Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những thương tích thường gặp trong ngày hè

Mùa hè là mùa của vui chơi, dã ngoại nhưng mùa hè đến cũng là lúc bạn phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn, có thể nhanh chóng biến những cuộc vui chơi trở thành thảm họa. Vì vậy, mỗi người cần tự chú ý đến những nguy cơ thường gặp trong mùa hè để bảo vệ an toàn cho bản thân.

Những thương tích thường gặp trong ngày hè

Theo thống kê của CDC, ước tính có khoảng 29 triệu người phải nhập viên cấp cứu vì thương tích mỗi năm khi mùa hè đến (đây cũng là mùa các hệ thống bệnh viện dễ bị quá tải và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn các mùa khác). Dưới đây là những tai nạn thường gặp phải trong mùa hè kèm theo những biện pháp xử lý và phòng tránh để giúp bạn có một mùa hè sôi động hơn, vui vẻ hơn nhưng cũng an toàn cho sức khỏe.

Tai họa từ những chiếc lò nướng

Chuẩn bị món thịt nướng ngon lành cho cả gia đình có vẻ như là một ý tưởng khá tuyệt vời trong mùa hè. Tuy nhiên, bạn cần hết sức lưu ý khi sử dụng những chiếc lò nướng trong gia đình. Theo thống kê của Sở cứu hỏa Hoa Kỳ, mỗi năm có trung bình khoảng 8,200 vụ hỏa hoạn trong các hộ gia đình có liên quan đến các lò nướng hoặc lò than dùng để nướng thịt, và số lượng những trường hợp bị bỏng và ngạt khói do hỏa hoạn cũng ngày càng tăng.

Biện pháp phòng tránh: Thực hành những quy tắc giữ an toàn khi sử dụng lò nướng như khi đốt lửa, sử dụng bao tay bảo vệ khi mở nắp lò… Luôn luôn sử dụng bếp nướng trong một không gian thoáng khí, sử dụng kẹp dài khi cần đảo thức ăn trong lò để tránh tiếp xúc da gần với bếp lò.

Xử trí khi gặp tai nạn: Nếu bạn chỉ bị một vết bỏng nhỏ, hãy nhúng phần da bị bỏng dưới vòi nước lạnh chảy liên tục trong vòng 15 phút để giảm sưng hoặc cho tới khi cảm thấy bớt đau rát. Nếu vết bỏng ở trên mặt, trên tay hay bao phủ một phần lớn diện tích cơ thể, bạn cần phải đi cấp cứu ngay lập tức.

Cháy nắng

Không chỉ đơn thuần là những tổn thương trên da, cháy nắng còn làm suy yếu khả năng bảo vệ cơ thể của làn da trước các tác nhân gây hại khác. Cháy nắng là một phản ứng viêm của da trước tác động của ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, các nghiên cứu đã chứng minh tình trạng bỏng da do tiếp xúc liên tục với ánh nắng mặt trời có thể làm tổn hại các DNA và làm tăng nguy cơ ung thư da.

Biện pháp phòng tránh: bạn nên sử dụng các loại kem chống nắng có phổ rộng có tác dụng bảo vệ cơ thể trước cả tia UVA và UVB. Tuy nhiên, cách bạn sử dụng kem chống nắng còn quan trọng hơn cả số lần sử dụng. Tốt nhất là nên bôi một lượng kem khoảng từ 2-3 thìa cà phê sau mỗi 90 phút, ngay cả khi bạn có tiếp xúc với nước hay trước khi đi dưới nắng.

Xử trí khi gặp tai nạn: Nếu da của bạn bị cháy xém khá nghiêm trọng, hãy trộn một phần sữa với một phần nước và bôi lên vùng da bị ảnh hưởng, sau đó đắp khăn mặt lên. Thành phần protein trong sữa sẽ đẩy lùi cảm giác đau rát ngay lập tức. Khi da chưa hoàn toàn lành lại, bạn không nên vội vã loại bỏ phần da chết sắp bong ra bởi có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự tấn công của vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Ban nhiệt/Rôm sảy

Dưới thời tiết nắng nóng, bạn rất dễ bị mọc rôm sảy. Các triệu chứng khá đa dạng, từ các vết mụn nước nhỏ trên da cho tới những nổi mẩn đỏ và thường gây ngứa ngáy khó chịu. Bạn có thể thấy những vết rôm sảy xuất hiện ở vùng đùi sau khi luyện tập ra mồ hôi, hay ở phần ngực trên hoặc bất cứ vị trí nào trên cơ thể.

Biện pháp phòng tránh: Bạn nên giảm hiện tượng tiết mồ hôi quá nhiều bằng cách sử dụng điều hòa nhiệt độ, và mặc quần áo mỏng, nhẹ, thoáng khí. Sau khi luyện tập thể dục, nên thay quần áo tập và tắm sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn. Hầu hết những căn bệnh ngoài da có liên quan đến nhiệt độ xảy ra khi làn da tiếp xúc quá lâu với những bộ quần áo ướt sũng mồ hôi.

