Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

5 lý do chủ yếu phải tháo bỏ túi nâng ngực

Sử dụng túi nâng kém chất lượng, người có cơ địa phản ứng với vật thể lạ là những trường hợp cần xử lý để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe.

5 lý do chủ yếu phải tháo bỏ túi nâng ngực

Nâng ngực đang dần trở thành phương pháp làm đẹp phổ biến để cải thiện số đo vòng một, mang đến vẻ đẹp quyến rũ, nóng bỏng cho phái đẹp. Một số trường hợp phải tháo bỏ túi ngực sau khi nâng vì có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Dưới đây là bài chia sẻ về những trường hợp cần phẫu thuật tháo bỏ túi độn ngực của Tiến sĩ, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Mai Mạnh Tuấn (tốt nghiệp Học viện Quân y, hơn 20 năm kinh nghiệm và làm việc trong lĩnh vực thẩm mỹ - tạo hình) dành cho độc giả Zing.vn.

Ngực hỏng sau phẫu thuật do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên có thể chia thành 5 nhóm chính:

- Bao xơ co thắt

- Lựa chọn túi độn không phù hợp

- Túi nằm không đúng vị trí

- Vỡ túi độn

- Thông liên nhũ

 

5 ly do chu yeu phai thao bo tui nang nguc hinh anh 1
Ngực hỏng sau phẫu thuật do nhiều nguyên nhân, và có thể có sự phối hợp của các nguyên nhân này với nhau. Ảnh: Kaddin. 

Bao xơ co thắt: Thông thường, sau khi đặt túi độn ngực, cơ thể có phản ứng hình thành một lớp bao xơ sinh lý bao quanh túi độn. Lớp bao xơ này là mô liên kết mỏng, mềm mại. Đây là phản ứng bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, do một số lý do, phản ứng tạo bao xơ này diễn ra quá mức, gây nên tình trạng bao xơ co thắt.

Các nguyên nhân thường gặp như chảy máu sau mổ, nhiễm trùng, dùng dao điện quá mức, sử dụng túi độn có bề mặt trơn, đặt túi trước cơ ngực lớn. 

Phẫu thuật sửa ngực thực hiện khi bao xơ từ độ 3, và cân nhắc ở độ 2. Phẫu thuật sửa chữa biến chứng bao xơ co thắt bao gồm các bước cắt bỏ bao xơ, thay đổi khoang đặt túi từ vị trí trước cơ xuống sau cơ ngực lớn, sử dụng túi độn dạng nhám cao cấp. 

Lựa chọn túi độn không phù hợp: Túi độn không phù hợp làm vòng một không đẹp, quá to hoặc quá nhỏ, gồ cao... Nếu ngực hỏng chỉ do nguyên nhân lựa chọn túi không phù hợp, phẫu thuật sửa ngực tương đối dễ dàng.

Túi độn nằm không đúng vị trí: Đây là hiện tượng túi nằm lệch khỏi vị trí mong muốn khiến bầu ngực nằm không cân xứng với lồng ngực, hay hai vú lệch nhau. Các trường hợp hay gặp là hiện tượng di lệch ra ngoài làm 2 vú xa nhau, khe ngực quá rộng; túi xuống quá thấp làm khuyết lõm ngực phần trên núm vú, vú bị 2 ngấn ở vùng nếp lằn dưới vú; túi lên trên làm ngực bị gồ cao, núm vú chúi xuống...

Phẫu thuật sửa ngực bao gồm tái tạo lại khoang đặt túi bằng cách khâu lại những vị trí khoang bị bóc quá rộng, bóc tách thêm phần thiếu hụt; lấy bỏ bao xơ co thắt; thay đổi khoang đặt túi từ trước cơ xuống sau cơ ngực lớn.

Vỡ túi độn: Dấu hiệu chủ yếu là tình trạng đau và sưng nề ngực kéo dài ở bên túi vỡ, do phản ứng của cơ thể với silicon dạng gel rò rỉ từ trong túi độn. Nếu để lâu, ngực sẽ hình thành lớp bao xơ dầy quanh túi vỡ, gây biến dạng bầu ngực. 

 

5 ly do chu yeu phai thao bo tui nang nguc hinh anh 2

Vỡ túi độn là một trong những nguyên nhân cần thực hiện phẫu thuật. Ảnh:  Mondobenessereblog. 

Phẫu thuật sửa ngực: Là trường hợp lấy bỏ túi vỡ, lau rửa và thay túi mới. Trong trường hợp có bao xơ dầy kèm theo thì bóc bỏ cả khối bao xơ có chứa túi vỡ, sau đó tái tạo lại khoang đặt túi cho chuẩn và thay túi mới.

Thông liên nhũ: Là hiện tượng mất rãnh giữa hai bầu ngực do việc bóc tách quá mức làm hai khoang đặt túi bị thông nhau.

Để sửa chữa biến chứng này, bác sĩ cần khâu đính phục hồi ranh giới trong của quả vú vào cân xương ức hoặc sụn sườn. Sau mổ, khách hàng cần mặc áo ngực chuyên dụng liên tục trong 2 tháng để định hình túi độn đúng vị trí, đảm bảo thành công của phẫu thuật.

Quy trình tháo bỏ túi ngực

Để tháo bỏ túi nâng ngực, bác sĩ sẽ thực hiện dưới gây mê, bệnh nhân cần khám sức khỏe, bệnh sử trước phẫu thuật, kiểm soát các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch...

Phẫu thuật cần thực hiện tại bệnh viện, cơ sở uy tín, được vô trùng sạch sẽ, bác sĩ có kinh nghiệm.

Trong quá trình tháo túi độn, bác sĩ sử dụng các thiết bị nội soi giống như khi nâng ngực, để bóc tách khoang chứa túi ngực và lấy túi ngực ra theo đường nếp vú hoặc đường nách. Quá trình lấy ra phải đảm bảo vô trùng, không gây vỡ túi ngực, không làm ảnh hưởng tới các mô tuyến, cấu trúc cơ thể hay tuyến sữa.

Lấy bỏ túi ngực qua đường nách sẽ khó khăn hơn đường chân nếp vú, nhưng đảm bảo giấu được sẹo trong hố nách.

Để phẫu thuật nâng ngực an toàn và lâu bền, tránh tình trạng phải tháo ra hay biến chứng, bệnh nhân cần được khám sức khỏe cẩn thận trước khi phẫu thuật để tránh rủi ro do các bệnh tiềm ẩn, bệnh mãn tính…

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Nhiễm trùng sau phẫu thuật thẩm mỹ

Bác sĩ Mai Mạnh Tuấn - Theo Zing
Bình luận
Tin mới
Xem thêm