Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Trẻ bị ho nên ăn gì và kiêng gì?

Ngoài việc dùng thuốc trị ho thì chế độ dinh dưỡng tốt cũng góp phần giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh. Cha mẹ có thể tham khảo bài viết dưới đây để cùng con vượt qua các cơn ho nhé!

1. Những điều mẹ cần biết khi trẻ bị ho

Khi trẻ bị ho, đa số các mẹ đều nghĩ rằng đây chính là dấu hiệu cảnh báo con sắp bị bệnh. Sau đó ép buộc trẻ phải ở trong nhà và sử dụng mọi cách để mong tình trạng này không diễn tiến thành bệnh.

Tuy nhiên, mẹ cũng nên biết, ho chính là một phản xạ tự nhiên có lợi cho cơ thể, giúp đường thở của con được thông thoáng, hít thở dễ dàng hơn. Cũng nhờ áp lực rất mạnh của luồng hơi khi ho mà đờm dãi, thậm chí mầm bệnh sẽ được tống xuất ra khỏi cơ thể trẻ. Do đó, ho không phải là một phản xạ có hại!

Thông thường, nếu mẹ thấy con ho dưới 4 tuần lễ (gọi là ho cấp tính), thường là do nhiễm trùng đường hô hấp thì không quá phải lo ngại.

Khi trẻ bị ho kéo dài, mẹ không nên chần chừ ở nhà tự điều trị, mà phải đưa bé đi bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Nhưng nếu trẻ ho kéo dài từ 4 tuần lễ trở lên, thì cần phải đưa tới bác sĩ thăm khám và làm xét nghiệm cần thiết để điều trị đúng nguyên nhân. Các xét nghiệm cơ bản thường được áp dụng, bao gồm:

- Chụp X-quang phổi: Giúp phát hiện xem trẻ có nhiễm trùng đường hô hấp, thậm chí lao, hay các bất thường khác không.

Đo chức năng hô hấp: Nguyên nhân thường gặp gây ho kéo dài ở trẻ chính là hen suyễn và không phải trường hợp nào bệnh nhân cũng biểu hiện bằng một cơn hen rõ ràng. Do đó, trong tình huống này cần phải đo chức năng hô hấp mới giúp phát hiện trẻ có bệnh hen suyễn hay không.

- Tầm soát lao: Theo khuyến cáo của Chương trình chống Lao Quốc gia, trong trường hợp ho kéo dài vẫn phải cảnh giác bệnh lao. Vì vậy, một số trường hợp các bác sĩ sẽ chỉ định tầm soát lao.

Ngoài ra, còn rất nhiều xét nghiệm khác nhau tùy theo tình huống mà sẽ chỉ định cho trẻ.

2. Trẻ bị ho nên ăn gì và tránh thực phẩm nào?

Trong tập quán dân gian hiện nay vẫn còn lưu truyền một số quan niệm rằng, khi trẻ bị ho thì cha mẹ tuyệt đối không được cho con ăn thịt gà, thịt bò, hải sản, xôi,… vì rất dễ làm tình trạng bệnh kéo dài và lâu khỏi hơn.

Tuy nhiên, theo TS. BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 điều này hoàn toàn không chính xác.

“Trên nguyên tắc chỉ khi nào trẻ bị dị ứng với một loại thức ăn nào đó thì mới cần kiêng cữ. Vì đã có nghiên cứu chứng minh rằng việc kiêng thịt bò, hải sản, thịt gà, trứng gà,… không giúp bệnh nhân mau bớt ho mà ngược lại, có bằng chứng rất chắc chắn rằng, nếu trẻ được ăn uống đầy đủ dưỡng chất (có trong thịt gà, hải sản) mang lại cho trẻ sức khỏe để vượt quan bệnh tật” - TS.BS Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Khi trẻ bị ho mẹ vẫn nên cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là tăng cường vitamin để giúp con khỏe mạnh hơn.

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng và cần thiết để trẻ có thể “chiến đấu” với những cơn ho gây khó chịu.

Chưa kể, việc bổ sung các sinh tố C (Vitamin C) cho trẻ trong những thời khắc này sẽ giúp trẻ tăng đề kháng, củng cố hàng rào miễn dịch, giúp bé yêu nhà bạn chiến thắng được những hại khuẩn. Sinh tố C được đánh giá là “dưỡng chất vàng” cho sự phát triển của trẻ nhỏ.

Chính vì thế, không phải chỉ khi trẻ bị bệnh mới cần được bổ sung sinh tố C mà cần bổ sung nó hàng ngày, đều đặn và có thể thông qua thực phẩm tự nhiên hay tổng hợp đều được.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Kỹ thuật súc rửa mũi khi bị cảm lạnh và dị ứng.

Theo alobacsi.com
Bình luận
Tin mới
Xem thêm