Xử trí khi gặp tai nạn: Trường hợp bị rôm sảy nhẹ có thể tự hết mà không cần điều trị. Nếu bạn bị phát ban nghiêm trọng trên da, bạn có thể làm dịu da bằng dung dịch bôi có chứa calamine hay nặng hơn có thể sử dụng thuốc bôi da có chứa steroid.

Đau chân do đi dép tông

Vào mùa hè, các loại dép tông rất được ưa chuộng bởi sự tiện lợi của nó. Tuy nhiên, đi bộ cả ngày với chúng quả thật không có lợi cho sức khỏe chút nào. Chúng không có đệm bảo vệ chân và cũng không có tác dụng hỗ trợ cho chân khi đi lại. Ngoài ra, loại dép này cũng không thể bảo vệ đôi chân tránh khỏi các vật nhọn và bụi bẩn, và mắt cá chân của bạn cũng đồng thời không được nâng đỡ tốt dẫn tới nhức mỏi. Quai của dép tông có thể là điểm làm cho da bị tấy lên gây nhiễm trùng hoặc làm rối loạn sự lưu thông máu.

Biện pháp phòng tránh: Trừ trường hợp bạn đang ở trong phòng thay đồ, ở bể bơi hay đi dạo trên bãi biển, còn trong những dịp khác hãy lựa chọn một đôi giày hoặc dép sandal thay vì dép tông. Khi chúng ta già đi, bộ xương và các khớp nối cũng yếu dần, trong trường hợp này sử dụng dép tông sẽ không mang lại tác dụng hỗ trợ nào cho cơ thể cả.

Xử trí khi gặp tai nạn: Khi bị đau mắt cá chân do dép tông, bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau OTC nhưng chỉ trong thời gian ngắn, hoặc có thể làm massage chân. Bạn nên chọn một chiếc ghế thật thoải mái và nhẹ nhàng xoa bóp cả ngón chân, bàn chân và gót chân bằng các loại dầu hoặc dung dịch dưỡng da.

Uống quá say

Bạn có thể say sưa một chút với vài chén bia, chén rượu mỗi dịp nghỉ lễ hay trong những chuyến đi dã ngoại mùa hè tuy nhiên đừng quá sa đà vào đó. Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều rượu còn dẫn tới rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe như tăng tỷ lệ mắc ung thư vú.

Biện pháp phòng tránh: Kể cả vui mấy thì bạn cũng chỉ nên uống từ 1-2 chén rượu với gia đình, bạn bè. Nếu đã có kế hoạch trước về những buổi liên hoan, bạn nên sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung vitamin nhóm B vào hôm trước bởi uống quá nhiều rượu có thể khiến cơ thể bị thiếu vitamin B (đây là nhóm vitamin cần thiết cho sự chuyển hóa của rượu trong cơ thể).

Xử trí khi gặp tai nạn: Uống càng nhiều nước càng tốt. Bạn có thể bổ sung nước cho cơ thể bằng nước bình thường hoặc bằng các dung dịch điện giải như nước uống thể thao. Trong trường hợp uống say nghiêm trọng không thể xử trí tại nhà, hãy đi bệnh viện ngay lập tức.

Luyện tập quá sức

Bạn quá phấn khích khi nhìn thấy bể bơi, sân bóng đá và bóng rổ mà quên mất một điều là đã từ lâu bạn không còn luyện tập thể thao thường xuyên nữa. Khi chúng ta già đi, hầu hết mọi người sẽ không luyện tập đủ để giữ được vóc dáng cơ thể như hồi còn trẻ, do vậy việc chơi hay luyện tập các môn thể thao nào đó một cách đột ngột thường dẫn tới quá sức hoặc chấn thương.

Biện pháp phòng tránh: Chấn thương hay gặp nhất bao gồm bong gân mắt cá chân do khi già đi gân sẽ mất độ mềm dẻo đàn hồi để có thể chịu được áp lực mạnh tác động lên. Khởi động kỹ là vô cùng quan trọng trước khi bắt đầu luyện tập bất kỳ môn thể thao nào. Bạn cần làm nóng toàn bộ cơ thể chứ không chỉ khởi động những vùng cơ thể mà bạn sẽ sử dụng để chơi thể thao.

Xử trí khi gặp tai nạn: Khi bạn bị bong gân, hãy sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm không kê đơn và thực hành theo kỹ thuật xử trí khi gặp chấn thương thể thao đó là nghỉ ngơi, chườm đá, băng vết thương và nâng vết thương cao hơn tim. Nếu sau hai ngày mà vết thương vẫn không đỡ đau, bạn vẫn bị hạn chế vận động nhiều, hoặc bạn không thể đặt vật nặng lên khớp, hãy tới khám bác sỹ để được chẩn đoán kỹ hơn.

Bị côn trùng tấn công

Mùa hè là mùa sinh sôi nảy nở nhiều loại côn trùng như: ong, các loại sâu bọ... Nếu không đề phòng rất dễ bị chúng tấn công khi đi dưới những bụi cây.  Theo Tạp chí Dị ứng và Miễn dịch học lâm sàng, vào mùa hè, trung bình có 3 trong số 100 người bị ong đốt (đôi khi nhiều hơn 1 lần). Hầu hết nạn nhân bị côn trùng tấn công thường có cảm giác đau, ngứa và bị sưng tại chỗ chích. 

