Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Điều gì xảy ra trong não bộ khi chúng ta yêu?

Tình yêu khiến chúng ta cảm thấy hưng phấn, hạnh phúc, đam mê nhưng cũng khiến chúng ta khờ dại, mất kiểm soát, và đôi khi là kiệt sức, ám ảnh... Nói cách khác, tình yêu mang đến những tác động rất mạnh đến bộ não và nó có thể kiểm soát hành vi của một con người. Vậy điều gì xảy ra trong não bộ khi chúng ta yêu?

Có rất nhiều thay đổi trong não bộ một người khi đang yêu, khiến người đó cảm thấy cả hai cảm giác là mong muốn và không mong muốn cùng một lúc.

“Hình ảnh” của tình yêu trong não

Các nhà khoa học đã sử dụng chụp cộng hưởng từ chức năng fMRI và ERPs - hai kỹ thuật quét não để tìm hiểu những gì đang xảy ra bên trong não bộ khi một người đang yêu. Kỹ thuật chụp fMRI tạo ra một hình ảnh mô phỏng của não và cho biết phần nào của não được kích hoạt khi yêu cũng như các thay đổi tại các vùng não khi ở trong các hoàn cảnh khác nhau. Trong khi đó, hệ thống ERPs đo lường những thay đổi trong hoạt động của não khi nó phản ứng với các kích thích khác nhau. Phương pháp này cho kết quả rất cụ thể về thời gian đưa ra các tín hiệu trong não (thời gian tính bằng mili giây).

Các chuyên gia thần kinh giải thích rằng hệ thống ERPs chủ yếu được sử dụng để nghiên cứu sự chú ý của não bộ. Trong một thử nghiệm xem não bộ hoạt động như thế nào khi đang yêu, các nhà nghiên cứu đã chiếu một bức ảnh của người mà những đối tượng người tham gia đang chú ý tới và ghi lại các sóng não hiện có. Họ đã tìm thấy hai sóng não với các chỉ số ERPs cho biết sự chú ý ngay lập tức, tồn tại lâu hơn và thường có cường độ lớn hơn ở những người đang yêu. Điều này giải thích cho ví dụ rất hay gặp phải: nếu bạn biết người yêu của mình lái chiếc Ford màu đỏ chẳng hạn, bạn sẽ thấy những thứ tương tự ở khắp mọi nơi vì những sóng này tồn tại lâu và mạnh khiến bạn nhớ đến nó trong 1 khoảng thời gian dài.

Trong một thí nghiệm khác, các nhà nghiên cứu cũng đo ảnh hưởng của tình yêu đối với sự chú ý của một người vào nhiệm vụ cụ thể nào đó và phát hiện ra rằng sự chú ý có xu hướng chuyển hướng sang người kia, làm chậm quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Một nghiên cứu năm 2017 cũng cho thấy "sự đồng bộ thần kinh" ở các cặp đôi lãng mạn cao hơn so với những người kết đôi với người lạ. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các mô hình đồng bộ giữa não của những người trong một mối quan hệ “lãng mạn”.

“Cảm nắng” khiến sản sinh nhiều hormone “vội vàng”

Theo các nhà khoa học, khi bạn “cảm nắng” ai đó, cơ thể sẽ sản sinh ra một lượng hormone cực lớn. Điều đó có nghĩa là khi chúng ta yêu lần đầu, chúng ta sẽ trải qua một thời kỳ kích thích các hormone của não bộ. Các hormone này là oxytocin, dopamine và adrenaline.

Oxytocin được coi là hormone tình yêu, có trong hệ thống tự thưởng cho bản thântự tạo động lực cho bản thân trong não bộ. Nó cũng được coi là lý do để giúp hình thành và duy trì một mối quan hệ lâu dài hơn với những người khác. Đối với dopamine, nó được gọi là hormone khoái cảm - giúp kích thích các mối quan hệ, phát triển chúng và duy trì chúng. Trong ngôn ngữ tình yêu, hormone này được coi là chìa khóa đáp ứng với việc yêu, tiếp tục yêu và chia tay. Ngoài ra, hormone adrenaline cũng được kích hoạt khi yêu, khiến tim đập nhanh hơn, tạo ra sự hưng phấn, sức hấp dẫn và khoái cảm khi yêu.

Tổng kết

Yêu là một cảm giác diệu kỳ, một trạng thái khờ dại của não bộ. Khi yêu, chúng ta có thể làm rất nhiều điều mà ban đầu chúng ta không nghĩ đến. Những sự thay đổi trong sóng não và hormone được cho là những nguyên nhân dẫn đến thay đổi về tính cách cũng như hành vi đáp ứng của cá thể trong thời điểm đó, và có thể tạo ra những điều kì diệu đối với chính những người “đang yêu”.

Tham khảo thêm thông tin tại: 5 cách để giải phóng Hormone tình yêu Oxytocin

 

Bình luận
Tin mới
Xem thêm