Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

6 mối nguy hại tiềm ẩn của các loại thuốc giảm đau không kê đơn

Dưới đây là những mối nguy hại tiềm ẩn của các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn phổ biến, ví dụ như aspirin và cách sử dụng để đảm bảo sức khoẻ.

Khi bạn bắt đầu bị đau, ý nghĩ đầu tiên loé lên trong đầu bạn là sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn. Theo một số thống kê tại Mỹ, có tới 81% số người trưởng thành sử dụng các thuốc không cần kê đơn là thuốc điều trị đầu tay của họ khi mắc các bệnh lý phổ biến. Các thuốc giảm đau không kê đơn rất hiệu quả trong việc giảm các tình trạng đau nhẹ, nhưng chúng sẽ đi kèm với các nguy cơ và phản ứng phụ, đặc biệt là nếu sử dụng không đúng cách.

Dưới đây là những mối nguy hại đi kèm với các loại thuốc giảm đau không kê đơn.

Aspirin không an toàn với trẻ em

Aspirin được coi là một loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Aspirin có thể giảm đau, hạ sốt và giảm viêm, nhưng không phải phù hợp với tất cả mọi người. Trẻ em và thanh thiếu niên không nên sử dụng aspirin cho nguy cơ có thể mắc phải hội chứng Reye, một hội chứng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến gan và não. Hội chứng Reye đặc biệt là nguy cơ với những người dưới 19 tuổi vừa bị nhiễm virus, ví dụ như vừa bị thuỷ đậu hoặc cúm.

NSAIDs có thể gây chảy máu

Aspirin cũng có chứa thành phần làm loãng máu – đó là lý do tại sao nhiều người sử dụng aspirin liều thấp có thể giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Aspirin giúp dự phòng tình trạng ngưng tập tiểu cầu trong máu và giảm hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến nhồi máu cơ tim. Nhưng cũng vì thế mà aspirin sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu. Nguy cơ tương tự cũng sẽ gặp phải khi sử dụng các loại NSAID khác không phải aspirin như ibuprofen và muối naproxen. Do vậy, cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng những thuốc này ở người có nguy cơ té ngã hoặc đang sử dụng các loại thuốc làm loãng máu khác. Nếu bạn nhận thấy bạn bị chảy máu và mất nhiều thời gian để cầm máu, hãy đến gặp bác sĩ.

NSAID có thể gây tổn thương hệ tiêu hoá

Aspirin và NSAID có thể gây loét và tổn thương hệ tiêu hoá hoặc dạ dày. FDA cảnh báo rằng nguy cơ này sẽ cao hơn ở những người trên 60 tuổi, những người đang sử dụng thuốc làm loãng máu kê đơn hoặc đang sử dụng steroid, có tiền sử chảy máu dạ dày hoặc loét dạ dày và/hoặc mắc các vấn đề khác về máu.

NSAID có thể ảnh hưởng đến thận

Aspirin và các loại NSAID khác có thể gây nguy hiểm cho thận của bạn. Nếu chức năng thận của bạn vốn đã bị suy giảm, thì việc sử dụng những thuốc này sẽ làm tắc nghẽn nặng hơn dòng máu đến thận. Ngoài ra, sử dụng liều cao kéo dài có thể gây tổn thương thận. Do vậy, nếu bạn bị tổn thương thận, nên hạn chế lượng thuốc NSAID mà bạn sử dụng hoặc tốt nhất là không sử dụng. Làm thế nào để biết chức năng thận của bạn có tốt hay không? Bác sĩ sẽ tiến hành làm xét nghiệm máu, ví dụ như creatinine huyết tương để xem xem thận của bạn đang hoạt động như thế nào.

Acetaminophen có thể gây tổn thương gan

Acetaminophen là hoạt chất chính có mặt trong nhiều loại thuốc giảm đau không kê đơn. Vấn đề thường gặp nhất với việc sử dụng acetaminophen là tổn thương gan. Liều tối đa acetaminophen một ngày là 4000mg/ngày. Lúc đầu, những tổn thương về gan thường rất khó phát hiện và có thể bị bỏ qua nhưng có thể sẽ phát triển thành suy gan hoặc đe doạ tính mạng. Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh về gan (viêm gan, suy gan, gan nhiễm mỡ, uốn nhiều rượu), tốt nhất bạn nên tránh sử dụng acetaminophen để giảm đau. Một số thành phần có trong các loại thuốc giảm đau cũng sẽ được phối hợp trong các sản phẩm khác, do vậy, nếu bạn uống thuốc cảm cúm, sau đó uống tiếp thuốc giảm đau điều trị tình trạng viêm khớp, thì rất có thể bạn đã tăng gấp đôi liều acetaminophen sử dụng.

Kết luận

Nếu bạn sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn hàng ngày hoặc nhiều lần, hãy trao đổi với bác sĩ về các triệu chứng bạn gặp phải. Bác sỹ có thể giúp bạn đảm bảo rằng bạn đang uống thuốc đúng liều và sẽ xem xét xem có loại thuốc nào khác hiệu quả hơn với bạn không.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Phân biệt các thuốc giảm đau cho trẻ nhỏ: Acetaminophen, Aspirin và thuốc chống viêm không Steroid.

Ths. Bs. Ngô Thanh Hằng - Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM (theo RD.com)
Bình luận
Tin mới
  • 23/11/2024

    Cách giảm đau mỏi chân khi đứng lâu

    Đau chân khi đứng lâu là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày

  • 23/11/2024

    Triệu chứng và biến chứng của bệnh vẩy nến

    Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẩy nến khác nhau tùy thuộc vào từng người và loại bệnh vẩy nến. Mặc dù bệnh vẩy nến là tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời, một số người có thể thấy các triệu chứng biến mất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

  • 22/11/2024

    Thuốc xịt mũi ngừa cúm

    Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.

  • 22/11/2024

    Loại tiếng ồn nào tốt cho giấc ngủ?

    Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.

  • 22/11/2024

    Cách cải thiện triệu chứng đau thần kinh tọa

    Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.

  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

  • 21/11/2024

    Tức giận - Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

    Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.

Xem thêm