2024

    Cách giảm đau mỏi chân khi đứng lâu

    Đau chân khi đứng lâu là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày

  • 23/11/2024

    Triệu chứng và biến chứng của bệnh vẩy nến

    Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẩy nến khác nhau tùy thuộc vào từng người và loại bệnh vẩy nến. Mặc dù bệnh vẩy nến là tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời, một số người có thể thấy các triệu chứng biến mất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

  • 22/11/2024

    Thuốc xịt mũi ngừa cúm

    Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.

  • 22/11/2024

    Loại tiếng ồn nào tốt cho giấc ngủ?

    Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.

  • 22/11/2024

    Cách cải thiện triệu chứng đau thần kinh tọa

    Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.

  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

Xem thêm