Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Có NÊN nhuộm tóc khi đang mang thai?

Mang thai là giai đoạn mà cơ thể bạn trải qua rất nhiều thay đổi do sự phát triển của em bé trong bụng. Những niềm vui vì em bé lớn lên từng ngày đi kèm với mệt mỏi do tăng cân, ốm nghén... Đôi lúc bạn cần một chút thay đổi để tâm trạng khá hơn. Nhuộn tóc chăng?

Có NÊN nhuộm tóc khi đang mang thai?

Một kiểu tóc mới với một màu tóc thời trang có thể sẽ cải thiện tâm trạng tồi tệ của bạn. Nhưng rồi bạn lại băn khoăn: hình như các loại thuốc nhuộm tóc có chứa các chất hóa học độc hại, em bé trong bụng có bị phơi nhiễm với các chất độc hại đó không?

Sự lo ngại của bạn là hoàn toàn có lý. Dưới đây là những thông tin sẽ giúp ích cho bạn đưa ra quyết định xem liệu có nên nhuộm tóc khi mang thai hay không.

Thuốc nhuộm tóc và mang thai

Khi sắp trở thành mẹ, bạn sẽ bị quá tải với hàng loạt thông tin về những gì nên làm và không nên làm để có một thai kỳ khỏe mạnh. Mọi việc bạn làm, mọi thứ bạn ăn đều có vẻ như sẽ ảnh hưởng đến em bé ở trong bụng. Ví dụ, việc phơi nhiễm với chì ở nồng độ cao có thể gây ra các vấn đề như sinh non, cân nặng sơ sinh thấp và sảy thai. Và nếu bạn ăn quá nhiều cá có chứa thủy ngân trong khi mang thai, thì em bé trong bụng có thể sẽ gặp phải các vấn đề về hệ thần kinh. 

Thậm chí kể cả khi bạn biết được phải hạn chế tiếp xúc với các loại chất độc hóa học trong khi mang thai, thì có thể bạn vẫn còn níu kéo một chút hy vọng rằng, biết đâu thuốc nhuộm tóc không độc hại đến mức bị xếp vào danh sách các chất độc cần hạn chế tiếp xúc khi có bầu.

Tin tốt là, thuốc nhuộm tóc không phải là chất độc nguy hiểm, do vậy, việc nhuộm tóc khi đang mang thai được cho là an toàn, kể cả là nhuộm màu tạm thời trong một vài ngày hay nhuộm màu trong thời gian dài (nhuộm màu vĩnh viễn). Trong quá trình nhuộm tóc, một lượng nhỏ thuốc nhuộm có thể sẽ đi qua da. Mặc dù thuốc nhuộm có thể sẽ tiếp xúc với trán và da đầu của bạn, nhưng chỉ có một lượng nhỏ thuốc nhuộm sẽ được da hấp thụ. Và do chỉ có một lượng nhỏ, nên lượng chất hóa học này sẽ không đủ để gây ra bất cứ ảnh hưởng có hại nào lên em bé sắp chào đời.

Làm thế nào để nhuộm tóc an toàn trong thai kỳ

Nhìn chung, nhuộm tóc khi đang mang thai được coi là an toàn. Nhưng bạn vẫn nên thận trọng và có thể thực hiện những phương pháp sau để giảm tối đa nguy cơ gây hại với em bé trong bụng:

Hãy đợi đến 3 tháng giữa của thai kỳ

Tóc có thể mọc với tốc độ nhanh hơn trong khi bạn mang thai, do vậy, nếu bạn nhuộm tóc sớm trong khi mang thai, có thể bạn sẽ phải đi nhuộm chấm chân tóc nhiều lần hơn trong suốt thai kỳ. Do vậy, để giảm thiểu tối đa tác hại của thuốc nhuộm tóc lên em bé trong bụng, một số chuyên gia khuyên rằng bạn nên hạn chế nhuộm tóc trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ. Bạn chỉ nên nhuộm tóc khi bắt đầu bước vào 3 tháng giữa của thai kỳ. Vì trong 3 tháng đầu, em bé sẽ phát triển rất nhanh và sẽ phát triển rất nhiều cơ quan quan trọng, do vậy, việc có một môi trường an toàn tuyệt đối để em bé phát triển là vô cùng quan trọng.

