Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Lợi ích tuyệt vời của tinh dầu bạc hà đối với sức khỏe

Bạc hà còn nhiều điều thú vị hơn là hương vị mà nó mang lại. Trên thực tế, những ứng dụng trong mỹ phẩm cũng như công dụng hỗ trợ tiêu hóa và kháng khuẩn là những lợi ích vô cùng tuyệt vời của tinh dầu bạc hà.

Lợi ích tuyệt vời của tinh dầu bạc hà 

Chúng ta đã quen thuộc với hương vị thanh mát nhẹ nhàng của tinh dầu bạc hà. Vị bạc hà được sử dụng khá phổ biến trong nhiều loại thực phẩm và sản phẩm dùng hàng ngày như bánh kẹo, đồ uống hay kem đánh răng.

Lịch sử của cây bạc hà

Bạc hà (mentha pepperita) trên thực tế là một giống cây lai giữa cây bạc hà nước và bạc hà lục. Bạc hà có thể phát triển ở hầu hết các vùng, nhất là khu vực châu Âu và Bắc Mỹ. Bạc hà đã được sử dụng từ rất lâu đời trong y học cổ truyền để giảm đau. Ngoài ra, tác dụng kích thích tiêu hóa và kháng khuẩn đã được nghiên cứu  khá nhiều và khẳng định trong các công trình y học hiện đại.

Dưới đây là một số lợi ích của loài thực vật quen thuộc nhưng vô cùng tuyệt vời này.

Giảm buồn nôn và hỗ trợ tiêu hóa

Bạc hà có thể giúp cải thiện một số chứng bệnh về tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích (IBS). Hội chứng ruột kích thích thường gây ra đau rút bụng, đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng những bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích nhận thấy các triệu chứng giảm đáng kể khi sử dụng tinh dầu bạc hà.

Bạc hà cũng được biết đến với tác dụng giảm buồn nôn. Khi cơn buồn nôn bất chợt xuất hiện (hoặc nếu bạn bị chứng ốm nghén khi mang thai), hít một hơi thật sâu chiết xuất tinh dầu bạc hà có thể giúp giảm triệu chứng này khá hiệu quả. Nếu vẫn không có tác dụng thì một chén trà bạc hà nóng có thể giúp ổn định các vấn đề tiêu hóa của bạn một cách nhanh chóng.

Mang lại sức sống cho mái tóc

Tinh dầu bạc hà là một thành phần được sử dụng trong nhiều loại dầu gội do mùi thơm thanh mát và đặc tính làm dịu của nó. Bôi tinh dầu bạc hà lên tóc sẽ mang lại cảm giác sảng khoái cho da đầu, làm giảm gàu và tăng cường lưu thông máu đến khu vực này. Một số người còn tin rằng tinh dầu bạc hà giúp kích thích quá trình mọc tóc.

Bên cạnh việc làm sạch các tế bào chết trên da đầu, tinh dầu bạc hà cũng bám vào các nang tóc, mang lại cho mái tóc một vẻ ngoài óng mượt và đầy sức sống và hương thơm vô cùng tươi mát, dễ chịu.

Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh bạc hà có thể được sử dụng để thay thế khá hiệu quả cho các chất kích thích mọc tóc. Thậm chí nó còn an toàn hơn và tốt cho sức khỏe hơn hẳn bởi không có chứa các thành phần gây ung thư hay các chất độc được tìm thấy trong các sản phẩm kích thích mọc tóc tổng hợp.

Hỗ trợ hô hấp

Thành phần menthol trong bạc hà giúp làm thông thoáng các đường dẫn khí. Nó cũng đồng thời giúp làm lỏng dịch tiết từ niêm mạc hô hấp và phá vỡ chất nhầy trong đường dẫn khí khi bị viêm. Ngoài ra, nó cũng hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng của dị ứng bởi các tác nhân trong không khí.

Xét riêng về thành phần menthol trong tinh dầu bạc hà, nó giúp nam giới hoạt động hiệu quả hơn hẳn theo một nghiên cứu nhỏ trong một trường đại học.

Đẩy nhanh quá trình lành vết thương

Đặc tính làm mát của tinh dầu bạc hà mang lại cảm giác dịu nhẹ vô cùng dễ chịu. Nó có thể làm giảm độc tính khi bị nhiễm độc từ cây thường xuân, cây sồi độc hoặc giảm chứng mày đay.

Tinh dầu bạc hà cũng đồng thời trị vết côn trùng cắn vô cùng hiệu quả. Bôi một chút tinh dầu lên vết cắn giúp làm dịu và làm mát vùng da bị tổn thương và khiến chúng ta đỡ bị ngứa hơn.

