Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Giải pháp cho vấn đề rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng khá phổ biến ở người cao tuổi. Tình trạng này có thể dẫn đến các mối lo ngại về sức khỏe, như tăng nguy cơ té ngã hoặc mệt mỏi vào ban ngày.

Khi bạn lớn tuổi, các thói quen ngủ sẽ thay đổi. Người cao tuổi có thể sẽ:

  • Gặp khó khăn hơn khi chìm vào giấc ngủ
  • Ngủ ít hơn
  • Thường xuyên thức dậy vào nửa đêm hoặc gần sáng
  • Chất lượng giấc ngủ giảm đi.

Nguyên nhân của các rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi

Các rối loạn giấc ngủ nguyên phát

Các rối loạn giấc ngủ nguyên phát nghĩa là không có nguyên nhân nào khác về sức khỏe hay tâm lý dẫn đến tình trạng này. Các rối loạn giấc ngủ nguyên phát bao gồm:

  • Mất ngủ, hoặc khó chìm vào giấc ngủ, thao thức, ngủ không yên
  • Chứng ngưng thở khi ngủ
  • Hội chứng chân không yên khi ngủ 
  • Rối loạn chuyển động các chi có chu kỳ, hay còn gọi là chuyển động không tự chủ của chi trong khi ngủ
  • Rối loạn nhịp sinh học của giấc ngủ
  • Rối loạn hành vi REM hay các giấc mơ sinh động trong khi ngủ

Mất ngủ vừa là triệu chứng vừa là một rối loạn. Các bệnh như trầm cảm, lo âu và mất trí có thể làm tăng nguy cơ mắc phải các rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là mất ngủ

Nguy cơ bệnh tật

Một nghiên cứu về rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi Singapore cho biết, những người gặp vấn đề khi ngủ sẽ có nguy cơ mắc một số bệnh cao hơn và ít vận động hơn. Những bệnh này bao gồm:

  • Bệnh Parkinson
  • Bệnh Alzheimer
  • Các tình trạng đau mạn tính, như đau khớp
  • Bệnh tim mạch
  • Các bệnh về thần kinh
  • Bệnh tiêu hóa
  • Bệnh về phổi hoặc hô hấp
  • Kiểm soát bàng quang kém

Các loại thuốc

Rất nhiều người cao tuổi đang sử dụng các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu, dùng để điều trị tăng huyết áp hoặc tăng nhãn áp
  • Thuốc kháng cholinergic, để điều trị những bệnh như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD
  • Thuốc hạ huyết áp
  • Corticosteroid (như Prednisone) trong điều trị viêm khớp dạng thấp
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc kháng H2 để điều trị trào ngược dạ dày thực quản hoặc loét dạ dày
  • Levodopa trong điều trị bệnh Parkinson
  • Thuốc tác dụng lên hệ giao cảm để điều trị các bệnh nguy hiểm tính mạng như lên cơn hen cấp hoặc ngừng tim

Các chất thông thường

Caffein, rượu, thuốc lá cũng có thể dẫn đến các vấn đề về giấc ngủ.

Trị liệu hỗ trợ các rối loạn giấc ngủ như thế nào?

Với người cao tuổi, thông thường, việc sử dụng các biện pháp không dùng thuốc sẽ được khuyến nghị, ví dụ như trị liệu hành vi. Nguyên nhân là bởi bản thân người cao tuổi vốn đã phải sử dụng rất nhiều loại thuốc rồi.

Trị liệu có thể diễn ra trong vòng 6 tuần hoặc lâu hơn, bao gồm giáo dục về giấc ngủ, kiểm soát các kích thích và hạn chế thời gian ở trên giường.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trị liệu về nhận thức hành vi có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ ở người bị mất ngủ. Biện pháp trị liệu này nhắm đến chất lượng giấc ngủ nhiều hơn là việc chìm vào giấc ngủ.

Bạn có thể hình thành các thói quen tốt khi ngủ như:

  • Đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày
  • Chỉ sử dụng giường để ngủ và quan hệ tình dục, không dùng giường trong các hoạt động khác, ví dụ như làm việc
  • Thực hiện các hoạt động yên lặc, như đọc sách, trước giờ đi ngủ
  • Tránh sử dụng ánh đèn sáng trước khi đi ngủ
  • Giữ môi trường phòng ngủ êm dịu và thoải mái
  • Tránh nghỉ ngơi quá nhiều vào ban ngày

Nếu bạn không thể ngủ được trong vòng 20 phút, bạn nên thử đứng dây và làm việc gì đó trước khi quay lại giường ngủ. Cố ép bản thân đi ngủ đôi khi sẽ làm việc đi ngủ trở nên khó khăn hơn.

