Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nhau thai bám thấp

Nhau thai phát triển trong tử cung người phụ nữ trong suốt thời kỳ mang thai. Nhau thai có nhiệm vụ sẽ cung cấp dinh dưỡng và khí oxy cho em bé đang phát triển. Nhau thai cũng sẽ giúp loại bỏ các sản phẩm dư thừa ra khỏi máu của em bé. Sau khi em bé được sinh ra, nhau thai cũng sẽ thoát ra khỏi cơ thể người mẹ.

Trong suốt quá trình mang thai, nhau thai sẽ di chuyển khi tử cung giãn ra và phát triển. Trong những tháng đầu của thai kỳ, việc nhau thai ở vị trí thấp là hết sức bình thường. Nhưng trong những tháng tiếp theo, thông thường nhau thai sẽ di chuyển dần về phía đáy của tử cung. Vào 3 tháng cuối thai kỳ, nhau thai phải ở vị trí gần đáy tử cung, để cổ tử cung được thông thoáng chuẩn bị cho sự chào đời của em bé. Nếu nhau thai bám vào phần cổ tử cung, thì nhau thai có thể sẽ che mất cổ tử cung (đường ra khỏi tử cung) và tình trạng này được gọi là nhau thai bám thấp. Nhau thai bám thấm sẽ gây xuất huyết nghiêm trọng trước hoặc trong khi chuyển dạ.

Có 4 loại nhau tiền đạo, được xếp loại từ nhẹ đến nặng. Dạng nặng nhất là khi nhau thai che phủ hoàn toàn phần mở của cổ tử cung. Phụ thuộc vào loại nặng hay nhẹ, mà người phụ nữ mắc phải tình trạng nhau thai bám thấp sẽ cần sinh mổ hoặc không. Đa số phụ nữ mắc phải tình trạng nhau thai bám thấp sẽ cần được nghỉ ngơi nhiều ở trên giường.

Các triệu chứng liên quan đến nhau tiền đạo

Triệu chứng chính của tình trạng này là ra máu âm đạo nhẹ hoặc nặng, nhưng nếu bạn xuất hiện thêm các triệu chứng dưới đây, thì bạn nên được chăm sóc y tế ngay lập tức:

  • Đau bụng
  • Chảy máu, rồi lại cầm máu sau đó lại bắt đầu chảy máu, diễn ra trong vài ngày hoặc vài tuần
  • Chảy máu sau khi quan hệ tình dục
  • Chảy máu trong suốt 3 tháng giữa của thai kỳ.
Yếu tố nguy cơ của tình trạng nhau thai bám thấp

Các yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ mắc phải tình trạng nhau thai bám thấp bao gồm:

  • Em bé ở vị trí bất thường: ngôi mông hoặc ngôi ngang
  • Đã từng phẫu thuật ở vùng tử cung: đẻ mổ lần trước, phẫu thuật u xơ tử cung, đã từng nạo hút thai…
  • Mang đa thai (sinh đôi, sinh ba…)
  • Sảy thai ở lần trước
  • Nhau thai lớn
  • Tử cung có hình dạng bất thường
  • Sinh con lần thứ 2 trở lên
  • Đã từng gặp phải tình trạng nhau thai bám thấp ở những lần sinh trước
  • Trên 35 tuổi
  • Là người châu Á
  • Hút thuốc

Chẩn đoán nhau thai bám thấp

Những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng nhau thai bám thám sẽ xuất hiện trong khoảng 20 tuần đầu tiên của thai kỳ, thông qua siêu âm. Những dấu hiệu này thường không quá lo ngại, vì nhau thai thường sẽ ở vị trí thấp trong những tháng đầu thai kỳ. Nhau thai sẽ tự động điều chỉnh trong những tháng sau của thai kỳ. Trên thực tế, chỉ khoảng 10% số trường hợp sẽ phát triển thành nhau tiền đạo

Nếu bạn bị chảy máu trong 3 tháng giữa thai kỳ, bác sỹ có thể sẽ kiểm soát vị trí của nhau thai bằng việc sử dụng một trong các thủ thuật sau:

  • Siêu âm qua âm đạo: đây là biện pháp thường được sử dụng và cho kết quả chính xác nhất trong việc xác định nhau tiền đạo.
  • Siêu âm qua bụng
  • Chụp cộng hưởng từ MRI để xác định một cách rõ ràng vị trị của nhau thai

Có 4 loại nhau tiền đạo. Mỗi loại sẽ có những ảnh hưởng nhất định lên người mẹ và  ảnh hưởng lên việc sinh thường hay sinh mổ. Điều trị nhau tiền đạo cũng sẽ phụ thuộc vào loại nhau tiền đạo mà bạn gặp phải.

