Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Làm thế nào phòng ngừa các bệnh do nắng nóng cho trẻ em?

Việc có quá nhiều hoạt động ở ngoài trời, ở lâu dưới ánh nắng gay gắt, không uống đủ nước và mặc quần áo không thích hợp có thể khiến trẻ bị suy kiệt cũng như mắc các bệnh lý.

Mùa Hè nóng, oi bức, đặc biệt là những ngày nhiệt độ ngoài trời lên tới 40 độ C là nỗi lo ngại lớn đối với nhiều phụ huynh. Nhiệt độ và độ ẩm không khí tăng cao bất thường kéo theo nguy cơ trẻ bị suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng.

Theo các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương, việc có quá nhiều hoạt động ở ngoài trời, ở lâu dưới ánh nắng gay gắt, không uống đủ nước và mặc quần áo không thích hợp có thể khiến trẻ mắc các bệnh do nắng nóng. Do vậy, mọi người cần hiểu rõ các biểu hiện trong cơ thể để phòng bệnh do nắng nóng gây ra.

Trẻ nhỏ không nên hoạt động ở ngoài trời, ở lâu dưới ánh nắng gay gắt. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Để có thể hoạt động bình thường, cơ thể phải liên tục duy trì nhiệt độ ở mức 37 độ C. Thân nhiệt chịu sự kiểm soát chặt chẽ của tuyến dưới đồi nằm ở não. Khi thân nhiệt tăng cao, tuyến dưới đồi bật đèn xanh, giúp khởi động một loạt thay đổi trong cơ thể. Trẻ thở nhanh hơn và nông hơn, lượng máu di chuyển tới da tăng lên và mồ hôi toát ra.

Phần lớn nhiệt dư thừa được thải qua da. Điều này sẽ diễn ra một cách dễ dàng nếu không khí quanh ta mát và khô. Trường hợp ngược lại, nếu không khí nóng và ẩm, và nếu trẻ ở trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời thì việc thải nhiệt sẽ gặp nhiều khó khăn. Mồ hôi không thể bốc hơi nhanh, cơ thể không giải phóng đủ nhiệt, thân nhiệt vì thế sẽ tăng lên nhanh chóng. Thân nhiệt quá cao có thể gây tổn thương cho não và các cơ quan quan trọng khác.

Các bệnh liên quan tới nắng nóng

Ra mồ hôi nhiều mà không được bù nước đầy đủ có thể dẫn tới mất nước và chuột rút, trong khi cơ thể không thải đủ nhiệt sẽ dẫn tới suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng cần cấp cứu. Chuột rút, kiệt sức vì nóng hay say nóng thường xuất hiện ở trẻ lớn tham gia hoạt động thể lực kéo dài dưới nắng nóng như trong giờ chơi thể thao. Với trẻ nhỏ, bệnh chủ yếu liên quan tới nắng nóng là mất nước.

1. Mất nước

Trẻ bị mất nước khi lượng dịch thoát ra qua mồ hôi và nước tiểu lớn hơn lượng dịch uống vào. Mất nước ở mức độ nhỏ, kể cả chỉ tương đương 2% cân nặng, cũng có thể ảnh hưởng xấu tới trẻ. Mất nước làm giảm khả năng điều hòa thân nhiệt và do đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do nắng nóng khác.

Các biểu hiện của mất nước ở trẻ: Môi khô, khát nước, tiểu ít hoặc không tiểu, nước tiểu cô đặc, sẫm màu; Khóc không có nước mắt; Trẻ quấy khóc, khó chịu; Có vẻ ủ rũ, lờ đờ, mệt mỏi. Trường hợp nặng, trẻ có biểu hiện mắt trũng, thóp trũng, buồn nôn, nôn, lờ đờ hay hôn mê.

Xử trí: Nếu nghi ngờ bé bị thiếu nước, cần chuyển bé vào nơi thoáng mát, cho bé uống nước. Nếu bé không cảm thấy dễ chịu hơn thì cần tìm sự trợ giúp y tế.

