Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cơn co thắt tử cung khi chuyển dạ

Khi mang thai lần đầu và ngày dự sinh đang đến gần, bạn sẽ cảm thấy rất lo lắng. Bạn sẽ băn khoăn khi nào cơn chuyển dạ sẽ bắt đầu và bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Hãy tìm hiểu cùng chúng tôi nhé!

Cơn co thắt tử cung khi chuyển dạ

Mặc dù có rất nhiều dấu hiệu cho thấy mẹ bầu bắt đầu chuyển dạ, nhưng một trong số những dấu hiệu dễ nhận biết nhất đó là việc bạn xuất hiện các cơn co thắt đều đặn.

Dưới đây là hướng dẫn về các loại co thắt mà bạn có thể trải qua khi chuyển dạ, bạn sẽ cảm thấy như thế nào và khi nào thì nên đến bệnh viện.

Chuyển dạ giả (Co thắt Braxton – Hicks)

Khi mang thai đến tháng thứ 4, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tử cung mình xuất hiện hiện tượng co thắt. Loại co thắt này còn được biết đến với tên gọi co thắt Braxton – Hicks. Những cơn co thắt kiểu này thường xuất hiện không thường xuyên và không đều đặn. Đây là cách cơ thể "tập luyện" các cơ tử cung cho sinh nở sau này.

Các cơn thắt trong chuyển dạ giả này sẽ mang các đặc tính sau đây:

  • Thường không gây đau đớn
  • Cơn co thắt thường tập trung vào phần bụng khiến bụng bạn có cảm giác căng tức
  • Bạn có thể sẽ cảm thấy hơi khó chịu vào thời điểm cơn co thắt xảy ra.

Điều quan trọng nhất là, những cơn co thắt này sẽ không trở nên mạnh hơn, dài hơn hay gần nhau hơn và chắc chắn là không gây ra những thay đổi ở cổ tử cung của bạn.

Những cơn co thắt này có thể sẽ xuất hiện khi bạn mệt mỏi, mất nước hoặc đi bộ, đứng quá lâu. Chuyển dạ giả thường sẽ giảm bớt nếu bạn thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày của bạn.

Trước khi hỏi bác sỹ, bạn có thể thử một vài mẹo nhỏ dưới đây để xem các cơn co thắt này có biến mất hay không:

  • Uống nhiều nước                                 
  • Thay đổi tư thế (ví dụ từ đứng sang ngồi)
  • Ngừng công việc đang làm và nghỉ ngơi

Nếu bạn đã thử 3 cách trên mà cơn co thắt Braxton-Hicks không biến mất hoặc có xu hướng nặng hơn, bạn nên hỏi bác sỹ để loại trừ nguy cơ sinh non.

Co thắt sinh non

Những cơn co thắt thường xuyên ở khoảng trước tuần thứ 37 của thai kỳ có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sinh non. Thời gian các cơn co thắt thường sẽ tuân theo một chu kỳ nhất định. Ví dụ, nếu bạn bị co thắt 10-12 phút mỗi tiếng, bạn có thể sắp bị sinh non.

Trong quá trình co thắt, toàn bộ bụng của bạn sẽ cứng lên. Cùng với việc căng tức, đau ở tử cung, bạn sẽ cảm thấy:

  • Đau âm ỉ ở lưng
  • Tăng áp lực ở vùng chậu
  • Tăng áp lực ở vùng bụng
  • Chuột rút

Bạn nên hỏi bác sỹ hoặc đến bệnh viện ngay nếu những dấu hiệu này đi kèm với việc ra dịch hồng hoặc máu âm đạo, tiêu chảy hoặc chảy dịch (dấu hiệu vỡ ối).

Bạn cần chú ý đến thời gian và tần suất của các cơn co thắt cũng như các triệu chứng kèm theo. Khi đến bệnh viện, những thông tin về các cơn co thắt sẽ giúp bác sỹ có chẩn đoán và phương pháp điều trị thích hợp, chẳng hạn như dùng thuốc ngăn chặn việc chuyển dạ giả hoặc chuẩn bị cho bạn sinh nở (nếu cần).

