Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chung sống với chứng mất trí nhớ ở người già

Chứng mất trí nhớ ảnh hưởng toàn diện đến cuộc sống của bệnh nhân, cũng như gia đình họ. Nếu bạn đã được chẩn đoán bị mất trí nhớ, hoặc nếu bạn đang chăm sóc ai đó bị mất trí nhớ, thì những thông tin sau có thể giúp ích cho bạn.

Chung sống với chứng mất trí nhớ ở người già

Được chẩn đoán bị mất trí nhớ là một cú sốc ngay cả khi đã có những dấu hiệu khiến bạn nghi ngờ chính mình hay người thân bị bệnh. Nhưng không có lý do gì khiến những người mất trí nhớ từ bỏ mọi niềm vui và sở thích, thay vào đó, hãy cố gắng duy trì những hoạt động này và sống độc lập nhất có thể trong phạm vi an toàn.

Các biểu hiện của mất trí nhớ sẽ dần dần nặng lên theo thời gian. Tốc độ nhanh chậm ra sao phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng thể và đặc biệt là loại mất trí nhớ và biểu hiện cụ thể của người bệnh đó.

Theo thời gian, người bệnh sẽ mất dần những khả năng thực hiện các hoạt động và chức năng sống thường ngày như ăn, ngủ, tắm rửa, đi lại, làm việc nhà và kỹ năng tự chăm só bản thân... Do vậy, càng ngày họ sẽ càng cần sự giúp đỡ trong mọi hoạt động thường ngày và thậm chí cần sự chăm sóc tại nhà của nhân viên y tế khi bệnh trầm trọng.

Nếu bạn hay người thân bị bệnh, việc bạn cảm thấy lo lắng về tương lai là điều dễ hiểu và bình thường.

Chú ý lối sống lành mạnh của bản thân khi bị bệnh

Phong cách sống lành mạnh là quan trọng với tất cả mọi người, bao gồm cả người bị chứng mất trí nhớ, và cũng là cách hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Ăn uống đúng cách, duy trì cuộc sống như trước đó và tập thể dục đều đặn là cần thiết và quan trọng để phòng ngừa và giảm bớt mức độ trầm trọng của mất trí nhớ.

Thay đổi thói quen ăn uống là điều có thể gặp phải, đặc biệt là ở người bị mất trí nhớ vì họ sẽ gặp khó khăn trong việc diễn tả hoặc gọi tên món ăn họ muốn. Thêm nữa, trong thời gian muộn hơn, việc rối loạn cảm giác nhai, nuốt và chức năng tiêu hóa cũng sẽ khiến người bệnh rối loạn thói quen ăn uống trầm trọng hơn. Tất cả những thay đổi này có thể dẫn đến giảm cân hoặc suy dinh dưỡng trong thời gian dài.

Duy trì các mối quan hệ xã hội khi bạn bị bệnh

Bị mất trí nhớ hoặc có người thân bị mất trí nhớ dễ dàng làm cho bạn cảm thấy lạc lõng và tách biệt với người khác. Người bị mất trí nhớ nên giữ liên lạc với mọi người, vì điều này giúp họ trở nên tích cực và có nhiều mối liên kết hơn với cuộc sống xã hội. Nhiều người bệnh cảm thấy khó có thể chia sẻ về bệnh tình của họ hoặc người thân, hoặc có người muốn giúp đỡ những người mắc bệnh nhưng mà không biết phải làm như thế nào.

 
Nếu bạn bị bệnh, và bạn bè người thân chần chừ chưa tìm ra cách để nói chuyện với bạn, bạn hày là người chủ động và nói cho họ biết rằng bạn vẫn cần đến họ và nói cho họ biết họ có thể giúp bạn như thế nào.

