Biến chứng sau xăm thẩm mỹ
Trong thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhu cầu làm đẹp tăng cao, kéo theo nhiều trường hợp tai biến do làm đẹp tại các cơ sở kém chất lượng, trong đó nhiều ca tai biến sau xăm thẩm mỹ. Theo thông tin từ Bệnh viện Da liễu TP.HCM, có ngày bệnh viện tiếp nhận 5-6 trường hợp tai biến sau xăm môi, xăm chân mày.
Mới đây, một phụ nữ 27 tuổi bị nhiễm trùng sau khi xăm môi tại một thẩm mỹ viện ở Đồng Nai. Một tuần sau khi xăm, môi chị sưng to, nổi nhiều mụn mủ đau nhức. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện sau khi đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
Biến chứng sau khi "phun xăm hỏng" (Ảnh: VnExpress)
Theo Bác sỹ Võ Thị Đoan Phượng - Trưởng Khoa Lâm sàng 1 của bệnh viện, dự kiến quá trình điều trị của bệnh nhân mất nhiều thời gian. "Tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng sau xăm có thể kéo dài hàng năm trời và tái phát nhiều lần do những hóa chất xăm đã vào trong môi nên không thể lấy ra được", bác sỹ Phượng cho biết.
Mực xăm màu đỏ được sử dụng trong xăm thẩm mỹ thường có tỷ lệ gây dị ứng cao. Trong trường hợp trên, bệnh nhân còn nhiễm trùng nặng, khiến môi càng sưng phù, chảy nhiều dịch mủ. Đây là hậu quả do kỹ thuật xăm môi không đảm bảo điều kiện vô trùng, chăm sóc và xử trí sau xăm không thích hợp.
Hệ lụy khôn lường sau thủ thuật xăm thẩm mỹ
Xăm hỏng để lại biến chứng với sức khỏe và ngoại hình của chị em
Phun, xăm là biện pháp dùng kim loại đưa một lượng chất tạo màu vào sâu dưới lớp thượng bì của da. Hiện nay, có 2 cách thức thực hiện là xăm bằng tay hoặc phun bằng máy. Các dịch vụ mà chị em thường lựa chọn là xăm mày và xăm môi.
Tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao như phẫu thuật thẩm mỹ, thủ thuật xăm môi, xăm mày tiềm ẩn nhiều mối nguy với sức khỏe. Nếu thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ thiếu chuyên môn, khách hàng có nguy cơ gặp các biến chứng sau:
- Nhiễm trùng tại chỗ xăm có thể xảy ra do chất lượng mực xăm không rõ nguồn gốc, viêm da tiếp xúc ở những người có cơ địa nhạy cảm. Những dấu hiệu bị nhiễm trùng sau khi phun môi, xăm mày là: Sưng, tấy đỏ, chảy máu, nổi mụn, tụ mủ hoặc xăm hỏng, lệch, gây sẹo vĩnh viễn...
Các dụng cụ xăm là nguồn của nhiều bệnh truyền nhiễm
- Mắc các bệnh truyền nhiễm như: HIV/AIDS, viêm gan B, viêm gan C, Herpes... do dụng cụ không vô trùng. Rủi ro hay gặp nhất là nhiễm trùng, gây phồng rộp và sưng đau.
- Biến chứng sốc thuốc tiêm, phản ứng thuốc tê: Xăm là thủ thuật xâm lấn vào da nên gây đau, các cơ sở làm đẹp thường sử dụng thuốc gây tê để tránh đau cho bệnh nhân. Ngoài ra, một số thuốc hỗ trợ sau xăm như kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, chống phù nề... cũng có thể gây ra các tai biến phản vệ do không được bác sỹ kê đơn.
Lưu ý khi thực hiện xăm thẩm mỹ
Trước khi quyết định xăm thẩm mỹ, bạn cần cân nhắc các yếu tố sức khỏe và tham khảo ý kiến bác sỹ nếu cần. Để tránh các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, chị em có nhu cầu xăm chân mày, xăm môi không nên ham rẻ mà xăm tại các cơ sở “chui”, “xăm dạo” không có giấy phép. Thay vào đó, bạn nên chọn các thẩm mỹ viện uy tín, đảm bảo các tiêu chí như:
- Các kỹ thuật viên phải được đeo bao tay tiệt trùng, đeo khẩu trang để tránh lây bệnh truyền bệnh cho khách hàng.
- Tất cả các dụng cụ liên quan như chum đựng mực, kim, xuyên kim, bông gòn, đồ lót khay, thuốc tê, máy móc, dao lam phải được hấp sạch và tiệt trùng trước khi thực hiện thủ thuật. Tất cả dụng cụ liên quan đều phải mới, tiệt trùng và riêng biệt.
- Cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ viện phải có đăng ký dịch vụ liên quan đến hoạt động phun, xăm, thêu trên da. Nhân sự làm việc ở các cơ sở này ngoài chứng nhận, chứng chỉ hành nghề phun, xăm, thêu trên da, còn phải có giấy chứng nhận đã được tập huấn về phòng, chống lây nhiễm các bệnh qua đường máu, dịch sinh học.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Tại sao phun xăm thẩm mỹ có thể gây chết người?