Một số yếu tố nguy cơ của việc sinh non bao gồm:

  • Mang đa thai (sinh đôi, sinh ba)
  • Bất thường về tử cung, vùng chậu hoặc nhau thai
  • Hút thuốc lá hoặc lạm dụng ma túy, chất gây nghiện
  • Căng thẳng ở mức độ cao
  • Có tiền sử sinh son
  • Mắc một số bệnh nhiễm trùng
  • Thừa cân hoặc thiếu cân trước khi mang thai
  • Không được chăm sóc trước sinh đầy đủ

Chuyển dạ thật

Không giống như các cơn co thắt Braxton – Hicks, khi cơn co thắt do chuyển dạ thật bắt đầu, chúng sẽ không chậm lại hay ngừng hẳn khi áp dụng các biện pháp như uống nước hoặc nghỉ ngơi. Thay vào đó, các cơn co thắt diễn ra ngày càng dài hơn, mạnh hơn và tần suất thường xuyên hơn. Nhiệm vụ của các cơn co thắt khi chuyển dạ thật là để làm giãn cổ  tử cung, tạo kênh sinh nở để giúp em bé chào đời.

Trong giai đoạn chuyển dạ sớm

Các cơn co thắt trong giai đoạn này thường nhẹ, kéo dài trong khoảng từ 30 đến 90 giây, và đến tương đối đều đặn. Khoảng cách giữa từng cơn cơ thắt khi mới bắt đầu có thể rất xa nhau, nhưng ở cuối giai đoạn chuyển dạ sớm, thì khoảng cách giữa các cơn co thắt chỉ khoảng 5 phút 1 lần.

Trong suốt giai đoạn chuyển dạ sớm, sẽ có các dấu hiệu cho biết rằng bạn thực sự sắp sinh, ví dụ như cổ tử cung sẽ bắt đầu mở ra, hoặc có một chút dịch màu hồng hoặc lẫn máu chảy ra từ âm đạo. Đó là dấu hiệu của việc nút nhầy cổ tử cung sắp được đẩy ra. Bạn cũng có thể thấy mình bị rỉ ối hoặc vỡ ối từ âm đạo.

Giai đoạn chuyển dạ tích cực

Các cơn co thắt đến trong giai đoạn chuyển dạ tích cực sẽ có cường độ mạnh hơn so với giai đoạn chuyển dạ sớm. Trong giai đoạn này, cổ tử cung của bạn sẽ mở ra khoảng từ 4-10 cm. Bạn sẽ cảm thấy các cơn co thắt bao phủ toàn bộ cơ thể mình. Các cơn co thắt có thể bắt đầu ở lưng và di chuyển xung quanh phần thân và lan đến bụng. Hai chân của bạn cũng có thể bị chuột rút và đau.

Nếu bạn nghi ngờ mình đang ở trong giai đoạn chuyển dạ tích cực, hãy gọi cho bác sỹ và nên đến bệnh viện. Các cơn co thắt trong giai đoạn chuyển dạ tích cực thường kéo dài từ 45-60 giây, và cách nhau từ 3-5 phút.

Trong phần cuối của giai đoạn chuyển dạ tích cực, cổ tử cung sẽ mở từ 7-10cm, các cơn co thắt sẽ kéo dài từ 60-90 giây và chỉ cách nhau từ 30 giây đến 2 phút. Thậm chí các cơn co thắt sẽ liên tục khi bạn chuẩn bị sổ thai và sổ rau.

Đau đầu nhẹ và buồn nôn là những triệu chứng thường đi kèm với những cơn co thắt trong giai đoạn chuyển dạ tích cực. Khi bạn ở trong giai đoạn này, bạn sẽ thấy:

  • Bốc hỏa trong người
  • Ớn lạnh
  • Buồn nôn
  • Đầy hơi

Tuy nhiên, đây chỉ là những thông tin cơ bản, trải nghiệm và các cảm giác chuyển dạ sẽ khác nhau với từng phụ nữ, và từng lần mang thai.

Các giải pháp

Các cơn co thắt thường sẽ có cường độ mạnh nhất trong giai đoạn chuyển dạ tích cực. Có một số biện pháp bạn có thể làm để làm giảm cơn đau, có thể dùng thuốc hoặc không. Việc bạn lựa chọn biện pháp giảm đau nào là hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.

Các biện pháp không dùng thuốc để giảm đau bao gồm:

  • Tắm vòi sen hoặc tắm bồn
  • Đi bộ hoặc thay đổi tư thế
  • Ngồi thiền
  • Nghe nhạc
  • Mát xa hoặc bấm huyệt
  • Tập các động tác yoga nhẹ nhàng
  • Tìm cách làm xao lãng bản thân, ví dụ như chơi game

Các biện pháp dùng thuốc bao gồm việc dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc gây mê. Mặc dù những loại thuốc này đều có hiệu quả, nhưng mỗi loại sẽ có những nguy cơ và phản ứng phụ riêng. Tốt nhất, bạn nên chọn biện pháp giảm đau mà bạn đã quen dùng từ trước khi chuyển dạ.

