Trong những năm gần đây, các sản phẩm sữa có nguồn gốc thực vật ngày càng được ưa chuộng nhờ giá trị dinh dưỡng. Có vô vàn loại ngũ cốc và hạt được sử dụng để chế biến thành sữa như: Đậu nành, hạnh nhân, yến mạch, óc chó, hạt điều… Tùy vào nguyên liệu, sữa hạt có thể chứa protein, calci và nhiều vi chất cần thiết khác.
Trước khi thêm sữa hạt vào chế độ dinh dưỡng, bạn cần thận trọng do các loại hạt rất dễ gây dị ứng. Với trẻ nhỏ, cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi cho con dùng sữa hạt thay cho sữa tươi, sữa công thức. Việc cho trẻ dùng sữa hạt đi kèm chế độ dinh dưỡng không cân đối có thể gây ra tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng.
Sữa hạt là thức uống phù hợp cho người ăn chay hoặc người gặp các vấn đề với sữa động vật (ví dụ như không dung nạp lactose trong sữa bò), chứ không mang lại tác dụng chữa bệnh hay điều trị.
Dưới đây là lợi ích của một số sản phẩm sữa hạt thường gặp:
Sữa đậu nành
Sữa hạt làm từ đậu nành là thức uống thơm ngon và dễ sử dụng.
Sữa đậu nành được coi là sản phẩm sữa hạt ra đời sớm nhất. Không chỉ giàu protein và chất béo, sữa đậu nành còn cung cấp vitamin B12, calci và kali vào chế độ ăn hàng ngày của bạn. Trong đậu nành có chứa phytoestrogen – tức estrogen thực vật – hormone có vai trò quan trọng với sức khỏe sinh lý nữ.
Hiện nay, chưa có nghiên cứu cho thấy sữa đậu nành có liên quan đến bệnh ung thư ở nam và nữ giới. Người mắc bệnh tuyến giáp cần tránh sử dụng các sản phẩm từ đậu nành, trong đó có sữa đậu nành.
Sữa hạnh nhân
Sữa hạnh nhân giàu dinh dưỡng mà ít calorie, phù hợp với chế độ ăn kiêng.
1 cốc sữa hạnh nhân (không đường) cung cấp khoảng 39 calorie (chỉ bằng 1/3 calorie của 1 cốc sữa bò). Ngoài hàm lượng protein, chất béo và carbohydrate tự nhiên, sữa hạnh nhân còn chứa calci – vi chất mà người ăn chay dễ thiếu hụt.
Sữa hạnh nhân là lựa chọn tuyệt vời để thay thế cho sữa bò khi làm đồ ngọt hoặc nướng bánh. Hương vị nhẹ nhàng của sữa hạnh nhân sẽ không lấn át các nguyên liệu khác khi bạn chế biến các món tráng miệng.
Sữa yến mạch
Sữa yến mạch có thể kết hợp để pha chế cà phê, đồ uống hàng ngày.
Nếu bạn cần tìm sữa hạt để dùng cùng cà phê hoặc trà, hãy lựa chọn sữa yến mạch. Sữa yến mạch không vón cục như các loại sữa hạt khác, thay vào đó, nó có thể hòa quyện với thức uống của bạn.
1 cốc sữa yến mạch cung cấp 90 calorie cùng hàm lượng nhỏ calci, kali và vitamin B12. Thức uống này đem lại vị ngọt nhẹ nhờ lượng đường tự nhiên có trong yến mạch.
Sữa dừa
Sữa dừa được chiết xuất từ phần cơm dừa, thường được dùng trong món tráng miệng, nấu soup hoặc nước sốt nhờ mùi thơm và vị béo ngậy. Đặc điểm nổi trội của sữa dừa là hàm lượng chất béo cao (trong đó có chất béo bão hòa tự nhiên). Do đó, sữa dừa chỉ nên dùng như nguyên liệu bổ trợ trong nấu ăn, pha chế.
Sữa gạo
Sữa gạo là hỗn hợp đồ uống được chế biến từ hỗn hợp các loại ngũ cốc (như gạo lứt) và dùng tương tự như sữa. Tuy không chứa nhiều protein, sữa gạo có hàm lượng carbohydrate cao, giúp cung cấp năng lượng cho bạn hoạt động hàng ngày.
Sữa gạo là sản phẩm thích hợp cho người dị ứng với cả sữa bò và hạt hạch. Bạn có thể dùng sữa gạo để chế biến cũng ngũ cốc, yến mạch để có món ăn sáng ngon lành.
Để mua được sữa hạt đảm bảo chất lượng trên thị trường, bạn nên chọn sản phẩm của các nhãn hiệu uy tín, được bán tại các siêu thị, cửa hàng lớn. Đừng quên đọc bảng giá trị dinh dưỡng của sữa để đưa ra lựa chọn lành mạnh nhất. Sữa hạt nên chứa ít đường, chất phụ gia; Được bổ sung thêm các vi chất quan trọng như calci, vitamin D…
Một số sản phẩm sữa hạt có chứa carrageenan hay phụ gia E407 – một chất chiết xuất từ rong biển. Carrageenan được ứng dụng như chất làm dày, chất ổn định trong công nghiệp thực phẩm, nhưng có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hóa.
Ngoài ra, bạn có thể thử một số công thức chế biến sữa hạt điều, sữa lạc tại nhà với các dụng cụ như máy xay sinh tố, máy nấu sữa hạt.