Bỗng nhiên liệt mặt, méo miệng khi trời lạnh đột ngột
Tuần vừa rồi, khi hay tin có đợt gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về, chị Du (Thanh Liêm, Hà Nam) vẫn dửng dưng như không vì nghĩ gió lạnh đầu mùa cũng không có gì đáng sợ lắm. Vì thế, khi đi ra đường, chị vẫn phong phanh áo phông ngắn tay và quần jean. Ai dè, buổi tối hôm đó trời lạnh kinh hoàng, khiến chị vừa đi từ chỗ làm về nhà vừa run lẩy bẩy.
"Những tưởng sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra, nào ngờ buổi sáng hôm sau ngủ dậy soi gương, mình cảm thấy mặt có vẻ bị lệch lệch. Không dám tin vào mắt nữa, mình thử nhếch miệng cười thì hình ảnh gương mặt bị lệch hẳn về bên trái càng rõ hơn", chị Du chia sẻ. Đến lúc này chị mới hốt hoảng nhận ra mình bị viêm dây thần kinh số 7 – căn bệnh thường tìm đến khi trời trở lạnh đột ngột mà không được che chắn kỹ càng.
Cũng giống chị Du, anh Thuần (Đống Đa, Hà Nội) cũng chủ quan với đợt gió mùa đầu tiên trong giai đoạn chuyển mùa từ thu sang đông. Anh Thuần kể, sau khi xem dự báo thời tiết báo ngày mai nhiệt độ đột ngột giảm xuống hơn 10 độ, anh vẫn tặc lưỡi: Giảm có từng đó thì nhiệt độ vẫn tầm 20 độ C, không đến nỗi lạnh lẽo gì mà phải lôi áo ấm ra mặc.
Thế là hôm ấy, anh Thuần vẫn diện nguyên cây áo phông, quần ngố đi làm. "Đến tối về ăn cơm thì mình thấy có sự lạ. Miệng bên phải cứ bị đọng cơm lại, không nhai nổi mặc dù đã cố tình nhai bên đó. Nhưng không thấy đau đớn gì nên mình cũng không nghĩ là bị bệnh.
Đến sáng hôm sau đến công ty, một chị đồng nghiệp nhìn vào mặt mình rồi thảng thốt hình như mặt bị lệch lệch thế là mới vội vàng đi khám", anh Thuần tâm sự. Anh đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương thì phát hiện mình đã bị liệt dây thần kinh số 7.
Theo giới chuyên gia, vào thời điểm giao mùa, thời tiết chuyển lạnh đột ngột thường khiến cơ thể không kịp thích nghi. Nhưng cũng có nhiều người chủ quan, cho rằng đầu mùa thì chưa quá lạnh, chỉ giảm nhiệt độ một chút nên không chú ý đề phòng. Sự thực thì sự thay đổi này dù có nhẹ nhưng vẫn có thể gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới sức khỏe.
Khi nhiệt độ xuống thấp bất ngờ, cơ thể đang quen với nhiệt độ cao, ấm áp, thậm chí là nóng bức sẽ không thể thích nghi ngay với thời tiết giá lạnh. Không những thế, những cơn gió lạnh ở thời điểm giao mùa thường rất "độc". Chúng có thể dễ dàng tấn công vào bất cứ bộ phận nào, nhất là vùng đầu, cổ và mặt.
Theo BS Vũ Hữu Ngõ (nguyên trưởng khoa Châm cứu và Dưỡng sinh, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương), bệnh viêm dây thần kinh số 7 hay còn gọi là liệt dây 7 ngoại biên, trong Đông y có tên là khẩu nhãn oa tà. Căn bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt già trẻ, trung tuổi, cao tuổi hay thanh niên. Do đó, mọi đối tượng cần phòng tránh căn bệnh này khi trời lạnh đột ngột.
Theo bác sĩ Ngõ có 3 nguyên nhân chính gây nên căn bệnh viêm dây thần kinh số 7. Đó là phong hàn, viêm tai giữa và bệnh zona thần kinh. Ngoài ra, chấn thương cũng có khả năng gây nên hiện tượng liệt mặt vào mùa thu đông. Đây cũng chính là lý do khiến bệnh viêm dây thần kinh số 7 tăng mạnh vào giai đoạn chuyển mùa từ thu sang đông.