Lựa chọn các phương pháp nhuộm tóc ít hại hơn

Thuốc nhuộm tóc được coi là an toàn nếu sử dụng trong khi mang thai, nhưng thận trọng thì vẫn tốt hơn. Nếu bạn vẫn lo ngại về các ảnh hưởng có hại của hóa chất có thể xảy ra, bạn có thể lựa chọn các cách làm tóc khác để giảm thiểu việc tiếp xúc với các chất hóa học. Ví dụ như, thay vì nhuộm màu cả mái tóc, bạn có thể nhuộm highlight một vài lọn tóc để tạo ra sự mới mẻ cho mái tóc của mình. Bạn cũng nên tránh để thuốc nhuộm tóc tiếp xúc trực tiếp với trán hoặc da đầu, như vậy sẽ hạn chế hấp thu vào trong cơ thể.

Lựa chọn màu nhuộm tóc an toàn

Màu nhuộm vĩnh viễn có thể sẽ đem lại màu tóc đẹp nhất, nhưng đó không phải là lựa chọn duy nhất mà bạn có. Để đảm bảo an toàn hơn khi mang thai, bạn có thể lựa chọn các sản phẩm nhuộm tóc có nguồn gốc tự nhiên, không chứa amoniac, không chứa chất tẩy hoặc các loại màu tạm thời. Màu nhuộm tạm thời có thể sẽ không giữ được lâu như màu nhuộm vĩnh viễn nhưng nó có thể làm giảm tối đa nguy cơ tiếp xúc với các chất độc và chất hóa học. Và việc này thì có thể sẽ giúp bạn bớt suy nghĩ và lo lắng hơn về quyết định nhuộm tóc khi đang mang thai.

Các cách khác làm giảm mức độ tiếp xúc với các chất hóa học

Lựa chọn loại thuốc nhuộm nhẹ, an toàn chỉ là một cách để bảo vệ em bé khỏi sự phơi nhiễm với các chất hóa học. Bạn cũng nên thận trọng hơn khi nhuộm tóc với các lưu ý sau đây:

Các loại thuốc nhuộm tóc có thể tạo ra hơi độc: đảm bảo rằng, bạn nhuộm tóc trong một môi trường thông thoáng và luôn mở cửa sổ để hạn chế lượng hơi độc mà bạn hít vào. Việc đeo găng tay khi nhuộm tóc cũng rất quan trọng, nếu bạn tự nhuộm tóc tại nhà. Đeo găng tay sẽ giúp bạn làm giảm lượng chất hóa học mà bạn chạm vào và giảm lượng chất hóa học mà da hấp thu vào trong cơ thể.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và không để thuốc nhuộm trên tóc lâu hơn khoảng thời gian được hướng dẫn. Sau khi nhuộm tóc xong, rửa sạch trán và da đầu để loại bỏ các phần thuốc dư thừa còn vương lại trên da.

Nếu bạn là một nhà tạo mẫu tóc, hay thợ làm tóc, việc hạn chế tiếp xúc với chất hóa học là rất khó khăn.  Nhưng vì tiếp xúc quá nhiều với các chất tẩy và các chất độc khi làm tóc có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai nên bạn càng nên thận trọng hơn khi nhuộm tóc cho khách hàng. Trong trường hợp này, bạn nên tuân thủ những nguyên tắc sau:

  • Thường xuyên thay găng tay bảo vệ
  • Không ăn, uống ở gần khu vực làm tóc cho khách
  • Đeo khẩu trang khi đang sử dụng các loại thuốc hóa học
  • Rửa sạch tồn dư của các loại thuốc nhuộm ở trên da bạn.
Lưu ý cho bạn

Nếu việc thay đổi màu tóc khiến tâm trạng của bạn khá hơn, thì hãy làm như vậy. Nhuộm tóc trong khi mang thai thường sẽ không gây hại gì cho em bé. Nhưng bạn cũng nên thận trọng và không nên nhuộm màu toàn bộ mái tóc ngay lập tức. Hãy thử nhuộm một vài lọn tóc trước để đảm bảo rằng bạn nhuộm đúng màu mà mình muốn. Sự thay đổi hormone trong khi mang thai có thể sẽ khiến tóc bạn phản ứng với thuốc nhuộm theo một cách khác so với bình thường.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Bí ẩn về đường nâu trên bụng khi mang thai

Bs.Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
Xem thêm