Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Rách tầng sinh môn khi sinh

Mang thai và sinh nở là một trải nghiệm tuyệt vời, đặc biệt là với những phụ nữ lần đầu làm mẹ. Tuy nhiên, quá trình này sẽ đi kèm với một số hiện tượng không mong muốn, ví dụ như rách tầng sinh môn.

Rách tầng sinh môn khi sinh

Rách tầng sinh môn khá thường gặp trong khi sinh thường và có thể gây nhiều đau đớn và khó chịu cho sản phụ cũng như làm chậm lại quá trình hồi phục của bà mẹ sau khi sinh. 

Rách tầng sinh môn là gì?

Rách tầng sinh môn chủ yếu xảy ra ở phụ nữ sinh thường trong lần đầu tiên. Vết rách có thể nhỏ như một vết khía nhỏ, nhưng cũng có thể là một vết rách sâu. Rách tầng sinh môn xảy ra khi đầu của em bé đi qua lỗ âm đạo. Nếu em bé của bạn có phần đầu to, thì sẽ tạo ra một áp lực lớn lên âm đạo trong khi sinh, và dẫn đến rách tầng sinh môn.

Vết rách có thể xảy ra ở quanh vùng da ở âm đạo và có thể lành lại sau vài tuần. Nhưng, khi vết rách lớn, thì sẽ cần nhiều thời gian để lành lại hơn.

Nếu cảm giác đau do vết rách gây ra càng ngày càng nặng hơn khiến bạn không thể chịu được, hoặc bạn có cảm giác sưng tấy, đau nhức hoặc phát sốt thì hãy đi khám hoặc hỏi bác sỹ sản phụ khoa ngay lập tức. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đã bị viêm nhiễm âm đạo và cần được điều trị ngay lập tức.

Các loại rách tầng sinh môn: phụ thuộc vào mức độ rách, rách tầng sinh môn được chia thành 4 mức độ.

Rách tầng sinh môn mức độ 1

Có những vết rách nhỏ ở âm đạo, và chỉ rách ở vùng da quanh lỗ âm đạo hoặc da ở bên ngoài tầng sinh môn. Bạn có thể sẽ cảm thấy bị kích ứng nhẹ hoặc có cảm giác nóng rát khi đi tiểu.

Rách mức độ 1 thường sẽ lành trong vòng 1 tuần và không cần phải khâu.

Để vượt qua cảm giác đau khi đi tiểu, bạn có thể sẽ cần một chút nước ấm rửa hoặc phun nhẹ nhàng vùng âm hộ và lỗ âm đạo. Nước ấm có thể làm dịu cảm giác bị kích ứng và giúp bạn dễ chịu hơn khi đi tiểu trong tuần đầu sau sinh.

Rách tầng sinh môn mức độ 2

Rách vào cả phần cơ ở tầng sinh môn (là vùng nằm giữa âm đạo và hậu môn). Các cơ ở tầng sinh môn là các cơ hỗ trợ cho tử cung và trực tràng. Rách mức độ 2 thường cần phải khâu và vết thương sẽ lành trong vòng 2-3 tuần đầu sau khi sinh.

Dùng một chiếc gối hoặc 1 miếng đệm mềm kê dưới mông khi ngồi hoặc nằm sẽ giúp vùng âm đạo thoải mái hơn. Bạn cũng nên chú ý giữ vệ sinh và rửa nhẹ nhàng bằng nước sạch, ấm, một số dung dịch sát trùng để vết khâu không bị nhiễm trùng và chóng lành hơn.

Bạn cũng có thể sử dụng nước ấm phun vào âm hộ như cách làm đối với rách mức độ 1 trong khi đi tiểu. Sau mỗi lần đại tiện, cố gắng làm sạch phần phía sau của bạn một cách nhẹ nhàng để không chạm vào vùng âm đạo bị thương. Chườm lạnh lên vùng âm đạo bị thương có thể làm giảm đau và giảm cảm giác khó chịu.

Khi cần thiết, bác sỹ sẽ kê đơn các loại thuốc làm mềm phân hoặc thuốc giảm đau để làm dịu cảm giác đau do vết rách của bạn và tránh tình trạng táo bón.

Rách tầng sinh môn mức độ 3

Vết rách không chỉ xảy ra với các cơ tầng sinh môn mà còn với các cơ nhỏ xung quanh hậu môn được gọi là rách tầng sinh môn mức độ 3. Rách tầng sinh môn mức độ này cần phải được điều trị trong bệnh viện và cần hàng tháng mới có thể lành được.

