Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Co giật do sốt ở trẻ nhỏ

Co giật do sốt ở trẻ nhỏ là một tình trạng có thể gặp phải ở bất cứ trẻ nhỏ nào, dù trẻ có phát triển khỏe mạnh bình thường và không hề có bất kỳ triệu chứng về thần kinh trước đây. Cơn co giật do sốt là một trong những điều khiến nhiều cha mẹ phụ huynh lo lắng. Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân và cách dự phòng cũng như xử trí khi tình trạng này xảy ra.

Các cơn co giật do sốt thường vô hại, kéo dài khoảng vài phút và thường không gây ra vấn đề sức khỏe nào nghiêm trọng. Co giật có thể khiến trẻ trở nên hoảng loạn, và lúc này các bậc cha mẹ nên trấn an trẻ, tạo sự an tâm cho trẻ và gọi cho bác sĩ càng sớm càng tốt sau khi bị co giật.

Triệu chứng

Thông thường, một đứa trẻ bị sốt co giật thường kèm theo tình trạng run rẩy và có thể bất tỉnh. Đôi khi trẻ cũng có thể bị cứng và có thể chỉ co giật một vùng trên cơ thể. Các triệu chứng khác như sốt cao trên 38 độ C, mất tỉnh táo và co giật vùng tay và chân.

Co giật do sốt được phân loại gồm phức tạp và đơn giản:
  • Co giật đơn giản. Kéo dài từ vài giây đến 15 phút. Các cơn co giật do sốt đơn giản không tái phát trong vòng 24 giờ và không đặc hiệu cho một bộ phận cơ thể
  • Co giật phức tạp. Kéo dài hơn 15 phút, xảy ra nhiều hơn 1 lần trong vòng 24 giờ hoặc chỉ giới hạn ở 1 bên cơ thể nhất định.

Thông thường, cơn co giật thường xảy ra nhất trong vòng 24 giờ đầu khi bắt đầu sốt và có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy trẻ đang bị ốm.

Bạn cũng nên lưu ý các triệu chứng khác của trẻ để có thể có biện pháp xử trí kịp thời. Một số dấu hiệu nghiêm trọng cần được cấp cứu ngay lập tức như co giật kéo dài trên 5 phút kèm theo các dấu hiệu:

  • Nôn mửa
  • Cứng cổ
  • Các vấn đề hô hấp
  • Trẻ buồn ngủ cực độ

Nguyên nhân

Thông thường, nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường là đã có thể gây co giật. Sốt dù cao hay nhẹ đều có thể gây co giật tùy từng trường hợp.

Nhiễm trùng

Các cơn sốt co giật thường do nhiễm virus. Đối với vi khuẩn, điều này ít phổ biến hơn. Virus cúm hay virus gây sốt phát ban thường là những loại virus gây sốt cao và hay gây ra co giật.

Sốt co giật sau tiêm chủng

Nguy cơ sốt và co giật có thể tăng lên sau khi tiêm chủng các loại vaccine từ thời bé. Các vaccine bao gồm bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi – quai bị - rubella. Trẻ cũng có thể sốt nhẹ sau tiêm chủng và sốt – không phải do vaccine – là nguyên nhân có thể gây ra co giật.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị co giật do sốt ở trẻ bao gồm:

  • Độ tuổi. Trẻ trong khoảng từ 6 tháng đến 5 tuổi có nguy cơ gặp phải co giật do sốt cao nhất, trong đó nhóm 12-18 tháng tuổi là nguy cơ cao hơn cả.
  • Tiền sử gia đình. Một số trẻ có di truyền từ cha mẹ có thể gặp phải các cơn co giật. Các nhà khoa học đã đã liên kết tình trạng này với một số gen nhạy cảm xuất hiện và có thể do di truyền từ cha mẹ.

Chẩn đoán

Co giật do sốt xảy ra ở trẻ em phát triển bình thường. Bác sĩ sẽ xem xét cẩn thận tiền sử bệnh và tiền sử phát triển của con bạn để loại trừ các yếu tố nguy cơ khác của bệnh động kinh. Ở những trẻ đang phát triển bình thường, xác định nguyên nhân gây sốt là bước đầu tiên sau khi bị sốt co giật.