"Người bị viêm dây thần kinh số 7 sẽ phải đối mặt với các triệu chứng như súc miệng không được, mắt nhắm không khít, không cảm thấy đau đớn hay bất cứ cảm giác gì, chủ yếu là người ngoài nhìn vào sẽ thấy hình dạng mặt, miệng có sự thay đổi như lệch, méo. Đặc biệt là ở người trưởng thành sẽ xuất hiện các biểu hiện như thổi hơi trong miệng không được, khi ăn bị đọng 1 bên, uống nước thì bị chảy ra ngoài", BS Ngõ cho biết.
Theo chuyên gia, khi thăm khám bệnh cần hết sức cẩn thận vì căn bệnh này dễ nhầm lẫn sang liệt trung ương – thường xuất phát từ các nguyên nhân như tai biến mạch máu não, huyết áp cao hoặc các bệnh về tim mạch.
Bệnh nhân bị viêm dây thần kinh số 7 ngoại biên nếu không được chữa trị kịp thời sẽ để lại những di chứng liệt méo miệng, nhất là làm mất thẩm mỹ. Khi bệnh để quá 2-3 năm thì sẽ trở thành tật cực khó chữa khỏi hoàn toàn.
Để điều trị viêm dây thần kinh số 7, theo BS Ngõ, nguyên tắc do lạnh là phải thu phong tán hàn, kết hợp châm cứu bằng điếu ngải (hơ vào các chân kim, làm nóng lên để tán hàn), vì cơ chế lạnh làm co mạch máu. Đây là giai đoạn quyết định. Nếu không thực hiện đúng giai đoạn này thì việc điều trị khỏi bệnh sẽ gặp khó khăn.
"Nếu bệnh nhân bị chạy dây thần kinh từ chỗ này sang chỗ khác thì cần phải kiên trì châm cứu trong tuần đầu, sau đó mới rút dần. Không nên châm quá nhiều vào mạch. Sau khi châm nên điều chỉnh xoa bóp nhẹ nhàng", BS Ngõ lưu ý.
Về quá trình châm cứu, BS Ngõ khẳng định bệnh viêm dây thần kinh số 7 cần được chia liệu trình: Liệu trình đầu là 20 ngày châm liên tục. Sau đó nghỉ 10 ngày rồi mới châm liệu trình thứ hai. Trong quá trình châm cứu, người bệnh khi đi ra ngoài cần đeo kính, khẩu trang kín mặt khi đi đường.
Để phòng tránh căn bệnh này, chuyên gia khuyến cáo, không nên để quạt thẳng mặt, không lạm dụng điều hòa, không để điều hòa chiếu một bên người khi ngủ. Khi đi ra ngoài, người lớn cần xoa bóp ngũ quan ở mặt trước khi ra ngoài, trẻ con cần mặc ấm. "Bệnh có xu hướng gia tăng mạnh vào mùa thu đông do thời tiết thay đổi đột ngột nên càng phải cẩn thận hơn vào giai đoạn này", vị chuyên gia này cho biết.
"Ngoài ra, bệnh nhân bị viêm dây thần kinh số 7 nếu có dùng thuốc thì chỉ là hỗ trợ, muốn khỏi hoàn toàn thì phải sử dụng đến châm cứu" là lời khẳng định của BS Ngõ.
Đặc biệt, bệnh nhân không nên tiêm thuốc vào mặt vì hành động này rất dễ gây xơ cứng, liệt mặt vĩnh viễn. Đây là căn bệnh nếu không cẩn thận sẽ gây mất thẩm mỹ cả đời nhưng nếu biết chữa đúng phương pháp thì rất dễ chữa, nhanh khỏi.
Do đó, nếu bạn thấy xuất hiện các dấu hiệu của bệnh viêm dây thần kinh số 7 thì cần tìm đến bác sĩ châm cứu có chuyên môn sâu để thăm khám và được chữa bệnh hoàn toàn, tránh các biến chứng của bệnh.
Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.
Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh
Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.
Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.
Thật khó khăn khi bạn phải đối mặt với bệnh tiêu chảy, nhất là khi bạn đang phải cho con bú. Trong bài viết này, Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ chia sẻ một số biện pháp khắc phục tự nhiên để điều trị bệnh tiêu chảy cho các bà mẹ vẫn đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.
Ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có tác dụng thế nào với người bệnh đái tháo đường? Thứ tự các ăn các món trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường có gì đặc biệt? Nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Ngày Trẻ em Thế giới là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh và bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều thay đổi, việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.