Trước khi vệ sinh các thiết bị điện như tủ lạnh, bạn cần rút phích cắm, ngắt nguồn điện của tủ lạnh để đảm bảo an toàn, đồng thời giúp việc vệ sinh ngăn đá diễn ra dễ dàng hơn. Các bước làm sạch dưới đây sẽ giúp bạn nhanh chóng làm sạch mùi hôi, nấm mốc trong tủ lạnh.
Dọn thực phẩm ra khỏi tủ
Để có thể vệ sinh mọi ngóc ngách trong tủ lạnh, bạn cần lấy hết các loại đồ ăn, thức uống ra khỏi tủ lạnh. Đây là bước giúp bạn phân loại những sản phẩm còn hạn sử dụng và thực phẩm lưu trữ trong tủ lạnh quá lâu. Hãy thẳng tay bỏ thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc có mùi, màu lạ vào thùng rác.
Với thực phẩm đang được đông đá, bạn có thể cất vào hộp giữ nhiệt để bảo quản tạm thời trong thời gian vệ sinh tủ.
Tháo gỡ và làm sạch các ngăn tủ
Làm sạch các ngăn tủ có thể tháo rời và để ráo nước
Sau khi dọn dẹp tất cả thực phẩm ra khỏi tủ, bạn hãy bắt tay vào việc tháo gỡ các phần có thể tháo rời được như các ngăn kéo rời, kệ đựng, khay thức ăn của tủ. Bạn có thể dùng miếng rửa bát cùng xà phòng để lau rửa nhẹ nhàng các bộ phận này.
Không nên để nước quá nóng để tránh làm nứt chất liệu thủy tinh, nhựa của tủ lạnh. Sau đó đã rửa sạch sẽ, hãy đặt các ngăn tủ ở nơi thoáng gió để cho ráo nước.
Lau chùi nội thất bên trong tủ
Bạn có thể sử dụng một chiếc khăn hoặc miếng vải sạch để vệ sinh bên trong tủ lạnh. Lau theo thứ tự từ trên xuống dưới giúp nước bẩn không đọng lại ở bề mặt đã làm sạch.
Một số dung dịch sau giúp bạn làm sạch các vết bẩn và khử mùi hôi trong tủ lạnh:
- Sử dụng chất tẩy rửa chuyên dụng, pha vào bình xịt cho dễ sử dụng.
- Trộn hỗn hợp giấm trắng pha với nước ấm loãng, thêm vài giọt nước rửa chén.
- Pha hai thìa baking soda với nước ấm, trộn đều hỗn hợp.
Khi lâu dọn nội thất tủ lạnh (cần tránh bộ phận đèn tủ lạnh), bạn cần lau thật kỹ các khe, kệ và trên cả phía bên cánh cửa tủ lạnh. Với vết bẩn bám lâu ngày, bạn có thể đặt một miếng vải ẩm lên chỗ bị bẩn trong vài phút hoặc dùng bàn chải nhỏ bằng nhựa để làm sạch chúng.
Với ngăn đá có hiện tượng đóng tuyết, bạn có thể để tuyết tan tự nhiên hoặc dùng khăn nhúng nước thật nóng để làm bong một vài tảng băng. Sau đó, dùng tay gỡ từng khối băng nhỏ ở ngoài rìa, lưu ý không dùng vật nhọn để cạy các tảng băng.
Sau khi làm sạch toàn bộ bên trong tủ, đừng quên dùng khăn giấy để lau khô một lần.
Sắp xếp lại tủ lạnh
Sau khi tủ lạnh đã sạch sẽ và khô ráo, bạn cần lắp lại các phần đã tháo rời cùng những ngăn tủ vào tủ lạnh, sắp xếp thực phẩm và cắm phích tủ lạnh. Bạn có thể đặt một túi trà hoặc chút bã cà phê gói vào một miếng vải vào tủ lạnh để khử mùi hôi.
Làm sạch bên ngoài tủ
Tay cầm của tủ lạnh là vị trí cần được sát khuẩn, làm sạch kỹ càng
Tay cầm và mặt ngoài của tủ lạnh là bề mặt có nhiều vi khuẩn và dễ bám bụi bẩn, dầu mỡ. Do đó, bạn nên sử dụng khăn sạch và nước lau kính, kem tẩy đa năng để làm sạch mặt ngoài, kể cả phần nóc tủ.
Đừng quên dọn dẹp bụi bẩn dưới gầm tủ lạnh. Bước này không chỉ đảm bảo nhà bếp sạch sẽ mà còn có khả năng giảm đến 10% sự hao phí năng lượng của tủ lạnh. Bạn có thể lau lại mặt sàn xung quanh tủ lạnh để nhà bếp sạch bong trong ngày Tết.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Làm thế nào để tủ lạnh nhà bạn luôn sạch sẽ?