Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Ung thư tụy: Tiên lượng bệnh và cách phòng ngừa

Ung thư tuyến tụy là bệnh nguy hiểm, khó chẩn đoán sớm do tụy nằm rất sâu trong ổ bụng, triệu chứng giai đoạn sớm thường rất mơ hồ. Chính vì vậy, việc nỗ lực để phát hiện bệnh sớm và giảm nguy cơ mắc ung thư là rất quan trọng.

1. Ung thư tụy thường chẩn đoán ở giai đoạn muộn với tiên lượng xấu

Theo thống kê của WHO, ung thư tụy chỉ đứng thứ 14 về tỉ lệ nhưng lại đứng hàng thứ 7 về tỉ lệ tử vong do ung thư. Điều này cho thấy tiên lượng của ung thư tụy rất xấu, trên thực tế tỉ lệ sống trung bình sau 5 năm của ung thư tụy chỉ khoảng 9.3%.

Lý do khiến ung thư tụy có tiên lượng xấu so với ung thư tiêu hóa khác là bởi tụy có vị trí đặc biệt ở rất sâu trong ổ bụng, triệu chứng lâm sàng nghèo nàn lại dễ nhầm với bệnh khác nên người bệnh thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.

Theo nghiên cứu, tại Mỹ, chỉ 10% bệnh nhân ung thư tụy được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, trong khi đó 53% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn IV khi đã có di căn xa.

Mặc dù gần đây đã có những tiến bộ trong điều trị phẫu thuật và nội khoa ung thư tuyến tụy, tiên lượng bệnh vẫn còn tương đối kém. Đối với những bệnh nhân có khối ung thư tụy đã được loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật, tỷ lệ sống còn 5 năm là 20-30%.

Tại thời điểm phẫu thuật, nếu các hạch bạch huyết được phát hiện có chứa tế bào ung thư, tỷ lệ sống 5 năm giảm xuống chỉ còn 10%. Việc bổ sung hóa trị liệu sau phẫu thuật cắt bỏ ung thư tuyến tụy có khả năng tăng tỷ lệ sống còn trong 5 năm, nhưng chỉ được khoảng 10%.

Đối với những bệnh nhân ung thư tuyến tụy tiến triển tại chỗ, tỷ lệ sống còn quá 3 năm là rất hiếm. Đối với những bệnh nhân ung thư tụy đã có di căn cùng các triệu chứng sụt cân và đau, cơ hội sống sót được 1 năm là dưới 20% cho những người được hóa trị và dưới 5% cho những người chọn lựa không nhận hóa trị.

Ung thư tụy đứng hàng thứ 7 về tỉ lệ tử vong do ung thư.

2. Các giai đoạn ung thư tụy và tiến triển

Ung thư tụy có tiên lượng không tốt vì có nhiều lý do nhưng chủ yếu là do phần lớn các bệnh nhân không thể phẫu thuật được tại thời điểm chẩn đoán và các phương pháp điều trị hiện nay chưa tỏ ra có hiệu quả.

Ung thư tụy được chia thành 4 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Là giai đoạn cắt bỏ được khi đó u còn khu trú chưa xâm lấn ra ngoài tụy, chưa chèn ép cuống gan, có thể phẫu thuật cắt u hoặc cắt khối tá tụy.

- Giai đoạn 2: Là giai đoạn có thể cắt bỏ, khi đó u còn khu trú trong tụy, chèn ép cuống gan gây ra một số các biến chứng nhưng vẫn còn khả năng phẫu thuật.

- Giai đoạn 3: Là giai đoạn điều trị hỗ trợ không thể cắt bỏ, khi đó u xâm lấn ra ngoài tụy, chèn ép các cuống gan gây biến chứng, di căn hạch.

- Giai đoạn 4: Là giai đoạn di căn khi đó không còn khả năng điều trị đặc hiệu, chỉ định chăm sóc giảm nhẹ.

