Ngày 26/11, Công an Đồng Nai đã phát tin cảnh báo về trường hợp bé trai 8 tuổi ở Trảng Bom treo cổ trong nhà tắm, nghi do học theo "thử thách thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên mạng. Bé treo cổ bằng áo thun mặc trên người, cổ áo móc trên móc treo quần áo trong nhà vệ sinh. Khi được gia đình tìm thấy, bé đã không còn thở, gia đình đưa bé đi cấp cứu nhưng bé đã tử vong trước đó.
Trẻ em có thể tiếp xúc với những trò chơi nguy hiểm từ mạng xã hội như YouTube
Tháng 10 vừa qua, một bé gái 5 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh qua đời do học theo "trò chơi treo cổ" trên YouTube. Bé đã lấy một chiếc khăn voan buộc vào thành giường trong phòng ngủ và tự treo cổ. Gia đình cho biết, bé có thói quen xem rất nhiều kênh trên YouTube, trong đó có vài lần gia đình phát hiện bé coi những kênh có nội dung xấu, bạo lực.
Hai vụ việc thương tâm kể trên chỉ là phần nổi trong những tác hại mà mạng xã hội và Internet có thể gây ra với trẻ nhỏ. Với thói quen để điện thoại thông minh "trông trẻ", cha mẹ và người lớn đang vô tình để trẻ tiếp xúc với nội dung độc hại. Phụ huynh cần chú ý đến con trẻ nhiều hơn, khi trẻ có biểu hiện hay chơi các trò lạ.
Hướng dẫn trẻ sử dụng Internet an toàn
Tuy nhiên, cha mẹ không thể kiểm soát và quản lý con cái 24/7. Biện pháp hữu hiệu hơn là dạy trẻ cách dùng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh. Infographic dưới đây gợi ý một số bí quyết giúp cha mẹ bảo vệ trẻ khi tiếp xúc với mạng Internet:
1. Cha mẹ không nên ngăn cấm trẻ tiếp xúc với công nghệ. Bao bọc trẻ quá mức, khiến trẻ không có "sức đề kháng" trước nội dung độc hại trên Internet. Hãy dạy trẻ cách sử dụng Internet an toàn và tích cực.
2. Cha mẹ nên quan tâm đến những nền tảng trên Internet mà trẻ yêu thích. Khi cùng trẻ theo dõi và sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, cha mẹ có thể kịp thời phát hiện các ứng dụng nguy hại.
3. Nhiều ứng dụng hiện nay (YouTube, TikTok) được tích hợp các bộ lọc nội dung, chế độ trẻ em hoặc chế độ hạn chế. Các bộ lọc này không đảm bảo an toàn tuyệt đối, tuy nhiên, chúng có thể hạn chế phần lớn các nội dung người lớn, bạo lực có hại với trẻ em.
4. Tạo khung thời gian không dùng điện thoại cho cả gia đình: trong giờ ăn cơm, trong giờ nghỉ trưa, khi ngồi vào bàn học. Các thành viên khác trong gia đình cũng cần làm gương cho trẻ nhỏ.
5. Hướng dẫn trẻ không nên đăng những thông tin cá nhân quan trọng lên mạng như: Họ tên đầy đủ của con, địa chỉ gia đình, số điện thoại, mật khẩu, kế hoạch hàng ngày (giờ đi học của con), sinh nhật…
6. Hướng dẫn trẻ đánh giá sự thật trong các thông tin trên mạng, các dấu hiệu nhận biết các trò chơi, xu hướng nguy hiểm.
7. Không dùng các thiết bị điện tử để thưởng hay phạt trẻ. Trẻ có thể trở nên sợ sệt, không muốn giao tiếp với cha mẹ vì sợ bị phạt.
8. Cân bằng thời gian sử dụng thiết bị điện tử và các hoạt động học tập, vui chơi khác của trẻ.
9. Không giúp trẻ đăng ký tài khoản mạng xã hội khi trẻ chưa đủ tuổi. Facebook, TikTok, Instagram, YouTube là các nền tảng không dành cho người dưới 13 tuổi.
10. Cha mẹ cần tích cực trang bị kiến thức về công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm với phụ huynh khác.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Bí quyết giúp trẻ sử dụng internet an toàn