Tăng cường sức khỏe răng miệng

Bạn có thể đã từng biết đến hay thậm chí sử dụng nhứng loại kem đánh răng hoặc nước súc miệng lưu lại cảm giác thơm mát trong miệng. Tuy nhiên, việc bổ sung tinh dầu bạc hà vào các sản phẩm này không chỉ đơn thuần là để tạo ra mùi hương thơm mát cho răng miệng. Thành phần trong tinh dầu bạc hà đã được chứng minh có khả năng tiêu diệt các loại vi khuẩn có hại tích tụ trong răng, nướu và thành miệng gây ra rất nhiều các bệnh về răng miệng như sâu răng, viêm lợi, hôi mồm…

Các sản phẩm

Lá bạc hà

Nếu bạn đã từng thưởng thức bất kỳ loại đồ uống nào được trang trí bằng lá bạc hà tươi, bạn có thể để ý rằng vị thực sự của lá bạc hà có chút phảng phất hương thơm và hơi đắng. Lá bạc hà có thể được sử dụng để nhai tươi hoặc dùng làm đồ trang trí trên nhiều loại đồ uống hoặc món ăn. Ngoài ra, lá bạc hà cũng thường được làm khô và chế biến thành một loại trà.

Tinh dầu bạc hà

Tinh dầu bạc hà được sử dụng ngày càng phổ biến trong cuộc sống ngày nay. Chúng ta có thể dễ dàng mua được chiết xuất tinh dầu bạc hà tinh khiết ở các cửa hàng. Mặc dù cần thiết phải xác định cụ thể lượng tinh dầu sử dụng, tuy nhiên các sản phẩm tinh dầu bạc hà tinh khiết có vẻ như là một biện pháp vô cùng hữu hiệu giúp chúng ta tận hưởng được những lợi ích của bạc hà.

Viên nang

Viên nang chứa tinh dầu bạc hà rất sẵn có trên thị trường và được sử dụng như một liệu pháp thảo dược để điều trị các vấn đề về tiêu hóa.

Tác dụng không mong muốn

Do có chứa menthol nên sử dụng quá nhiều tinh dầu bạc hà có thể gây ra một số vấn đề về hô hấp. Không nên bôi tinh dầu bạc hà xung quanh ngực hoặc khu vực gần mũi đối với trẻ em dưới 2 tuổi.

Mặc dù hiếm gặp nhưng bạn vẫn có thể bị sử dụng quá liều tinh dầu bạc hà. Liều lượng an toàn trong sử dụng tinh dầu bạc hà dao động tùy theo từng cá nhân và phương thức sử dụng. Ví dụ như uống một lượng lớn trà bạc hà có thể không vấn đề gì. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều tinh chất bạc hà (chiết xuất từ lá và dầu trong dung dịch có cồn) thì không hề được khuyến cáo.

Một số người bị dị ứng với menthol. Do vậy, nếu bạn đang cân nhắc về việc sử dụng các sản phẩm từ bạc hà thì hãy chắc chắn rằng mình không bị dị ứng với nó.

Thông tin thêm tham khảo tại bài viết:Lợi ích của viên nang dầu bạc hà tan trong ruột 

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Healthline
Bình luận
Tin mới
  • 19/04/2024

    Đưa con đến viện ngay nếu con có dấu hiệu này khi mắc cúm B

    Cúm B là một loại cúm mùa do virus, thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Phần lớn khi trẻ mắc cúm B nhẹ sẽ tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Nếu trẻ mắc cúm B có các dấu hiệu nguy hiểm dưới đây, cha mẹ cần đưa con đến viện ngay để điều trị.

  • 19/04/2024

    5 bệnh tự miễn thường gặp mà bạn cần biết

    Hệ thống miễn dịch của chúng ta có vai trò chính là nhận diện và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus và nấm. Tuy nhiên, đôi khi, các thành phần của hệ thống miễn dịch lại nhầm lẫn phản ứng với các protein trong cơ thể và gây ra các bệnh tự miễn.

  • 19/04/2024

    Tìm hiểu về các rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng ở trẻ em

    Các rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là một vấn đề phổ biến mà nhiều gia đình phải đối mặt. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ, nguyên nhân và cách điều trị.

  • 19/04/2024

    Vì sao không nên uống trà khi ăn thực phẩm giàu sắt?

    Trà không chỉ là thức uống giải khát mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, kết hợp trà vào chế độ ăn uống không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt của cơ thể, đặc biệt ở người bị thiếu máu do thiếu sắt.

  • 19/04/2024

    Những điều cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ em

    Viêm phổi là một trong những bệnh lý đường hô hấp nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như ho, sốt, khó thở mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

  • 18/04/2024

    Tại sao bạn hay cảm thấy buồn ngủ quá mức?

    Buồn ngủ quá mức là gì và tại sao bạn lại gặp phải tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/04/2024

    6 thực phẩm trong chế độ ăn giúp giảm nguy cơ ung thư

    Ung thư có thể phòng ngừa nhờ điều chỉnh lối sống với những thói quen tốt cho sức khỏe như ăn uống lành mạnh. Một số thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng có thể hỗ trợ giảm nguy cơ mắc ung thư.

  • 18/04/2024

    Vì sao không nên tập thể dục khi vẫn còn lớp trang điểm?

    Makeup đã trở thành thói quen hàng ngày của nhiều chị em. Nhiều người thậm chí cả đi tập thể dục cũng không quên trang điểm. Tuy nhiên, việc này có thể gây hại cho da.

Xem thêm