  • Một phần (Partial): Nhau thai chỉ che phủ một phần cổ tử cung, và vẫn có thể sinh thường được trong trường hợp này.
  • Nhau bám thấp (Low - lying): Loại này thường sẽ xuất hiện trong những tháng đầu hoặc giữa thai kỳ. Nhau thai sẽ bám ở thành cổ tử cung và bạn vẫn có thể sinh thường được.
  • Nhau bám mép hoặc bám thành (Marginal): Trong loại này, nhau thai sẽ bắt đầu phát triển ở đáy tử cung, sau đó sẽ chèn ép lên cổ tử cung một cách tự nhiên nhưng sẽ không che lấp cổ tử cung. Khi thành của nhau thai chạm vào phần mở của cổ tử cung thì sẽ dẫn đến tình trạng xuất huyết nhẹ. Tuy nhiên, với loại này, bạn vẫn có thể sinh thường một cách an toàn.
  • Hoàn toàn (Complete): Đây là dạng nhau tiền đạo nghiêm trọng nhất. Trong loại này, nhau thai sẽ che lấp hoàn toàn cổ tử cung. Thông thường, bác sỹ sẽ khuyên bạn nên đẻ mổ và trong những trường hợp nghiêm trọng, em bé có thể sẽ phải sinh non.

Tuy nhiên, trong tất cả 4 dạng này, nếu bạn bị chảy máu nặng hoặc chảy máu không kiểm soát được thì bạn cần được mổ đẻ ngay để bảo vệ bạn và em bé.

 
Điều trị nhau tiền đạo

Bác sỹ sẽ quyết định việc nên điều trị tình trạng nhau tiền đạo của bạn như thế nào, phụ thuộc vào mức độ chảy máu, thời kỳ mang thai của bạn (đang ở tháng thứ mấy của thai kỳ), sức khỏe em bé và vị trị của nhau thai cũng như em bé. Tuy nhiên, mức độ chảy máu sẽ là yếu tố chính để giúp bác sỹ đưa ra quyết định điều trị.

Không chảy máu hoặc chảy máu rất ít

Trong trường hợp này, bác sỹ thường sẽ khuyên bạn nghỉ ngơi nhiều trên giường, chỉ ngồi hoặc đứng khi thực sự cần thiết. Bạn cũng sẽ phải tránh quan hệ tình dục và tập luyện thể thao. Nếu trong suốt khoảng thời gian nghỉ ngơi này bạn bị chảy máu, thì bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.

Chảy máu nghiêm trọng

Các trường hợp chảy máu nghiêm trọng có thể sẽ cần phải nghỉ ngơi trên giường bệnh tại bệnh viện. Phụ thuộc vào mức độ mất máu, bạn có thể sẽ cần phải truyền máu và uống thuốc để dự phòng tình trạng sinh non.

Trong những trường hợp này, bác sỹ thường sẽ khuyên bạn nên sinh mổ càng sớm càng tốt, thường là sau 36 tuần. Nếu bạn cần sinh mổ sớm hơn, thì có thể em bé sẽ cần được tiêm corticosteroid để kích thích sự trưởng thành của phổi.

Chảy máu không kiểm soát được

Trong trường hợp bạn bị chảy máu không kiểm soát được, thì sẽ cần phải được mổ đẻ cấp cứu ngay.

Biến chứng của nhau tiền đạo

Trong suốt quá trình chuyển dạ, cổ tử cung sẽ phải mở để em bé di chuyển từ đường dẫn sinh ra ngoài. Nếu nhau thai ở phía trước cổ tử cung, thì nhau thai sẽ bắt đầu tách ra khi cổ tử cung mở, dẫn đến chảy máu trong. Trong trường hợp này, bạn cần được mổ đẻ ngay, kể cả khi em bé sẽ phải sinh non vì người mẹ có thể sẽ chảy máu tới chết nếu không can thiệp gì. Sinh thường sẽ có quá nhiều nguy cơ cho người mẹ.

Đối phó và hỗ trợ người mẹ

Mayo Clinic đưa ra một vài lời khuyên để giúp bạn đối phó với tình trạng nhau tiền đạo và chuẩn bị tâm lý cho việc sinh nở:

Tìm hiểu: Bạn cang biết nhiều, bạn sẽ chuẩn bị tinh thần được tốt hơn. Bạn có thể liên lạc với những người mẹ khác đã từng mắc phải tình trạng nhau tiền đạo để được chia sẻ thêm về kinh nghiệm của họ.

Chuẩn bị sinh mổ: Phụ thuộc vào loại nhau tiền đạo, bạn có thể sẽ không thể sinh thường được. Mục tiêu hàng đầu vẫn là bảo đảm sức khỏe cho cả bạn và em bé

Nghỉ ngơi trên giường: Nếu bạn là người năng động, việc phải nghỉ ngơi trên giường có thể sẽ khiến bạn không được thoải mái. Tuy nhiên, bạn nên tận dụng khoảng thời gian này để thực hiện một số ý tưởng nhỏ, ví dụ như làm một cuốn album ảnh, viết thư hay đọc sách, tìm hiểu về những thay đổi sắp tới mà bạn sẽ phải trải qua.

Chăm sóc bản thân: Bạn có thể nuông chiều bản thân mình một chút. Mua một bộ đồ ngủ mới, đọc một quyển sách hay hoặc xem chương trình truyền hình mà bạn yêu thích… Bạn cũng có thể dựa vào người thân và bạn bè để được hỗ trợ tốt nhất.

Bình luận
Tin mới
Xem thêm