Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cha mẹ cần chú ý đến rối loạn đi tiểu ở trẻ em

Rối loạn đi tiểu là vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ, gây ảnh hưởng đến tâm lý, khiến trẻ mặc cảm khi đi học. Rối loạn đi tiểu kéo dài sẽ tìm ẩn nguy cơ mắc những bệnh lý khác.

Theo các nghiên cứu khác nhau trên thế giới, khoảng 5 - 10% trẻ trên 5 tuổi có rối loạn đi tiểu. Khi được 2 tuổi, trẻ bắt đầu cảm nhận được cảm giác đầy bàng quang và có thể kiểm soát được việc đi tiểu vào ban ngày; từ 5 tuổi trở lên trẻ có thể kiểm soát được việc đi tiểu như người lớn. Do vậy, trẻ trên 5 tuổi mà chưa kiểm soát được việc đi tiểu là có rối loạn.

Những biểu hiện của rối loạn đi tiểu ở trẻ em bao gồm:

Tiểu dầm: tiểu không kiểm soát khi trẻ đang ngủ.

- Tiểu không tự chủ: trẻ không có khả năng kiểm soát việc đi tiểu.

- Tiểu khó: tiểu đau, tiểu rát hoặc khó đi tiểu.

- Tiểu gấp: trẻ tiểu són ra quần ngay khi có mắc tiểu.

- Tiểu nhiều lần: tiểu nhiều hơn 1 lần mỗi giờ.

- Tiểu ít lần: số lần đi tiểu ít hơn 3 lần mỗi ngày.

Có khoảng 5 - 10% trẻ trên 5 tuổi có rối loạn đi tiểu.

Những rối loạn tiểu tiện này có khi chỉ ảnh hưởng chút ít đến sinh hoạt của trẻ nhưng cũng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn. Khi trẻ đến trường, việc bị rối loạn này sẽ khiến trẻ bị mặc cảm, ngại giao tiếp và vui chơi không thoải mái, ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ. Nếu những rối loạn này không được điều trị sớm thì sẽ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh như: nhiễm trùng tiểu tái phát, viêm đài bể thận cấp, thận ứ nước, trào ngược bàng quang niệu quản và nếu không điều trị triệt để sẽ dẫn đến suy thận.

Những rối loạn này có thể do 3 nhóm nguyên nhân chính gồm:

- Có sự bất thường về cấu trúc đường niệu.

- Có bất thường về thần kinh kiểm soát việc đi tiểu.

- Không có bất thường nào.

Sau khi thăm khám, tùy vào nhóm nguyên nhân, các bác sĩ sẽ có những cách điều trị khác nhau.

Nhóm rối loạn đi tiểu mà không có bất thường nào chiếm tỉ lệ cao tại các phòng khám Thận nhi. Triệu chứng chính của nhóm này là tiểu không kiểm soát ban ngày, tiểu dầm ban đêm và nhiễm trùng tiểu tái phát.

Sau 5 tuổi, các nguyên nhân gây tiểu dầm thường là: dung tích bàng quang nhỏ, không có khả năng cảm nhận việc làm đầy bàng quang, giảm khả năng kiểm soát đi tiểu khi ngủ say, tăng sản xuất nước tiểu vào ban đêm, tăng hoạt động cơ bàng quang và nguyên nhân tâm lý.

Mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận và điều trị thành công cho rất nhiều trẻ rối loạn đi tiểu ở trẻ em. Điển hình, bé gái 13 tuổi bị tiểu dầm mới được bệnh viện điều trị khỏi. Từ 4 tuổi, bé đã được gia đình đưa đi thăm khám ở nhiều bệnh viện nhưng được chẩn đoán là đái dầm do tâm lý, sẽ tự hết khi lớn lên. Nhưng sau 2 tuần điều trị bằng thuốc tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bé đã hết tiểu dầm.

Rối loạn đi tiểu mới xảy ra trong thời gian ngắn thường liên quan đến nguyên nhân tâm lý. Bất cứ sự cố nào gây “stress” đối với trẻ cũng có thể gây rối loạn đi tiểu. Sau khi loại trừ nguyên nhân tâm lý, các bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và đưa ra một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán và theo dõi điều trị.

Rối loạn đi tiểu là vấn đề thường gặp ở trẻ em. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ mà đôi khi còn có những hậu quả nghiêm trọng hơn về sau. Thông thường, phụ huynh hay la mắng, phạt hoặc thậm chí đánh khi thấy trẻ có biểu hiện ướt quần vào ban ngày hoặc ban đêm. Tuy nhiên, những cách ứng xử như vậy không giúp cho trẻ giải quyết được vấn đề mà chỉ làm trẻ hoảng sợ.

Theo TS. BS Phạm Đình Nguyên - Bệnh viện Nhi Đồng 1, khi trẻ trên 5 tuổi mà có những biểu hiện rối loạn đi tiểu, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để giúp trẻ nhanh phục hồi khả năng tiểu tiện, hỗ trợ quá trình điều trị được tốt hơn và đưa trẻ quay lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Với những trẻ nhỏ, cha mẹ có thể kích thích bằng cách xi trẻ trong vòng từ 2 - 3 phút để trẻ đi tiểu hết. Đối với những trẻ lớn hơn, cha mẹ hướng dẫn cho trẻ tư thế đúng khi đi vệ sinh là lưng thẳng ngả về phía trước (có thể kê thêm ghế dưới chân để trẻ thấy thoải mái). Đồng thời, cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen ngồi lâu trong phòng vệ sinh, không mải chơi dẫn đến việc nhịn tiểu và không đi tiểu.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Dạy trẻ tập đi vệ sinh chủ động.

Minh Huy - Theo alobacsi.com
Bình luận
Tin mới
Xem thêm