Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Xuất tinh ra máu: Bình thường hay nghiêm trọng?

Nhìn thấy máu trong tinh dịch có thể làm cho bạn cảm thấy lo lắng. Nhưng thật may mắn đó không phải luôn luôn là dấu hiệu của một bệnh lí nghiêm trọng.

Xuất tinh ra máu: Bình thường hay nghiêm trọng?

Đối với nam giới trẻ hơn 40 tuổi, không có những triệu chứng liên quan và không có yếu tố nguy cơ của các bệnh tiềm ẩn, máu ở trong tinh dịch thường tự biến mất. Nhưng với nam giới trên 40 tuổi thì xuất hiện máu trong tinh dịch cần được đánh giá và điều trị, đặc biệt là những người:

  • Xuất tinh ra máu tái diễn
  • Có các triệu chứng liên quan khi đi tiểu và xuất tinh
  • Nguy cơ bị ung thư, rối loạn đông máu và các bệnh lí khác

Khi xuất tinh, nam giới thường không kiểm tra tinh dịch của mình xem có máu hay không. Vì vậy tình trạng này không được biết đến phổ biến.

Nguyên nhân

Xuất hiện máu trong tinh dịch có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau:

- Nhiễm trùng và viêm là nguyên nhân phổ biến nhất. Máu do nhiễm trùng và viêm các tuyến, ống sản xuất và vẫn chuyển tinh dịch, bao gồm:

 
  • Tiền liệt tuyến (tuyến sản xuất ra một phần tinh dịch)
  • Niệu đạo (ống dẫn nước tiểu và tinh dịch từ dương vật)
  • Mào tinh và ống dẫn tinh (cấu trúc giống như ống nhỏ xíu, nơi tinh trùng trưởng thành trước khi xuất tinh)
  • Túi tinh (thêm nhiều chất lỏng vào tinh dịch)

Nó cũng có thể do các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, Chlamydia, hay từ nhiễm trùng các cơ quan khác. Nhiễm trùng và viêm là thủ phạm đứng đằng sau gần 4 trên 10 trường hợp có máu trong tinh dịch.

- Chấn thương và các thủ thuật y tế. Máu trong tinh dịch thường xuất hiện sau các thủ thuật y tế. Ví dụ như có 4 trong 5 nam giới có thể tạm thời có máu trong tinh dịch sau khi sinh thiết tuyến tiền liệt.

 

Các thủ thuật để điều trị các bệnh lí tiết niệu cũng có thể gây chấn thương nhẹ gây chảy máu tạm thời. Nó thường xuất hiện trong vòng một vài tuần sau thủ thuật. Xạ trị, thắt ống dẫn tinh, tiêm xơ trong bệnh trĩ cũng có thể gây chảy máu. Những chấn thương cơ học tới cơ quan sinh dục như gãy xương chậu, chấn thương tinh hoàn, hoạt động tình dục quá thô bạo hoặc thủ dâm, chấn thương khác có thể gây xuất hiện máu trong tinh dịch.

- Sự tắc nghẽn: Bất kì ống dẫn nhỏ xíu trong đường sinh dục có thể bị tắc. Nó có thể gây ra các mạch máu bị vỡ và giải phóng một lượng máu nhỏ. Bệnh lí phì đại tiền liệt tuyến, gây ra tiền liệt tuyến to ra và chèn vào niệu đạo cũng có thể liên quan đến máu trong tinh dịch.

- U và polyp: Qua đánh giá hơn 900 bệnh nhân xuất tinh ra máu thì chỉ tỉm thấy 3,5% thực sự tồn tại khối u. Hầu hết những khối u này nằm ở tiền liệt tuyến. Tuy nhiên thì máu trong tinh dịch có thể liên quan tới ung thư tinh hoàn, bàng quang, các cơ quan niệu-dục khác. Nam giới, đặc biệt là người già, có nguy cơ bị ung thư nên được kiểm tra nếu tinh dịch của họ có máu. Nếu không điều trị, ung thư là một bệnh đe dọa tính mạng.