2. Chuột rút do nóng

Chuột rút do nóng là tình trạng đau cơ hay co cứng cơ, thường xuất hiện ở vùng bụng, cánh tay hay cẳng chân, khi vận động quá mức trong thời tiết nóng. Trẻ hay vã mồ hôi nhiều khi hoạt động mạnh dễ bị chuột rút kiểu này. Ra mồ hôi nhiều khiến cơ thể mất nước và muối, hàm lượng muối thấp trong cơ khiến cơ co rút đau đớn. Chuột rút do nóng cũng có thể là biểu hiện của kiệt sức do nóng.

Xử trí cho trẻ: Ngừng hoạt động thể lực và ngồi yên ở nơi râm mát, uống nhiều nước, tiếp tục ngừng hoạt động thể lực mạnh trong vòng vài giờ sau khi hết bị chuột rút để tránh rơi vào kiệt sức hay say nắng đồng thời tìm trợ giúp y tế nếu tình trạng không cải thiện sau một giờ.

3. Kiệt sức do nóng

Các dấu hiệu cảnh báo: Vã mồ hôi như tắm, người nhợt nhạt, chuột rút, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn, ngất; da lạnh và ẩm ướt; mạch nhanh và yếu; thở nhanh và nông.

Xử trí: Nếu không được điều trị, kiệt sức vì nóng có thể tiến triển thành say nắng. Cần tìm trợ giúp y tế nếu tình trạng này không tiến bộ sau một giờ. Giúp trẻ hạ thân nhiệt bằng các biện pháp cho uống nước mát, tắm nước mát, lau người bằng khăn mát, đưa trẻ tới nơi có quạt mát, điều hòa, mặc quần áo nhẹ nhàng, thoáng mát.

Mấy ngày gần đây tại Hà Nội, người dân trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ phổ biến 38-40 độ C. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

4. Say nắng

Đây là căn bệnh nghiêm trọng nhất do nắng nóng. Bệnh xuất hiện khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ: Thân nhiệt gia tăng nhanh chóng, ra mồi hôi không đủ để giải tỏa nhiệt, cơ thể không thể tự làm mát. Thân nhiệt có thể lên tới 39,5 độ C hoặc cao hơn trong vòng 10-15 phút. Say nắng có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời.

Các dấu hiệu cảnh báo: Thân nhiệt lên cao (trên 39,5 độ C); da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi), mạch nhanh, mạnh kèm theo đau đầu nhức nhối, chóng mặt, buồn nôn, mê sảng và mất ý thức.

Xử trí: Say nắng là tình trạng cấp cứu, có thể dẫn tới tử vong. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu nêu trên, cần nhờ người gọi xe cấp cứu trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của trẻ, chuyển trẻ tới khu vực râm mát.

Người lớn cần nhanh chóng hạ thân nhiệt của trẻ bằng bất cứ biện pháp như dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người… Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc trẻ trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh.

Theo dõi thân nhiệt và tiếp tục các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C.

Nguy cơ mắc bệnh do nắng nóng tăng cao ở các nhóm trẻ như: Trẻ dưới 4 tuổi tỷ lệ diện tích bề mặt cơ thể trên cân nặng cao hơn so với người lớn khiến lượng nhiệt hấp thu từ môi trường và lượng nhiệt sản sinh khi vận động đều cao hơn. Trẻ quá nhỏ chưa thể tự vận động để lấy nước uống sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm trẻ. Trẻ đủ lớn để tự lấy nước cũng thường hay quên, không uống đủ nước.

Tiếp theo là nhóm trẻ bị bệnh cấp tính, đặc biệt là sốt và bệnh đường tiêu hóa. Trẻ vận động quá nhiều, nhất là nếu chưa quen với nắng nóng, lại quá mập hoặc không thật khỏe mạnh. Trẻ đang dùng các loại thuốc làm giảm khả năng điều hòa nhiệt của cơ thể, ví dụ thuốc kháng histamin chống dị ứng, thuốc lợi tiểu hay thuốc điều trị bệnh tâm thần. Trẻ từng có tiền sử bị bệnh liên quan tới nắng nóng.

Theo các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương, để phòng bệnh cho trẻ trong thời điểm nắng nóng, các bậc phụ huynh cần tham khảo dự báo thời tiết để lập kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời của trẻ.

Đội mũ rộng vành cho trẻ, mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, sáng màu, bôi kem chống nắng 30 phút trước khi ra đường. Tránh những nơi nắng gắt, không đứng trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hay đứng ở nơi đông người.

