Phẫu thuật thẩm mỹ xương hàm mặt: Tạo thay đổi lớn cho khuôn mặt
Vì sao phẫu thuật thẩm mỹ vùng hàm mặt ngày càng được ưa chuộng?
Phẫu thuật thẩm mỹ vùng đầu mặt chiếm tới gần một nửa số ca phẫu thuật thẩm mỹ. Những người tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ gồm những người có mất cân đối do bẩm sinh, khối u, chấn thương… mà còn cả những người “bình thường” muốn có khuôn mặt “Âu hóa”. Phim ảnh, sách báo đã phần nào làm dịch chuyển nhận thức thẩm mỹ của người Việt Nam nói riêng và của người châu Á nói chung theo xu hướng này. Mặc dù thẩm mỹ mặt được tạo bởi các yếu tố xương, răng và phần mềm, nhưng phẫu thuật xương đem lại thay đổi khuôn mặt nhiều nhất. Xương là khung nâng đỡ phần mềm tạo ra cấu trúc khuôn mặt. Ngoài ra, hàm răng cũng là yếu tố quan trọng trong thẩm mỹ. Thực tế là trong năm 2014, người Mỹ đã chi 15 tỷ USD để làm thẩm mỹ răng (tẩy trắng, bọc sứ, làm đều, chỉnh hô móm) so với 12 tỷ USD cho phẫu thuật thẩm mỹ. Những phẫu thuật can thiệp xương cũng có thể thay đổi thẩm mỹ hàm răng và đó có thể là một phần nguyên nhân tạo ra thay đổi lớn cho mặt.
Các hình thức phẫu thuật
Phẫu thuật thẩm mỹ xương vùng mặt có thể chia làm nhiều loại như độn ghép, mài gọt xương và cắt dịch chuyển xương.
Độn ghép: Có thể thực hiện để tăng kích thước với xương tự thân lấy từ bộ phận khác trên cơ thể, hoặc ghép xương đồng loại, xương nhân tạo, hoặc vật liệu nhân tạo (ví dụ độn cằm bằng silicone).
Mài gọt: Được thực hiện để thay đổi hình dạng hoặc giảm kích thước xương như gọt cằm, gọt gò má, gọt xương mũi, gọt góc hàm.
Cắt dịch chuyển xương: Là cắt một phần hoặc toàn bộ xương nào đó dịch chuyển đến vị trí mới. Cắt dịch chuyển xương hàm có thể bao gồm phần có răng để thay đổi khớp cắn, tăng chức năng nhai, phát âm hoặc giảm tắc nghẽn đường thở. Các kỹ thuật cắt dịch chuyển xương có thay đổi khớp cắn thường được dùng để cắt xương hàm trên, cắt tiền hàm xương hàm trên, chẻ dọc ngành hàm xương hàm dưới. Các kỹ thuật cắt dịch chuyển xương thẩm mỹ như cắt xương gò má, cắt góc hàm, tạo hình cằm. Cắt dịch chuyển xương hàm trên hoặc xương hàm dưới được chỉ định để chỉnh mặt nhô, vẩu, móm, cắn hở, cắn sâu, chỉnh mặt ngắn, mặt dài, cười hở lợi, lệch mặt. Thay đổi xương hàm trên, hoặc xương hàm dưới hoặc một phần xương hàm cần được lập kế hoạch bởi bác sĩ chuyên khoa, dựa trên thẩm mỹ mặt, phim X quang và khớp cắn bệnh nhân.
Sau khi phẫu thuật, mặt thực sự đẹp cần 2-3 tháng.
Cắt xương gò má được thực hiện với các mức độ can thiệp khác nhau, từ mài gọt, cắt một phần, cắt dịch chuyển thân xương gò má và dịch chuyển toàn bộ gò má. Phẫu thuật này giúp thu gọn mặt, giảm nhô gò má và tạo hình mặt trái xoan. Cắt góc hàm cũng có các mức độ can thiệp với chỉ định tương tự. Cắt dịch chuyển cằm được thực hiện với các mức độ mài gọt chỉnh thon gọn hoặc cân đối, cắt ngắn, đẩy tiến ra trước hoặc kéo dài xuống dưới.
Lời khuyên cho khách hàng
Sau đây là lời khuyên của những phẫu thuật viên hàng đầu Hoa Kỳ cho những người muốn xinh đẹp nhờ phẫu thuật thẩm mỹ xương hàm mặt.
Biết phân biệt bác sĩ: Có những bác sĩ thuộc các chuyên khoa khác nhau như phẫu thuật thần kinh, tai mũi họng, phẫu thuật tạo hình… Trong Hội đồng các chuyên khoa y học Hoa Kỳ không có bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Vậy hãy thận trọng với danh xưng này.
Thận trọng với quảng cáo: Một nhà tư vấn ở New York nói rằng: “Nhiều bác sĩ không thực sự giỏi nhưng PR rất mạnh, tôi không bao giờ đến khám bác sĩ theo quảng cáo.
