Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

5 dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo cơ thể bạn thiếu vitamin E nghiêm trọng

Nếu bạn đang thiếu vitamin E nghiêm trọng do chế độ ăn uống kém hoặc một tình trạng bệnh lý có từ trước, bạn có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe dưới đây.

Cơ thể cần vitamin E để hoạt động, làm cho nó trở thành một loại vitamin thiết yếu. Vitamin E là một loại vitamin hòa tan trong chất béo, có nghĩa là nó cần chất béo từ chế độ ăn uống để được hấp thụ đúng cách. Vitamin E chủ yếu được lưu trữ trong gan trước khi được giải phóng vào máu để sử dụng. Vitamin E có nhiều chức năng đối với cơ thể, bao gồm bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do, tăng cường hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa đông máu.

Mặc dù tình trạng thiếu vitamin E rất hiếm ở người lớn khỏe mạnh, nhưng tình trạng thiếu hụt vitamin E vẫn có thể xảy ra. Dưới đây là những dấu hiệu quan trọng để biết bạn có bị thiếu vitamin E hay không.

5 dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu vitamin E

Suy nhược cơ bắp

Nếu không có đủ vitamin E, các tế bào có thể bị căng thẳng oxy hóa, đó là khi cơ thể mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể bạn. Tình trạng căng thẳng oxy hóa này dẫn đến yếu cơ.

Các vấn đề về phối hợp

Thiếu hụt vitamin E có thể dẫn đến các tế bào thần kinh Purkinje trong não bị phá vỡ. Các tế bào thần kinh này đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp và kiểm soát chuyển động, khi các tế bào thần kinh này bị ảnh hưởng, sự phối hợp sẽ bị suy giảm. Yếu cơ và khó phối hợp là các triệu chứng thần kinh cho thấy hệ thống thần kinh trung ương và thần kinh ngoại vi bị tổn thương.

Tê và ngứa ran

Trong một số trường hợp, thiếu vitamin E có thể gây ra bệnh lý thần kinh ngoại biên, một tình trạng dẫn đến tê và ngứa ran - thường là ở bàn tay và bàn chân. Thiếu vitamin E làm hỏng các sợi thần kinh, có thể ngăn chúng truyền tín hiệu một cách chính xác gây ra hiện tượng tê và dị cảm.

Hệ thống miễn dịch suy giảm

Vitamin E giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể bằng cách hỗ trợ sự phát triển của tế bào T, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Một số nghiên cứu cho thấy rằng, thiếu vitamin E có thể ức chế các tế bào miễn dịch khiến hệ thống miễn dịch trở nên yếu đi, đặc biệt là với người cao tuổi.

Suy giảm thị lực

Sự thiếu hụt vitamin E có thể làm suy yếu các thụ thể ánh sáng trong võng mạc và các tế bào khác trong mắt. Điều này có thể dẫn đến nhìn mờ và mất thị lực theo thời gian.

Thiếu vitamin E có thể gây mất phương hướng và các vấn đề về thị lực ở người cao tuổi.

Ai dễ bị thiếu vitamin E?

Thiếu hụt vitamin E hiếm khi liên quan đến chế độ ăn uống và chủ yếu xảy ra ở những người có yếu tố di truyền hoặc các bệnh như bệnh Crohn, bệnh xơ nang,... khiến cơ thể không thể hấp thụ và tiêu hóa chất béo như bình thường.

Điều này là do vitamin E hòa tan trong chất béo. Cơ thể hấp thụ vitamin E theo cách nó hấp thụ chất béo, sau đó nó được lưu trữ trong mô mỡ và gan. Cơ thể cần chất béo để hấp thụ vitamin E một cách chính xác.

Thiếu vitamin E có thể dẫn đến các bệnh làm giảm nghiêm trọng sự hấp thụ chất béo như: bệnh tụy mạn tính, bệnh gan ứ mật, bệnh Celiac.

Sự thiếu hụt vitamin E cũng có thể gặp ở trẻ sinh non hoặc trẻ sơ sinh có trọng lượng thấp hơn và bị suy dinh dưỡng. Trẻ sinh non có nguy cơ cao bị thiếu loại vitamin này vì đường tiêu hóa chưa trưởng thành có thể cản trở sự hấp thụ chất béo và vitamin E. Thiếu vitamin E ở những trẻ này cũng có thể dẫn đến thiếu máu huyết tán, phá hủy hồng cầu.

Khi một người không có tiền sử bệnh di truyền nhưng gặp bất kỳ triệu chứng nào của sự thiếu hụt vitamin E, họ nên liên hệ với bác sĩ. Với xét nghiệm máu, bác sĩ có thể nhận định về mức độ vitamin E tổng thể của một người. Khi một người trưởng thành có ít hơn 4 mg/lít vitamin E trong máu thì được coi là thiếu vitamin E và cần được bổ sung. Mức bình thường nằm trong khoảng 5,5-17 miligam mỗi lít (mg/lít). Phạm vi bình thường có thể khác nhau đối với trẻ sinh non và trẻ em dưới 17 tuổi.

Hướng xử trí khi phát hiện thiếu vitamin E

Thiếu vitamin E rất hiếm gặp ở những người khỏe mạnh, nhưng nếu bạn có một trong những tình trạng đã nói ở trên và đang gặp các triệu chứng như yếu cơ, các vấn đề về phối hợp hoặc tê và ngứa ran, cần đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân và có hướng xử trí để giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Lượng vitamin E trong máu cực thấp có thể chỉ ra một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Kiểm tra thêm sẽ giúp xác định nguyên nhân và các lựa chọn điều trị. Bổ sung vitamin E thường có hiệu quả.

Trẻ sơ sinh và trẻ sinh non có thể được bổ sung vitamin E qua ống đặt trong dạ dày.

Đối với trẻ sinh non bị thiếu vitamin E, phương pháp hiện nay có thể cung cấp bổ sung vitamin E thông qua một ống trong dạ dày. Khi cần thiết, vitamin E cũng có thể được tiêm tĩnh mạch. Mặc dù một liều có thể đủ để làm tăng nồng độ vitamin E trong máu, nhưng cũng có khi cần nhiều liều. Điều trị này chỉ được thực hiện ở cơ sở y tế và do bác sĩ chuyên khoa đảm nhiệm.

Với trẻ em và người lớn bị thiếu vitamin E do tình trạng di truyền hoặc các bệnh khác cần được bổ sung vitamin E liều cao có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Khi sự thiếu hụt được phát hiện sớm, nó có thể ngăn ngừa các triệu chứng thần kinh.

Nếu cần thiết phải bố sung vitamin E, nên lưu ý chỉ cung cấp tối đa 15-20mg vitamin E mỗi ngày. Để tránh nhiễm độc vitamin E, bạn không nên tiêu thụ quá 1.000mg mỗi ngày. Mặc dù hiếm gặp nhưng ngộ độc vitamin E có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn và mệt mỏi. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong.

Khi được dùng dưới dạng thực phẩm bổ sung, vitamin E làm tăng nguy cơ chảy máu vì nó làm giảm khả năng đông máu. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo những người dùng vitamin E liều cao nên ngừng sử dụng 2 tuần trước khi thực hiện bất kỳ loại phẫu thuật nào hoặc làm răng.

Tham khảo thêm thông tin bài viết: Những điều bạn cần biết về độc tính của vitamin E.

Thiên Châu (Theo medicalnewstoday) - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
Xem thêm