Trẻ cần uống đủ nước, dùng các loại dịch không gây lợi tiểu, ví dụ nước lọc, tránh các loại nước có cồn vì chúng càng làm gia tăng tình trạng mất nước. Khi hoạt động thể lực trong môi trường nóng bức, trẻ có thể uống 0,5-1 lít nước mát mỗi giờ.

Các bác sỹ lưu ý quạt máy có thể khiến trẻ thấy bớt nóng, nhưng khi nhiệt độ môi trường lên quá cao, quạt sẽ không giúp phòng ngừa bệnh do nắng nóng. Quạt máy đẩy không khí chạy quanh nhưng không làm nguội không khí (quạt phát huy tác dụng nhiều hơn nếu được đặt gần cửa sổ để mở). Tắm nước mát hoặc chuyển trẻ vào nơi có điều hòa sẽ giúp trẻ hạ thân nhiệt hiệu quả hơn nhiều. Ở trong phòng có điều hòa vài giờ mỗi ngày cũng giúp làm giảm nguy cơ bị bệnh do nắng nóng./.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Đề phòng sốc nhiệt do nắng nóng
 
Theo Vietnamplus
Bình luận
Tin mới
  • 27/07/2024

    Ảo giác và chóng mặt trong bệnh đa xơ cứng

    Bệnh đa xơ cứng (MS) là một bệnh miễn dịch mãn tính ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Một số người có thể bị ảo giác, choáng váng hoặc chóng mặt.

  • 27/07/2024

    9 lời khuyên vàng khi chăm sóc da cho bé

    Trẻ nhỏ có làn da rất mềm mại và mỏng manh. Vì vậy, các bé có thể gặp phải nhiều vấn đề và bệnh lý về da. Cùng tham khảo một vài gợi ý cũng như lời khuyên hữu ích dưới đây để chăm sóc và bảo vệ làn da nhạy cảm của em bé nhà bạn.

  • 26/07/2024

    Hiện tượng co giật cơ có thể là dấu hiệu bạn đang thiếu chất

    Hầu hết mọi người đều trải qua tình trạng co giật cơ ở bắp thịt trên tay, chân, vai, mi mắt, lưng, cơ mặt một vài lần trong đời. Biểu hiện này có thể là dấu hiệu cơ thể đang thiếu một số vitamin, khoáng chất thiết yếu.

  • 26/07/2024

    Cách làm màu thực phẩm tự nhiên

    Màu thực phẩm tự nhiên là một cách tuyệt vời để thêm màu sắc vào công thức nấu ăn bằng cách sử dụng các nguyên liệu đã có sẵn trong tủ đựng thức ăn, giá đựng gia vị hoặc rau củ trong nhà. Màu thực phẩm tự nhiên được coi là sự thay thế lành mạnh hơn cho màu thực phẩm nhân tạo vì nó có nguồn gốc từ thực vật hoặc động vật và không chứa các hóa chất độc hại mà màu nhân tạo có thể có.

  • 26/07/2024

    6 bài tập cải thiện cơ bắp toàn thân không cần dụng cụ

    Sử dụng chính trọng lượng cơ thể mình, bạn có thể rèn luyện cơ bắp toàn thân với 6 bài tập thể dục không cần có thêm dụng cụ hỗ trợ.

  • 26/07/2024

    Tổng kết Khóa đào tạo "Chăm sóc và theo dõi sức khỏe cơ bản tại nhà"

    Khóa đào tạo "Chăm sóc và theo dõi sức khỏe cơ bản tại nhà" do Trung tâm Đào tạo Y học ứng dụng - Viện Y học ứng dụng Việt Nam phối hợp cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Vesta-B Việt Nam tổ chức từ ngày 12 - 13/6/ đã kết thúc tốt đẹp

  • 26/07/2024

    Lý do khiến cân nặng của bạn thay đổi trong ngày

    Cân nặng của chúng ta khi cân vào buổi sáng sẽ không giống với khi cân vào buổi tối. Vậy đâu mới là cân nặng chính xác của chúng ta? Hãy cùng Viện Y học ứng dụng Việt Nam tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

  • 26/07/2024

    5 mẹo đơn giản để ngủ nhanh và ngon hơn

    Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Một giấc ngủ ngon sẽ giúp bạn có một ngày mới tràn đầy năng lượng và làm việc hiệu quả hơn.

Xem thêm