Tụy là cơ quan nằm sâu trong ổ bụng, chính vì thế việc chẩn đoán cũng rất khó khăn, chủ yếu. dựa vào một số dấu hiệu lâm sàng như đau vùng thượng vị, đôi khi có thể sờ thấy u trên bụng (trong trường hợp kích thước u quá lớn).

Nếu u chèn ép vào cuống gan, có thể thấy vàng da do tắc mật. Bệnh nhân thường gày sút suy kiệt, chán ăn, nôn, buồn nôn…

Khi người bệnh có các triệu chứng nghi ngờ các bác sỹ chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng: các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để phát hiện u tụy như siêu âm, chụp CT ổ bụng, chụp PET/CT…

Ngoài ra còn có thể phát hiện được các dấu hiệu chèn ép như giãn đường mật và tình trạng di căn hạch ổ bụng. Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u sẽ phát hiện ra tổn thương tại tụy. Tuy nhiên chẩn đoán xác định bằng mô bệnh học vẫn rất cần thiết. Có thể xác định mô bệnh học bằng cách sinh thiết kim dưới hướng dẫn của siêu âm, CT hoặc thông qua bệnh phẩm sau phẫu thuật.

3. Cần khám sức khỏe định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ không thể tầm soát được tất cả, bởi ung thư tụy đứng hàng thứ 8, thứ 9 trong bẳng xếp hạng các bệnh lý về ung thư. Thông thường, bệnh nhân khi đi khám, bác sỹ sẽ khai thác tiền sử bệnh lý, các triệu chứng lâm sàng và căn cứ vào đó để lên kế hoạch tầm soát, phát hiện các bệnh lý ung thư có liên quan.

Tầm soát ung thư tụy, chỉ cần chụp CT-scan có cản quang và kèm theo một số xét nghiệm máu cần thiết. Tuy nhiên, chỉ có thể chẩn đoán chính xác khi có giải phẫu bệnh lý, nghĩa là có kết quả về tế bào học thì mới chẩn đoán chính xác được là ung thư tụy hay không.

Tuy nhiên, khám sức khỏe định kỳ hàng năm vẫn có giá trị phát hiện sớm ra những bất thường. Khi đó, nếu nghi ngờ, các bác sỹ sẽ chỉ định khám chuyên sâu tiếp theo để phát hiện sớm các bệnh hiểm nghèo nếu có. Khuyến cáo áp dụng cho những người từ 50-80 tuổi có tiền sử hút thuốc 20 gói mỗi năm và những người hiện đang hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc trong vòng 15 năm qua.

Ngoài ra, khi có các biểu hiện nghi ngờ như: Đau bụng, vàng da, nước tiểu sẫm màu, đi ngoài sống phân, suy nhược, sụt cân, chán ăn, nôn, tiêu chảy,… cần tới cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám và tư vấn cụ thể.

4. Biện pháp phòng ngừa nguy cơ ung thư tuyến tụy

Ung thư tuyến tụy rất nguy hiểm, đến khi bệnh nhân phát triệu chứng thì có thể đã quá muộn. Đó là lý do tại sao các nỗ lực để giảm nguy cơ mắc ung thư là rất quan trọng.

Để phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy cần bỏ các yếu tố nguy cơ trong đó bỏ thói quen xấu bao gồm:

  • Không hút thuốc lá

  • Duy trì cân nặng hợp lý bằng cách ăn uống khoa học

  • Luyện tập thể dục đều đặn

  • Tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại… cũng là cách phòng ngừa ung thư tuyến tụy hiệu quả.

Ngoài ra, viêm tụy, đái tháo đường cũng là một trong số những yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư tụy. Do đó nếu có tiền sử bệnh đái tháo đường, viêm tụy cấp hoặc viêm tụy mạn tính,.. nên thăm khám theo dõi tầm soát định kỳ theo lời khuyên của bác sỹ.

Tham khảo thêm thông tin bài viết: Tiểu đường có thể là dấu hiệu của ung thư tụy.

BS.CK2 Nguyễn Ngọc - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
Xem thêm