Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nhiễm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus: Biểu hiện bệnh và cách điều trị

Mới đây, một người đàn ông ở Quảng Ninh sau khi ăn hàu sống đã bị nhiễm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus dẫn đễn tử vong. Cùng tìm hiểu vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus là gì, triệu chứng nhiễm bệnh và cách phòng ngừa?

1. Đặc điểm của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticu

Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (tả biển) là một loại vi khuẩn trong cùng một nhóm với những vi khuẩn gây ra bệnh tả (Vibrio cholera) nhưng khác là nó có thể gây bệnh khác ngoài bệnh đường ruột.

Vibrio parahaemolyticus có hình que hơi cong như dấu phẩy và ngắn, là vi khuẩn gram âm, không sinh nha bào, di động nhờ một lông ở một đầu. Chúng lên men D-mannitol, maltose, L.arabinose, không lên men saccharose, oxydase dương tính và kỵ khí tùy tiện.

Vibrio parahaemolyticus sinh sống, phát triển tốt trong môi trường kiềm và mặn, tồn tại trong nước biển và các động vật biển như tôm, cá, ốc, sò... và bị chết ở 65 độ C sau 10 phút, chúng không phát triển được ở nhiệt độ dưới 15 độ C. Nhiệt độ thích hợp cho sự nhân lên là 37 độ C.

2. Nguyên nhân nhiễm Vibrio parahaemolyticu

Vì phát triển ở một số động vật biển nên Vibrio parahaemolyticus là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn. Người mắc bệnh chủ yếu là do ăn hải sản chưa được nấu chín hoặc bị nhiễm khuẩn trong quá trình chế biến, bảo quản.

Lao động ở vùng nước bị ô nhiễm mà chân tay bị trầy xước nhưng không mang đồ bảo hộ.

Bệnh do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra gặp nhiều nhất ở Nhật Bản, ngoài ra còn gặp ở nhiều nước khác. Mới đây, tại Việt Nam, một người đàn ông 65 tuổi, trú tại TP Uông Bí (Quảng Ninh) đã tử vong do nhiễm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus do ăn hàu sống.

3. Vibrio parahaemolyticu khu trú trong thực phẩm

Vibrio parahaemolyticus sống trong động vật hải sản như cá, cua, tôm, sò, ốc của vùng nước lợ và nước mặn.

Vibrio parahaemolyticu còn tìm thấy trong cát, bùn, nước biển bị ô nhiễm.

Hình ảnh vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus dưới kính hiển vi.

4. Triệu chứng nhiễm Vibrio Parahaemolyticu

Người nhiễm Vibrio Parahaemolyticu thường gặp các triệu chứng trong vòng từ 2 - 6 tiếng sau khi ăn thức ăn có nguồn gốc từ hải sản chưa được nấu chín:

Tiêu chảy và nôn: Có biểu hiện kiểu tả nhẹ như phân lỏng, tóe nước, phân có mùi hơi tanh, màu xanh hoặc xanh vàng. Nôn nhiều và tiêu chảy phân nhiều nước dẫn đến mất nước cấp tính. Gần như không sốt, không gây đau bụng.

Dạng lỵ trực khuẩn: Phân lỏng, lờ lờ máu cá, mùi thối khẳn, kèm theo sốt và đau bụng.

Các dấu hiệu mất nước: Người mệt lả, háo nước, tiểu ít, mắt trũng, nặng thì phản ứng chậm, li bì, thậm chí hôn mê.

Các dấu hiệu thường kéo dài khoảng 3 ngày, có thể nhẹ hoặc nặng tùy từng trường hợp. Bệnh gây nhiễm trùng nặng hơn ở những người suy giảm sức đề kháng.

Vibrio parahaemolyticu gây ra viêm ruột cấp tính, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn từ vết thương. Người bệnh nhiễm loại vi khuẩn này có thể biểu hiện nhẹ không nguy hiểm, nhưng cũng có thể gây ra tử vong.

5. Cách điều trị khi nhiễm Vibrio Parahaemolyticu

Bù nước và điện giải: Uống dung dịch oresol hoặc hydrit theo nhu cầu nếu vẫn có thể uống được. Trường hợp mất nước nặng hoặc bệnh nhân nôn nhiều không thể uống được thì bù nước bằng cách truyền dịch Ringer lactat, Bicacbonat Natri.

Hạ sốt bằng Paracetamol nếu bệnh nhân sốt trên 38,5 độ C, với liều từ 10 - 15mg/kg cân nặng.

Kháng sinh: Hầu hết các trường hợp không được khuyến cáo. Một số trường hợp tiêu chảy dạng lỵ trực khuẩn thì có chỉ định dùng kháng sinh. Kháng sinh được lựa chọn theo kết quả kháng sinh đồ là tốt nhất.

Chế độ dinh dưỡng: Ăn uống đủ dinh dưỡng, ăn lỏng dễ tiêu, thực phẩm ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

6. Các biện pháp phòng ngừa nhiễm Vibrio Parahaemolyticu

Thực hiện ăn chín uống sôi, không nên ăn thực ăn sống, đặc biệt là hải sản.

Nên ăn các thực phẩm còn tươi, cá và các loại hải sản cần chế biến ngay.

Nên mua các loại hải sản ở những cửa hàng lớn bảo đảm uy tín và đã được kiểm duyệt về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khi chế biến thức ăn không để thức ăn sống chạm vào đồ đã nấu chín.

Hiện tại chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu, chưa có vaccine phòng bệnh. Nên sử dụng các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu khác.

Tham khảo thêm thông tin bài viết: Sushi và Sashimi liệu có liên quan gì đến các bệnh truyền nhiễm?

L.Vũ - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
Xem thêm