Sau khi sinh, với vết rách mức độ 3, bạn có thể thử ngồi trên gối hoặc các loại vòng đệm êm, đệm nước để giảm cảm giác đau ở khu vực này. Bạn cũng vẫn có thể áp dụng các cách dùng nước ấm và chườm lạnh như đối với rách mức độ 2.

Rách tầng sinh môn mức độ 4

Đây là dạng rách tầng sinh môn nghiêm trọng nhất. Mức độ 4 bao gồm rách các cơ tầng sinh môn, rách cơ vòng hậu hôn và rách lớp mô niêm mạch trực tràng. Rách mức độ 4 cũng cần được điều trị tại bệnh viện và cần vài tháng mới lành lại được

Một số biến chứng đi kèm với rách tầng sinh môn mức độ 4 là đau khi quan hệ tình dục và không kiểm soát được phân, có thể có tình trạng són phân.

Bác sỹ phụ khoa sẽ kiểm tra tình trạng này sau sinh và có thể chuyển bạn đến các chuyên gia về đại trực tràng, hoặc tiết niệu sinh dục để điều trị.

Nguy cơ rách tầng sinh môn mức độ 3 và 4

Dưới đây là một số trường hợp phổ biến khiến bạn dễ có nguy cơ bị rách tầng sinh môn mức độ 3 và 4:

  • Khi bạn sinh thường lần đầu tiên
  • Nếu em bé của bạn quá lớn
  • Nếu mặt của em bé hướng về phía bụng của bạn (ngôi chẩm)
  • Khi ca sinh của bạn kéo dài
  • Khi bạn phải cắt tầng sinh môn trong khi sinh hoặc đã từng cắt tầng sinh môn trong lần sinh trước đó
  • Khi bạn đẻ thường và cần có sự hỗ trợ của forcep

Chăm sóc cho vết rách tầng sinh môn

Khi bạn bị rách tầng sinh môn, bác sỹ phụ khoa thường sẽ dùng chỉ khâu vết rách tại âm đạo vào và vết thương sẽ lành dần. Nhưng, một điều rất quan trọng đó là tuân thủ các hướng dẫn về vệ sinh sau khi sinh, để dự phòng nhiễm trùng, giảm đau và kích thích quá trình hồi phục nhanh hơn.

Dưới đây là một số cách giúp bạn chăm sóc tầng sinh môn sau sinh:

  • Làm sạch vùng âm đạo bằng cách dội hoặc phun nhẹ nhàng nước ấm vào trong và sau khi đi tiểu
  • Sau khi đi đại tiện, sử dụng giấy sạch để làm sạch vùng hậu môn. Không bao giờ được chà xát quá mạnh vùng da ở đây vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Luôn lưu ý làm sạch vùng hậu môn từ phía âm đạo sang hậu môn.
  • Thay băng vệ sinh sau mỗi 4-6 tiếng.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ và tránh chạm vào vết thương tầng sinh môn vì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Táo bón hoặc rặn nhiều khi đại tiện có thể làm tình trạng rách tầng sinh môn thêm phức tạp. Để điều chỉnh nhu động ruột, hãy uống đủ nước và ăn nhiều các loại thực phẩm có chất xơ. Bác sỹ cũng có thể sẽ kê cho bạn một loại thuốc làm mềm phân hoặc thuốc nhuận tràng loại nhẹ.

Giảm đau do vết rách tầng sinh môn

Một số mẹo nhỏ giúp bạn giảm đau do vết rách tầng sinh môn:

  • Chườm lạnh vùng âm đạo để làm giảm cảm giác đau. 
  • Ngâm nước ấm 2-3 lần/ngày hoặc chườm ấm cũng có thể làm hạn chế cảm giác đau
  • Để tránh bị căng giãn quá mức, bạn không nên đứng hoặc ngồi quá lâu vì việc này có thể sẽ làm tăng cảm giác đau ở tầng sinh môn.
  • Bạn có thể luyện tập bài tập Kegel ở mức độ nhẹ và mát xa nhẹ nhàng vùng tầng sinh môn để hỗ trợ thêm và giúp bạn nhanh hồi phục hơn.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Những thay đổi ở cơ quan sinh dục nữ sau sinh em bé

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Momjunction
Bình luận
Tin mới
Xem thêm