Dưới đây là những lưu ý về việc sơ cứu trẻ đuối nước nhằm hạn chế những biến chứng nguy hiểm đối với trẻ bị đuối nước. Thông tin được BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố hướng dẫn như sau:
Các sơ cứu không đúng bao gồm:
- Bỏ nhiều thời gian cho việc xốc nước: động tác dốc ngược nạn nhân không cần thiết và không nên thực hiện vì thường lượng nước vào phổi rất ít chứ không phải phổi chứa đầy nước như người dân thường nghĩ. Lượng nước rất ít này sẽ được tống ra ngoài khi nạn nhân tự thở lại. Ngoài ra việc xốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc.
- Lăn lu: cho trẻ nằm sấp trên cái lu được để rơm nung cháy bên trong lăn lu qua lại nhằm mục đích “rút nước” trong cơ thể trẻ ra. Phương pháp này không hiệu quả, còn gây phỏng cho trẻ.
- Các nạn nhân ngưng thở ngưng tim không được cấp cứu thổi ngạt và ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế. Điều này làm cho não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài, chết tế bào não dẫn tới tử vong và di chứng não nặng nề. Vì thế tốt nhất là phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi đưa đầu nạn nhân lên khỏi mặt nước trước khi đưa vào bờ.
Các biện pháp sơ cấp cứu không đúng có thể khiến trẻ bị đuối nước thêm nguy kịch.
Để hạn chế những tại nạn đuối nước không mong muốn xảy ra, cần lưu ý các biện pháp phòng ngừa:
- Không để trẻ nhỏ một mình ở nhà, đậy kín các vật chứa nước trong nhà
- Không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông: luôn có người lớn đi theo
- Không cho bệnh nhân động kinh tham gia bơi lội
- Nên hướng dẫn tập bơi, cho trẻ học bơi bài bản
- Nhà trường lưu ý dặn dò học sinh cuối năm nghỉ hè về vấn đề đi bơi, hay chèo thuyền vùng sông nước rất nguy hiểm, không an toàn, cần có sự giám sát chặt chẽ từ người lớn.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: 3 nguyên tắc cấp cứu trẻ bị đuối nước.
Theo alobacsi