Cũng sẽ rất hữu ích cho bạn khi tham gia vào những câu lạc bộ dành riêng cho người mắc bệnh và gia đình có người mắc bệnh. Bạn không bắt buộc phải tham gia, nhưng trở thành một phần của cộng đồng những người mắc bệnh, hoặc câu lạc bộ của những người có người thân bị bệnh, sẽ rất có ích. Bạn vừa có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình, đồng thời có cái nhìn sâu sắc hơn về bệnh, cách chăm sóc người bệnh và học hỏi những kinh nghiệm hữu ích từ người khác, những người đã và cũng đang cùng chung hoàn cảnh như bạn.

Chiến đấu với rối loạn giấc ngủ ở người mất trí nhớ

Bệnh nhân mất trí nhớ thường gặp tình trạng rối loạn giấc ngủ. Họ có thể thức giấc nhiều lần trong đêm hoặc cảm thấy bồn chồn không yên. Tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng khi mà bệnh tiến triển nặng lên. Người bị mất trí nhớ cũng có thể cùng lúc mắc bệnh khác như là viêm khớp, tình trạng này là nguyên nhân hoặc góp phần làm tăng triệu chứng rối loạn giấc ngủ.

Một số loại thuốc có thể gây buồn ngủ vào ban ngày và ảnh hưởng đến giấc ngủ vào ban đêm. Thuốc ngủ có thể được sử dụng để hỗ trợ người bị mất trí nhớ. Tuy nhiên, phong cách sống lành mạnh vẫn là biện pháp tốt nhất. Điều này bao gồm giới hạn thời gian ngủ ngày, đi ngủ vào giờ cố định và không uống cà phê, rượu vào ban đêm.

Tâm trạng và chứng mất trí nhớ

Người bị mất trí nhớ thường có tâm trạng lên xuống thất thường. Thỉnh thoảng họ sẽ cảm thấy buồn bã và tức giận, hoặc sợ hãi và nản chí khi bệnh tiến triển.

Nếu bạn hoặc người thân của bạn mắc bệnh, có thể bạn sẽ có những ý nghĩ tiêu cực về cuộc sống và tương lai. Nhưng hãy nhớ rằng bạn không chiến đấu một mình, luôn có những sự giúp đỡ và trợ giúp cho bạn. Hãy chia sẻ giải bày lo lắng của mình với người khác, có thể là bạn bè, người thân, người đồng cảnh ngộ hoặc bác sỹ của bạn, là những người có thể tư vấn hoặc hỗ trợ bạn trong vấn đề bạn đang mắc phải.

Luôn năng động và vận động khi bạn bị mất trí nhớ

Người mất trí nhớ nên tận hưởng triệt để những thú vui và sở thích của họ. Những hoạt động này đem lại cho người bệnh sự năng động và truyền cho họ động lực, giúp họ duy trì niềm tin yêu cuộc sống.

Đừng từ bỏ bất kì sở thích chỉ vì bạn hoặc ai đó trong gia đình bạn bị mất trí nhớ. Bạn có thể thay đổi cường độ hoạt động khi bệnh nặng lên, nhưng người bệnh có thể và nên được thư giãn giải trí theo những cách họ muốn.

 
Tự chăm sóc bản thân khi mắc bệnh

Tự chăm sóc bản thân là phần quan trọng nhất trong cuộc sống hằng ngày, đòi hỏi phải tự có trách nhiệm với sức khỏe bản thân và phối hợp khi người khác giúp đỡ bạn. Điều này bao gồm tiếp tục những hoạt động bạn làm hằng ngày để sống khỏe, duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần, phòng chống bệnh tật và tai nạn cùng với việc tích cực điều trị khi ốm đau.

Tự chăm sóc bản thân mang lại lợi ích hết sức to lớn cho những bệnh nhân phải chung sống với bệnh trong thời gian dài. Họ có thể sống lâu hơn, ít đau, lo lắng, tuyệt vọng và mệt mỏi hơn, có chất lượng cuộc sống cao hơn, trở nên năng động và độc lập hơn.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Những lời khuyên khoa học giúp bạn chống lại chứng sa sút trí tuệ

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ NHS Choice
Bình luận
Tin mới
Xem thêm