Biện pháp phòng tránh: Nếu bạn có kế hoạch đi dã ngoại trong rừng, không nên mặc quần short và áo ngắn mà thay vào đó nên lựa chọn quần dài, áo dài tay thoáng mát. Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng những loại thuốc chống côn trùng bôi hay xịt ngoài da.

Xử trí khi gặp tai nạn: Khoảng 80% người mắc bệnh Lyme thường xuất hiện một vòng tròn màu đỏ tại vị trí vết cắn. Nếu nghi ngờ bản thân đã bị mắc bệnh, bạn cần phải đi khám bác sỹ ngay. Các triệu chứng do nhiễm virus West Nile bao gồm sốt, đau đầu, mệt mỏi và đau nhức toàn thân, phát ban trên cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Trường hợp này cũng cần phải đi cấp cứu ngay.

Mất nước

Mất nước là tình trạng lượng nước mà cơ thể mất đi nhiều hơn lượng nước được cung cấp vào cơ thể. Thời tiết nắng nóng của mùa hè là điều kiện thuận lợi thúc đẩy cho hiện tượng mất nước do làm tăng tiết mồ hôi quá mức. Mất nước là một tình trạng vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn tới những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như suy giảm chức năng não bộ, kiệt sức do nhiệt hay đột quỵ.

Biện pháp phòng tránh: Luôn bù đủ nước và các dung dịch điện giải cho cơ thể khi bạn cảm thấy khát. Bạn nên để một chai nước đầy một nửa trong ngăn đá và khi đi ra ngoài nhớ đổ đầy chai. Uống từng ngụm nhỏ nước trong khi luyện tập, khoảng 180 ml – 240 ml  sau mỗi 15 phút. Chỉ nên tập luyện ngoài trời khi nhiệt độ đã hạ bớt và nên nghỉ ngơi thường xuyên trong bóng râm.

Xử trí khi gặp tai nạn: Hầu hết những trường hợp bị mất nước từ nhẹ đến trung bình đều có thể tự bù đủ nước bằng cách uống nước. Trường hợp mất nước nặng cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức để được truyền dịch qua đường tĩnh mạch.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Bí kíp giúp bạn khỏe mạnh và rạng rỡ giữa mùa hè oi nóng

Bs. Đào Ngọc - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Prevention
Bình luận
Tin mới
  • 03/04/2025

    Đẻ mắc vai hay dấu hiệu “con rùa” trong sản khoa

    Đẻ mắc vai hay còn gọi là dấu hiệu “con rùa” - là tình trạng xảy ra khi một hoặc cả hai vai của em bé bị kẹt trong quá trình sinh thường. Không có dấu hiệu báo trước và không có cách nào để ngăn ngừa tình trạng này xảy ra. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể bao gồm việc em bé quá lớn, xương chậu của mẹ nhỏ hoặc đỡ đẻ sai tư thế. Tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm cả chấn thương thần kinh cho em bé. Cùng đọc bài viết sau để hiểu thêm về tình trạng này!

  • 02/04/2025

    Nâng cao tầm vóc Việt

    Tầm vóc không chỉ là thước đo chiều cao đơn thuần mà còn phản ánh sức khỏe và sự phát triển toàn diện của một dân tộc. Tuy nhiên, thực trạng chiều cao của người Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế so với bạn bè quốc tế

  • 01/04/2025

    Tăng cường miễn dịch cho trẻ mùa xuân

    Mùa xuân đến, mang theo không khí ấm áp và sức sống mới cho vạn vật. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, khí hậu biến đổi thất thường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh sinh sôi phát triển.

  • 01/04/2025

    Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ: Hiểu đúng và đồng hành cùng người tự kỷ

    Ngày 2 tháng 4 hàng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ – một sự kiện do Liên Hợp Quốc khởi xướng nhằm kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn đến rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

  • 31/03/2025

    Chăm sóc da cho bé vào mùa xuân: Mẹo nhỏ cho mẹ

    Mùa xuân là thời điểm giao mùa, khí hậu thất thường, hanh khô, độ ẩm thấp, dễ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ.

  • 30/03/2025

    Những thay đổi về làn da tuổi mãn kinh

    Tuổi mãn kinh không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe sinh lý nữ, mà còn ảnh hưởng đến làn da. Chị em phụ nữ nên lưu ý điều gì khi chăm sóc da tuổi ngoài 40?

  • 30/03/2025

    Người cao tuổi và bệnh giao mùa

    Giao mùa là thời điểm chuyển tiếp giữa các mùa trong năm, kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Đối với người cao tuổi, giai đoạn này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe do hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể dần lão hóa.

  • 29/03/2025

    Đi bộ nhanh mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong

    Một nghiên cứu mới cho thấy, hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ nhanh, yoga, làm vườn… mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong.

Xem thêm