Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tìm hiểu về chuyển động của bé trong bụng mẹ

Khái niệm ”đạp”, “máy” của thai nhi rất khác nhau ở mỗi bé và trong từng thời điểm của thai kỳ. Mẹ bầu thử tìm hiểu xem bé chuyển động như thế nào trong bụng mẹ nhé.

Thai “máy”, “đạp” khi nào?
Thông thường, thai “máy” lần đầu trong tuần thai từ 16 tới 22. Nếu sinh con dạ, thai phụ có thể cảm nhận được thai “máy” sớm hơn. Sau khi cảm nhận được con đạp lần đầu tiên, bà mẹ không nhất thiết phải cảm nhận được sự di chuyển của con mỗi ngày, cho tới sau tuần 24.
Từ tuần thứ 24 trở đi, nếu không thấy con đạp mỗi ngày, đó là dấu hiệu đáng lo ngại, hãy hỏi ngay bác sĩ.
Số lần đạp của bé
Từ 28 tuần trở đi, bé thường đạp ít nhất 6 lần trong 1 giờ, liên tục cả ngày. Không nhất thiết giờ nào bé cũng phải đạp 6 lần, nhưng ít nhất phải đạp nhiều lần trong một giờ nào đó.
Nếu bé ngừng di chuyển, đó có thể là dấu hiệu bất thường. Có thể bé bị vướng vào dây rốn hoặc do mẹ có quá ít nước ối. Nếu không thấy bé di chuyển bình thường, hãy uống nước hoa quả và nằm nghỉ, nghiêng về phía bên trái trong vòng 1 giờ và chú ý tới hoạt động của con. Nếu không thấy 6 chuyển động rõ ràng hoặc 6 lần đạp trong giờ đó, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức. 
Bé “đạp” theo nhiều cách
Trẻ con có cá tính riêng, cá tính đó đôi khi hình thành ngay từ trong bụng mẹ. Có bé dường như ít đạp hơn 1 chút, có bé lại đạp liên tục không ngừng nghỉ trong bụng mẹ. Chỉ cần bé vẫn đạp bình thường hàng ngày có nghĩa là con bạn khỏe mạnh.
Mẹ có nhận biết được sự di chuyển của con hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một trong số đó là vị trí của nhau thai. Nếu nhau thai bám ở thành trước của tử cung, tạo ra một khoảng trống giữa mẹ và bé, khiến mẹ khó cảm nhận được sự di chuyển của bé thường xuyên. Đây cũng có thể là lý do các mẹ cảm nhận được con di chuyển rất sớm, nhưng lại khó cảm nhận về sau.
Cân nặng của mẹ cũng ảnh hưởng tới việc cảm nhận sự di chuyển. Mẹ thừa cân và nhiều mỡ bụng sẽ khó cảm nhận được sự di chuyển một cách rõ ràng.
Cá tính của bé có khi hình thành ngay từ trong bụng mẹ nên cách đạp của mỗi bé mỗi khác (Ảnh minh họa)
Bé đạp nhiều kiểu “kỳ lạ”
Có lúc bé di chuyển theo nhịp vài giây một lần giống như khi bị nấc. Mẹ có thể thấy bối rối khi cảm nhận thấy kiểu di chuyển này, nhưng thực ra điều đó là bình thường trong quá trình phát triển của bé, và là dấu hiệu đảm bảo bé vẫn khỏe.

Càng về những tháng sau của thai kỳ, thai nhi càng phát triển và bắt đầu thiếu không gian. Cường độ chuyển động có thể giảm, bé vẫn sẽ di chuyển nhiều, nhưng chỉ di chuyển nhẹ nhàng.

Trong 3 tháng cuối của thai kỳ, có lúc chuyển động của bé có thể khiến mẹ đau tới chảy nước mắt hay mất ngủ. Tuy nhiên, bé sẽ không cử động quá nhiều và mẹ cũng chẳng thể làm gì để bớt đau. Hãy coi đấy là niềm vui của việc làm mẹ trong khi chờ đón đứa con ra đời.

Thai kỳ ở mỗi phụ nữ là khác nhau, cử động của bé cũng vậy. Các mẹ không nên so sánh lần mang thai của mình với những lần trước hoặc so bì với các bà bầu khác, mà hãy nên biết rằng, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới cử động của con. Các mẹ chỉ nên quan tâm tới số lần đạp của con trong một ngày. Nếu con không đạp hoặc đạp quá ít thì nên gọi cho bác sĩ.

Thông tin thêm tham khảo tại bài viết: Những điều kì quặc xảy ra trong bụng bạn khi bạn mang thai

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Từ khóa:
Bình luận
Tin mới
Xem thêm