Một nghiên cứu về việc kiểm soát các rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi cũng chỉ ra rằng bạn nên:

  • Hạn chế uống nước trước khi đi ngủ
  • Tránh sử dụng đồ uống có cồn và caffein khi gần đến giờ đi ngủ
  • Ăn trước khi đi ngủ từ 3-4 tiếng
  • Thường xuyên luyện tập thể thao, nhưng không nên luyện tập ngay trước giờ đi ngủ
  • Tắm nước ấm để thư giãn

Nếu những thói quen này không giúp bạn ngủ ngon hơn, bác sỹ có thể sẽ kê một vài loại thuốc.

Loại thuốc nào sẽ hỗ trợ các rối loạn giấc ngủ?

Nếu bạn mắc các bệnh gây cản trở giấc ngủ, bác sỹ có thể sẽ kê cho bạn một vài loại thuốc. Và bạn nên nhớ rằng, thuốc không thể thay thế được những thói quen tốt khi ngủ.

Melatonin

Melatonin là một loại hormone tổng hợp, giúp bạn buồn ngủ nhanh hơn và bảo tồn được nhịp sinh học của giấc ngủ. Mayo Clinic khuyến cáo rằng sử dụng melatonin 0.1 - 5 mg cách 2 giờ trước khi đi ngủ trong vòng vài tháng nếu bạn bị mất ngủ. Nhưng melatonin sẽ không cải thiện được chất lượng giấc ngủ của bạn.

Thuốc ngủ và những tác dụng phụ

Thuốc ngủ có thể sẽ làm giảm các triệu chứng của rối loạn giấc ngủ, đặc biệt có thể hỗ trợ cho các thói quen ngủ tốt. Bác sỹ có thể sẽ cho bạn biết loại thuốc nào là thích hợp nhất cho bạn và bạn nên uống trong vòng bao lâu, phụ thuộc vào nguyên nhân mất ngủ của bạn.

Bạn chỉ nên sử dụng thuốc ngủ trong thời gian ngắn (dưới 2-3 tuần với các thuốc ngủ nhóm benzodiazepine) và chỉ dùng trong vòng 6- 8 tuần với các thuốc không phải nhóm benzodiazepine.

Lợi ích của thuốc ngủ:

  • Giúp hình thành lại nhịp sinh học của giấc ngủ nếu sử dụng trong thời gian ngắn
  • Có ích nếu bạn muốn có một giấc ngủ ngon
  • Có thể có ít triệu chứng phụ thuộc thuốc nếu sử dụng đúng cách

Nguy cơ khi sử dụng thuốc ngủ:

  • Làm tăng khả năng té ngã
  • Một số nguy cơ liên quan đến buồn ngủ, ví dụ như buồn ngủ khi đang lái xe
  • Sử dụng trong thời gian dài có thể sẽ gây phụ thuộc thuốc

Sử dụng thuốc ngủ trong thời gian dài có thể gây ra các biến chứng, đặc biệt là ở người cao tuổi. Các phản ứng phụ phổ biến của thuốc ngủ bao gồm:

  • Đau đầu
  • Chóng mặt
  • Buồn nôn
  • Mệt mỏi
  • Buồn ngủ

Bạn cũng nên tránh sử dụng đồ uống có cồn khi đang uống thuốc ngủ

Các biện pháp điều trị khác

Các biện pháp điều trị khác bao gồm:

  • Sử dụng máy áp lực dương liên tục (CPAP) để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ
  • Thuốc chống trầm cảm để điều trị chứng mất ngủ
  • Dopamine để điều trị chứng chân không yên khi ngủ và rối loạn chuyển động chi có chu kỳ
  • Trị liệu thay thế sắt để điều trị chứng chân không yên khi ngủ.

Lưu ý

Ở người cao tuổi, rối loạn giấc ngủ tiếp diễn sẽ dẫn đến những vấn đề đáng lo ngại hơn như trầm cảm và nguy cơ té ngã. Nếu chất lượng giấc ngủ là vấn đề, thì việc trị liệu hành vi có thể sẽ giúp ích. Nếu trị liệu hành vi không hiệu quả với bạn, bác sỹ có thể kê một số loại thuốc hoặc phương pháp điều trị khác. Tuy nhiên, thuốc ngủ không phải là một giải pháp lâu dài. Cách tốt nhất để có một giấc ngủ ngon là kiểm soát các thói quen ngủ của bạn.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Tại sao bạn luôn thức dậy để đi tiểu mỗi đêm?

Bình luận
Tin mới
Xem thêm