Bạn có thể nên cân nhắc đến việc viết ra kế hoạch sinh nở của mình để có thể định hướng được bạn nên làm gì và cũng giúp các nhân viên y tế biết  được loại can thiệp nào sẽ phù hợp với bạn nhất.

Khi nào cần gọi bác sỹ

Bạn sẽ lo ngại về việc gọi cho bác sỹ quá sớm, khi chỉ có những dấu hiệu giả hoặc khi mà các dấu hiệu chuyển dạ của bạn chưa cần đến bệnh viện. Bạn sẽ phải gọi bác sỹ nếu các cơn co thắt:

  • Thường xuyên xảy ra, kể cả khi chúng không gây đau đớn
  • Không giảm đi khi bạn uống nhiều nước, nghỉ ngơi hoặc thay đổi tư thế.
  • Xảy ra trước tuần thứ 37 của thai kỳ
  • Đi kèm với đau đớn, bạn thấy chảy máu, chảy dịch âm đạo hoặc các dấu hiệu chuyển dạ khác.

Nếu các cơn co thắt cách nhau dưới 5 phút, bạn nên đến bệnh viện ngay.

Hãy lưu ý:

Việc xác định liệu các cơn co thắt mà bạn đang trải qua thực sự là chuyển dạ hay chỉ là sự “luyện tập” của tử cung là rất khó. Chú ý đến thời gian của mỗi cơn co thắt và bất cứ triệu chứng nào khác mà bạn trải qua để thông báo với bác sỹ.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Chuyển dạ kéo dài

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
  • 08/12/2024

    Chế độ dinh dưỡng cho trẻ gái dậy thì sớm

    Tuy không phải là yếu tố quyết định nhưng dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến quá trình dậy thì ở nữ giới. Một chế độ ăn uống cân bằng, giàu dinh dưỡng, hạn chế các thực phẩm không lành mạnh sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện và giảm thiểu các nguy cơ liên quan đến dậy thì sớm.

  • 08/12/2024

    Chế độ ăn cho trẻ dậy thì sớm

    Trẻ em ngày nay có xu hướng dậy thì sớm. Dinh dưỡng cũng là một trong những yếu tố góp phần gây dậy thì sớm ở trẻ.

  • 08/12/2024

    Chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp ích cho làn da của bạn như thế nào?

    Da của chúng ta là cơ quan lớn nhất của cơ thể và nhiều tình trạng da có cả biểu hiện bên trong và bên ngoài. Chỉ có một số ít nghiên cứu đã xem xét cách chế độ ăn uống có thể tác động đến một số tình trạng da liễu nhất định. Bài viết dưới đây sẽ liệt kê danh sách các tình trạng da phổ biến và cách chế độ ăn uống có thể giúp ích hoặc gây hại cho làn da của bạn.

  • 07/12/2024

    Bí quyết để xương chắc khỏe ở thời kỳ mãn kinh

    Sự thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ tuổi mãn kinh không chỉ dẫn đến các triệu chứng được nhiều người biết đến như bốc hoả, thay đổi tâm trạng,…mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe xương, tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương.

  • 07/12/2024

    Nên làm gì khi bé gái dậy thì sớm?

    Xu hướng dậy thì sớm ngày càng gia tăng. Một số ít có thể là biểu hiện của bệnh lý, cần được điều trị đặc biệt.

  • 07/12/2024

    Hút thuốc lá điện tử làm giảm lưu lượng máu của cơ thể

    Một nghiên cứu mới cho thấy, ngay cả khi bạn hút thuốc lá điện tử không chứa nicotine vẫn có tác động tiêu cực đến lưu lượng máu của cơ thể.

  • 07/12/2024

    Những điều kỳ lạ xảy ra với làn da của bạn khi bạn già đi

    Khi bạn già đi, làn da cũng như các cơ quan khác sẽ bị lão hóa như một lẽ tự nhiên. Hãy cùng nhau tìm hiểu những điều xảy ra với làn da khi già đi qua bài viết dưới đây.

  • 07/12/2024

    7 nguyên nhân khiến hệ tiêu hóa của trẻ bị ảnh hưởng

    Tiêu hóa là một chức năng vô cùng quan trọng đảm bảo cho sự phát triển của cơ thể trong mọi giai đoạn, đặc biệt là năm đầu tiên của cuộc đời.

Xem thêm