Nên khám vài bác sĩ: Luôn có nhiều giải pháp cho một vấn đề. Nên gặp 5 chuyên gia giỏi và xem xét 5 ý kiến khác nhau về cùng một lĩnh vực để có thể lựa chọn thông tin chính xác và phù hợp.
Tránh diễn đàn online: Cùng với sự phổ cập của internet ở khắp mọi nơi và các diễn đàn hình thành rộng rãi, bạn không nên mù quáng tin vào những thông tin được đăng tải trên đó vì có những bác sĩ ngồi trong phòng khám của mình, viết về chính mình dưới những tên khác nhau.
Chuẩn bị cho thời gian lành thương: Một vấn đề lớn là bác sỹ thường nói giảm về thời gian lành thương. Tất nhiên, bạn có thể đi làm sau vài ngày nhưng đấy là khi bạn làm ở nơi kín không ai nhìn thấy nên cần chuẩn bị thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn thời gian mà bác sĩ nói với bạn.
Nghiên cứu ảnh: Phần lớn mọi người đánh giá năng lực bác sĩ qua ảnh. Tuy nhiên có một số bác sĩ rất giỏi làm photoshop (kỹ thuật chỉnh sửa ảnh). Bạn vẫn nên phân tích ảnh, nhưng đừng nhìn vào ảnh bệnh nhân là siêu mẫu mà nên tìm người giống mình để có cái nhìn chân thực hơn.
Hãy hẹn khám trực tiếp: Việc đối thoại trực tiếp sẽ khiến bạn được giải đáp cặn kẽ những thắc mắc, lo lắng khi thực hiện bất kỳ một loại phẫu thuật nào hơn là trao đổi qua điện thoại hay email.
Một số lưu ý về phục hồi và chăm sóc sau phẫu thuật
Phục hồi sau mổ: Đây là vấn đề được bệnh nhân quan tâm nhiều. Thời gian hồi phục phụ thuộc vào mức độ lớn của phẫu thuật. Những phẫu thuật cắt một phần xương có thời gian hồi phục nhanh. Bệnh nhân nằm viện 1-2 ngày. Sưng nề giảm sau 2 ngày. Sinh hoạt tương đối bình thường (đi lại, nấu ăn, lái xe máy) sau 3-4 ngày. Những phẫu thuật dịch chuyển toàn bộ xương hàm hoặc xương gò má cần thời gian lâu hơn (5-7ngày). Tuy nhiên mặt vẫn còn sưng nhẹ và nếu những người làm công việc cần giao tiếp có thể chưa làm việc được. Thẩm mỹ cần thời gian lâu hơn để đạt đến kết quả tốt vì phần mềm cần thời gian lâu hơn để hòa hợp với khung xương mới và cần thời gian để vận động mặt, biểu hiện cảm xúc (vui, buồn, cười ...) tự nhiên. Mặt thực sự đẹp cần 2-3 tháng và còn tiếp tục cải thiện tốt hơn trong 6 tháng tiếp theo. Ngoài ra, có một số yếu tố giúp phục hồi nhanh hơn, cải thiện thẩm mỹ tốt hơn và nhanh hơn: tập luyện, vệ sinh, dinh dưỡng, massage.
Chăm sóc sau phẫu thuật: Thông khí đường thở là vấn đề quan tâm hàng đầu sau phẫu thuật. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản sau phẫu thuật, trừ khi sưng nề quá nhiều có thể lưu 1-2 ngày. Những phẫu thuật dịch chuyển toàn bộ xương hàm trên hoặc xương hàm dưới thường cần cố định hai hàm vào ngày hôm sau và kéo dài 7 – 10 ngày. Trong những trường hợp cắt xương thuận lợi và cố định xương vững bằng nhiều nẹp và vít thì cố định hai hàm có thể không cần thiết. Nếu phẫu thuật được thực hiện trên cả hàm trên và hàm dưới thì có thể đặt sonde dạ dày và nuôi dưỡng qua sonde trong vài ngày. Bệnh nhân được nằm lại phòng hậu phẫu 1 ngày và nằm điều trị 2-3 ngày. Những phẫu thuật cắt một phần xương hàm (cắt tiền hàm, cắt cằm, cắt gò má, cắt hoặc gọt góc hàm) không cần cố định hai hàm. Bệnh nhân cũng như người nhà được hướng dẫn ăn và cho ăn qua đường miệng khi có cố định hai hàm. Vệ sinh răng miệng cũng cần đặc biệt chú trọng. Các dung dịch như betadine, givalex, thuốc tím, nước ôxy già pha loãng có thể được sử dụng.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: 10 biến chứng phổ biến của phẫu thuật thẩm mỹ
Đau chân khi đứng lâu là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẩy nến khác nhau tùy thuộc vào từng người và loại bệnh vẩy nến. Mặc dù bệnh vẩy nến là tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời, một số người có thể thấy các triệu chứng biến mất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.
Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.
Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh
Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.