Viêm họng cấp tính là bệnh khá phổ biến, xảy ra quanh năm nhưng khi thời tiết chuyển mùa thì viêm họng cấp dễ dàng xuất hiện. Bệnh thường xuất hiện với các bệnh viêm VA, viêm amiđan. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn (phế cầu, liên cầu hoặc các vi khuẩn khác sẵn có ở họng) hay virut cúm, sởi...
Nguyên nhân gây viêm họng cấp
Viêm họng cấp là tình trạng viêm niêm mạc họng xảy ra một cách đột ngột gây nên bởi virut (cúm, sởi, Adenovirus...), vi khuẩn (phế cầu, tụ cầu, liên cầu, Hemophillus influenzae...). Nguy hiểm hơn cả là liên cầu khuẩn nhóm A (S.pyogenes). Đây là thủ phạm gây nên biến chứng viêm họng dẫn đến viêm khớp cấp (thấp tim tiến triển), viêm cầu thận cấp là những bệnh khá nguy hiểm hoặc viêm họng cấp do nấm (Candida). Ngoài các nguyên nhân trên phải kể đến các yếu tố nguy cơ như thay đổi thời tiết, lạnh quá, ẩm quá, bụi bẩn, bụi công nghiệp, khói (thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than, củi, rơm rạ) và có thể do tác động của rượu.
Những biểu hiện
Bệnh thường khởi phát đột ngột, người bệnh sốt cao 39 - 40 độ C, nuốt đau, rát họng. Lúc đầu, bệnh nhân thấy khô nóng trong họng, dần dần thành cảm giác đau rát, tăng lên khi nuốt, khi ho và khi nói. Người bệnh thấy đau lên tai và đau nhói khi nuốt. Các triệu chứng kèm theo là sụt sịt, tắc mũi và chảy nước mũi nhày, tiếng nói khàn nhẹ và ho khan. Hai amiđan viêm to, trên bề mặt amiđan có chất nhày trong, có khi có bựa trắng như nước cháo phủ trên bề mặt, hạch cổ bị sưng.
Trong trường hợp viêm họng cấp do virut cúm thì các triệu chứng khá nặng, nhức đầu, đau rát họng, xuất huyết ở thành sau họng. Hoặc viêm họng cấp do virut APC (Adeno-Pharyngo-Conjunctival) thì xuất tiết mũi, niêm mạc họng đỏ, viêm màng tiếp hợp và sưng hạch cổ. Các trường hợp viêm họng cấp do virut thì hiện nay việc xác định loại virut gì gây bệnh còn gặp không ít khó khăn.
Tình trạng viêm họng cấp khi thời tiết chuyển mùa thường diễn ra trong vòng 3 - 4 ngày, nếu sức đề kháng tốt bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng trên sẽ mất đi rất nhanh. Nhưng khi sức đề kháng yếu (trẻ em, người cao tuổi) thì bệnh diễn biến phức tạp hơn, nặng hơn và có thể gây biến chứng như viêm tai, viêm mũi, phế quản phế viêm và trở thành viêm họng mạn tính. Hoặc thấp tim tiến triển, viêm cầu thận cấp nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes).
Điều trị phải theo chỉ định của bác sĩ
Nguyên tắc điều trị phải dựa vào nguyên nhân gây bệnh, trong trường hợp xác định được vi khuẩn và có kết quả của kháng sinh đồ thì nên lựa chọn kháng sinh để điều trị cho thích hợp với tuổi, tình trạng bệnh và tính động học của kháng sinh. Việc dùng thuốc để điều trị phải tuân theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh, không tự động mua thuốc để chữa bệnh cho mình và người nhà.
Cần bù nước và chất điện giải do sốt cao gây ra. Tốt nhất là uống dung dịch oresol (ORS), có thể dùng ORS cam loại 5,63g/gói cho cả người lớn và trẻ em, pha 1 gói vào 200ml nước (đun sôi, để nguội). Thông thường sử dụng ORS như sau, trẻ nhũ nhi thì dùng 50ml/lần, 2 - 3 lần/ngày; trẻ từ 2 - 6 tuổi dùng 100ml/lần, 2 - 3 lần/ngày; trẻ từ 6 - 12 tuổi dùng 150ml/lần, 2 - 3 lần/ngày. Với người lớn dùng theo nhu cầu.
Thức ăn nên dùng loại mềm, nhuyễn, dễ nuốt. Cần ăn thêm rau, trái cây. Cần phải nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể, nhất là cổ, ngực, gan bàn chân. Nên tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, tắm xong phải lau người thật khô rồi mặc quần áo sạch. Cần vệ sinh họng, miệng như đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Nên súc họng bằng nước muối nhạt hằng ngày.
Phòng ngừa viêm họng cấp thế nào?
Để phòng ngừa viêm họng cấp, cần vệ sinh răng miệng, họng, mũi thường xuyên và hàng ngày. Cần đánh răng sau khi ăn và trước, sau khi ngủ dậy làm sao tạo thành một thói quen, nhất là đối với trẻ em.
Nên tắm bằng nước ấm nhất là với những người mắc bệnh viêm họng tái đi tái lại nhiều lần. Khi tắm xong cần lau người khô trước khi mặc quần áo sạch bất kể là mùa nào. Cũng không nên ngồi trước quạt hoặc trong phòng điều hòa lạnh sau khi tắm xong.
Khi bị viêm họng cần đi khám ngay, tốt nhất là khám chuyên khoa tai mũi họng hoặc phòng khám đa khoa để nhanh chóng xác định bệnh và điều trị ngay từ những ngày đầu, không nên để bệnh xảy ra vài ba ngày mới đi khám bệnh.
Người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình, dùng theo đơn thuốc cũ hoặc tự mua thuốc để điều trị. Khi bị viêm họng kéo dài cần tới thăm khám để được điều trị tránh một số biến chứng không đáng có xảy ra.
Tầm vóc không chỉ là thước đo chiều cao đơn thuần mà còn phản ánh sức khỏe và sự phát triển toàn diện của một dân tộc. Tuy nhiên, thực trạng chiều cao của người Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế so với bạn bè quốc tế
Mùa xuân đến, mang theo không khí ấm áp và sức sống mới cho vạn vật. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, khí hậu biến đổi thất thường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh sinh sôi phát triển.
Ngày 2 tháng 4 hàng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ – một sự kiện do Liên Hợp Quốc khởi xướng nhằm kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn đến rối loạn phổ tự kỷ (ASD).
Mùa xuân là thời điểm giao mùa, khí hậu thất thường, hanh khô, độ ẩm thấp, dễ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ.
Tuổi mãn kinh không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe sinh lý nữ, mà còn ảnh hưởng đến làn da. Chị em phụ nữ nên lưu ý điều gì khi chăm sóc da tuổi ngoài 40?
Giao mùa là thời điểm chuyển tiếp giữa các mùa trong năm, kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Đối với người cao tuổi, giai đoạn này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe do hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể dần lão hóa.
Một nghiên cứu mới cho thấy, hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ nhanh, yoga, làm vườn… mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong.
Các vấn đề dạ dày khi chạy bộ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây khó chịu cho người chạy. Bạn có thể gặp tình trạng co thắt, đau bụng dẫn đến tiêu chảy trong khi chạy.