- Vấn đề mạch máu: Tất cả các cấu trúc tinh tế liên quan đến việc xuất tinh, từ tuyến tiền liệt đến các ống dẫn tinh đều chứa mạch máu. Chúng có thể bị tổn thương gây xuất hiện máu trong tinh dịch.

- Những bệnh lí khác như cao huyết áp, HIV, bệnh gan, bệnh bạch cầu,… cũng liên quan tới xuất tinh ra máu.

- Khoảng 15% các trường hợp xuất tinh ra máu không rõ nguyên nhân. Nhiều trường hớp máu trong tinh dịch có thể tự biến mất mà không cần điều trị gì.

Những triệu chứng liên quan

Để tìm ra nguyên nhân dẫn đến xuất tinh ra máu, bác sĩ có thể hỏi bạn các triệu chứng liên quan như:

  • Đái máu
  • Cảm giác nóng rát hay đau khi đi tiểu
  • Đái không hết
  • Cảm giác căng tức, đau bàng quang
  • Xuất tinh đau
  • Sưng đau cơ quan sinh dục hoặc các vết tích do chấn thương
  • Chảy mủ ở dương vật hoặc các dấu hiệu khác của bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Sốt, mạch nhanh, huyết áp cao hơn bình thường

Chẩn đoán

Để chẩn đoán xuất tinh ra máu bác sĩ cần khai thác tiền sử bao gồm tiền sử về hoạt động tình dục gần đây, khám tổng quát bao gồm khám các khối sưng ở cơ quan sinh dục ngoài và thăm trực tràng để đánh giá kích thước, mật độ của tiền liệt tuyến và các triệu chứng khác.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn làm các xét nghiệm như:
  • Tổng phân tích nước tiểu để xác định sự nhiễm khuẩn hoặc các bất thường khác
  • Xét nghiệm kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • “Test bao cao su” nếu như có khả năng máu trong tinh dịch xuất hiện từ kinh nguyệt của bạn tình. Người đàn ông sẽ mang bao cao su và sau đó kiểm tra sự xuất hiện của máu trong tinh dịch đã được “bảo vệ”.
  • Xét nghiệm PSA để kiểm tra ung thư tiền liệt tuyến
  • Các xét nghiệm khác như nội soi bàng quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ

Điều trị

Điều trị nguyên nhân

  • Kháng sinh chống nhiễm trùng
  • Kháng viêm để chống viêm
  • Nếu có các bệnh lây qua đường tình dục hay bệnh lí như tăng huyết áp, bệnh gan, bác sĩ sẽ điều trị các bệnh nguyên nhân.
  • Nếu máu trong tinh dịch là do các thủ thuật tiết niệu gần đây như sinh thiết tiền liệt tuyến thì nó sẽ tự biến mất trong vài tuần.

Nếu nam giới trẻ tuổi, xuất tinh ra máu chỉ 1 hoặc 2 lần mà không có các triệu chứng đi kèm hoặc tiền sử bệnh lí trước đó thì nó có thể tự biến mất mà không cần điều trị gì.

Nếu xuất tinh ra máu tái diễn kèm theo các triệu chứng đau khi đi tiểu hay khi xuất tinh, bác sĩ có thể chuyển bạn tới chuyên khoa tiết niệu.

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị ung thư tiền liệt tuyến, và các ung thư khác, bạn có thể sẽ được sinh thiết tiền liệt tuyến để đánh giá mô ung thư. Tỉ lệ mắc ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới trẻ tuổi chỉ khoảng 0,6% các trường hợp dưới 45 tuổi.

Nhưng ở nam giới lớn tuổi có những yếu tố nguy cơ ung thư, xét nghiệm đánh giá ung thư tiền liệt tuyến là một yếu tố quan trọng trong điều trị xuất tinh ra máu.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Xuất tinh ngược dòng
Bình luận
Tin mới
Xem thêm