Co giật do sốt đơn giản

Đối với trẻ tiêm vaccine và co giật do sốt, có thể không cần các xét nghiệm để chẩn đoán. Bác sĩ có thể chẩn đoán cơn co giật dựa trên tiền sử của trẻ. Với những trẻ tiêm chủng chậm hoặc hệ miễn dịch có tổn thương, các xét nghiệm có thể được chỉ định để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng nặng: xét nghiệm máu, nước tiểu, dịch não tủy (trong trường hợp nghi ngờ viêm màng não)…

Co giật do sốt phức tạp

Để chẩn đoán cơn co giật do sốt phức tạp, bác sĩ có thể để xuất sử dụng điện não đồ (ECG) để chụp hoạt động của sóng não. Chụp MRI cũng có thể kiểm tra các tình trạng bất thường như đầu to bất thường, các triệu chứng thần kinh hay áp lực nội sọ bất thường…

Điều trị

Hầu hết các cơn co giật do sốt sẽ tự ngừng trong vài phút. Nếu trẻ gặp phải tình trạng này, bạn hãy bình tĩnh và làm theo các bước sau:

  • Đặt trẻ nằm nghiêng trên bề mặt phẳng, mềm để trẻ không bị ngã
  • TÍnh thời gian cơn động kinh bắt đầu và kết thúc
  • Ở bên cạnh trẻ và an ủi trẻ, động viên để trẻ
  • Bỏ các vật cứng, nhọn xung quanh để tránh va đập
  • Nới lỏng quần áo, hạn chế trẻ bị bó chặt bởi quần áo
  • Không nên cố gắng giữ trẻ hay can thiệp vào tình trạng co giật của trẻ
  • Không đặt bất cứ thứ gì vào miệng trẻ

Gọi ngay cho cấp cứu nếu có các dấu hiệu:

  • Co giật hơn 5 phút
  • Co giật lặp đi lặp lại
  • Trẻ không có các dấu hiệu cải thiện dù đã hết co giật

Một số dấu hiệu nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi
  • Cơn co giật có kèm theo nhiễm trùng nặng
  • Không tìm thấy nguồn lây nhiễm

Biến chứng có thể gặp phải

Hầu hết các cơn co giật do sốt không gây ra những ảnh hưởng lâu dài. Co giật do sốt đơn giản không gây tổn thương não, thiểu năng trí tuệ hoặc khuyết tật trong nhận thức, và chúng cũng không có nghĩa là trẻ có thể mắc phải các chứng rối loạn nghiêm trọng hơn sau này. Co giật do sốt được coi là những cơn động kinh kích thích và đương nhiên, nó không phải là dấu hiệu của bệnh động kinh. Động kinh là một tình trạng đặc trưng bởi các cơn co giật tái phát không rõ nguyên nhân do các tín hiệu bất thường trong não bộ gây ra.

Dự phòng co giật do sốt

Hầu hết các trường hợp sốt xảy ra trong vài giờ đầu tiên của cơn sốt, trong khoảng thời gian nhiệt độ cơ thể bắt đầu tăng. Bạn có thể dự phòng tình trạng co giật bằng các cách như:

  • Cho trẻ dùng thuốc. Dùng các thuốc hạ sốt nhóm paracetamol hoặc ibuprofen cho trẻ để làm dịu cơn sốt. Hạ sốt sẽ giúp trẻ dễ chịu hơn, tuy nhiên nó không thể ngăn khả năng xuất hiện co giật ở trẻ. Rất thận trọng cho trẻ dùng aspirin.
  • Nhìn chung, bạn nên tham khảo ý kiến các chuyên gia để được tư vấn sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả nhất. Các thuốc chống co giật có thể được bác sĩ kê đơn để sử dụng, tuy nhiên cần dưới sự giám sát và được khám, chỉ định hợp lý.

Tổng kết

Co giật do sốt ở trẻ nhỏ có thể xuất hiện ở bất cứ trường hợp nào, và thường kết thúc sớm mà không để lại hậu quả gì đặc biệt. Nhìn chung, bạn nên lưu ý những dấu hiệu đặc biệt của trẻ để có thể có những phản ứng kịp thời trong những trường hợp đặc biệt. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.

Tham khảo thêm thông tin tại: Những điều cần nhớ khi sử dụng paracetamol để hạ sốt cho bé

 

Bình luận
Tin mới
Xem thêm