Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Đột quỵ “trẻ hóa” - Thảm họa của cuộc sống hiện đại

Nói đến đột quỵ não, người ta thường nghĩ ngay đến bệnh của những người cao tuổi hoặc của lứa tuổi trung niên trở lên nhưng những thống kê gần đây cho thấy: đột quỵ não chiếm một tỷ lệ không nhỏ ở người trẻ!

Đột quỵ não ở người trẻ là đột quỵ xảy ra ở những người trưởng thành, tuổi dưới 45 và cũng có một số cách phân loại khác lấy nhóm tuổi cao hơn, khoảng từ 50 trở xuống.

“Điểm mặt” nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Hầu như tất cả các nguyên nhân gây đột quỵ ở người già đều có thể gặp ở người trẻ. Tuy nhiên, các nguyên nhân như xơ vữa động mạch thì ít gặp hơn ở người trẻ dưới 45 tuổi.

Tăng huyết áp là loại bệnh lý gây đột quỵ não thể xuất huyết não thường gặp nhất ở người già nhưng hiện nay cũng gặp với tần suất khá cao ở người trẻ. Huyết áp tăng cao thường xuyên không được kiểm soát là nguy cơ hàng đầu làm vỡ mạch và xuất huyết não. Đây là loại đột quỵ não có tỷ lệ tử vong và tàn phế cao. Thống kê cho thấy xấp xỉ 30% đột quỵ não ở người tuổi dưới 45 có bệnh lý tăng huyết áp.

Đái tháo đường là loại bệnh lý ngày càng hay gặp và tỷ lệ này cũng không hề thấp ở người trẻ. Đường huyết tăng cao dẫn đến rất nhiều biến chứng trong đó có biến chứng về mạch máu.

Tăng huyết áp và đái tháo đường là 2 trong những nguyên nhân chính gây đột quỵ.

Tổn thương thành mạch trong bệnh lý này là nguyên nhân của đột quỵ tim mạch (như nhồi máu cơ tim) và đột quỵ não (xuất huyết não, tắc mạch máu não). Đột quỵ não ở người trẻ cũng có thể là biến chứng của tổn thương thành mạch máu trong một số bệnh lý có tính chất di truyền như hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers – Danlos type IV (có tổn thương lớp mô liên kết của thành động mạch) và một số các yếu tố khác như nhiễm khuẩn, chấn thương, viêm hệ thống động mạch…

Một nhóm nguyên nhân quan trọng, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nguyên nhân gây đột quỵ não ở người trẻ đó là nguyên nhân do vỡ phình mạch não và vỡ búi thông động – tĩnh mạch não. Túi phình động mạch não thường có vị trí tại các vòng nối động mạch ở nền sọ (hay còn được gọi là đa giác Willis). Khi các túi phình bị vỡ ra sẽ gây xuất huyết dưới màng nhện. Búi thông động – tĩnh mạch não có nguyên nhân do bẩm sinh. Máu từ động mạch qua thẳng tĩnh mạch não (mà không chuyển tiếp qua hệ mao mạch) nên tạo những búi phồng lớn. Khi các búi phồng này vỡ ra sẽ gây xuất huyết trong nhu mô não.

Vỡ phình mạch não và vỡ búi thông động – tĩnh mạch não chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nguyên nhân gây đột quỵ não ở người trẻ.

Đột quỵ não do tim cũng là bệnh lý hay gặp ở người trẻ. Nhóm nguyên nhân do tim bao gồm các bệnh lý của tim tạo các cục huyết khối trong các buồng tim sau đó di chuyển lên não và gây tắc mạch não. Điển hình trong số đó là các bệnh tim như hẹp hai lá, suy tim, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp hoàn toàn. Xơ vữa động mạch là nguyên nhân gây đột quỵ rất ít gặp ở người tuổi dưới 35 nhưng nguy cơ này tăng dần lên theo tuổi và cũng có thể gặp đột quỵ não ở độ tuổi từ 35 đến 45 tuổi.

Một số bệnh lý như bệnh hồng cầu hình liềm, hội chứng kháng phospholipid… có khả năng tạo các cục máu đông gây tắc mạch não và đột quỵ do các nguyên nhân này chiếm 26% nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ.

Các nguyên nhân nói trên kết hợp với các yếu tố nguy cơ như nghiện thuốc lá, rượu, tình trạng béo phì, sử dụng các chất ma túy (cocaine, amphetamine, cần sa…), chế độ ăn uống không khoa học (nhiều chất béo, đường, ít rau xanh và hoa quả tươi), sử dụng thuốc tránh thai, bệnh migrain (chứng đau đầu vận mạch hay xảy ra ở phụ nữ trẻ), làm việc căng thẳng quá mức… làm tăng khả năng bị đột quỵ não ở tuổi dưới 45.

Tuân thủ “4 ít” để sống khỏe

Ở người trẻ, khi đột quỵ đã xảy ra thì cho dù bệnh nhân có qua khỏi cũng để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến cuộc sống (còn rất dài) sau đó. Không những bản thân người bệnh bị ảnh hưởng mà cả gia đình và xã hội cũng bị thiệt thòi do lứa tuổi dưới 45 là lứa tuổi đang ở độ chín cả về thể chất lẫn tinh thần, là lực lượng lao động chủ yếu của xã hội. Vì vậy, việc dự phòng đột quỵ ở độ tuổi này là hết sức cần thiết.

Các biện pháp bao gồm điều trị tốt các bệnh lý nguyên nhân như bệnh tim mạch, bệnh tăng huyết áp; phát hiện sớm các dị dạng mạch não; kiểm soát tốt đường huyết, mỡ máu; loại bỏ các yếu tố nguy cơ như béo phì, bỏ thuốc lá, tránh lạm dụng rượu và các chất ma túy, duy trì một lối sống vui vẻ, lành mạnh, tránh áp lực quá cao trong công việc. Những người trẻ tuổi cũng nên tuân thủ một chế độ ăn khoa học: “bốn ít”: ít đường, ít mỡ, ít thịt, ít muối và tăng cường ăn rau tươi, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt).

Chế độ ăn giàu rau xanh hoa quả và gạo lứt giúp phòng ngừa đột quỵ.

Theo một số thống kê chưa đầy đủ, đột quỵ não ở người trẻ chiếm khoảng 12 – 20% trong tổng số các đột quỵ ở mọi lứa tuổi và xảy ra với tần suất từ 10 đến 34 trường hợp/ 100.000 dân/ năm.

Tham khảo thêm thông tin bài viết: [B.E.F.A.S.T.] Nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ.

PGS. TS. BS. Vũ Đức Định - Theo suckhoedoisong.vn
Bình luận
Tin mới
  • 03/05/2024

    Phẫu thuật nội soi thu nhỏ dạ dày giảm cân có an toàn không?

    Béo phì hiện đang là mối lo ngại lớn ở nhiều quốc gia khi tỷ lệ mắc ngày càng gia tăng, kéo theo hàng loạt bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và rối loạn mỡ máu... Một trong những phương pháp nhanh và hiệu quả để kiểm soát béo phì là phẫu thuật thu nhỏ dạ dày qua ống nội soi (Endoscopic sleeve gastroplasty - ESG).

  • 03/05/2024

    Phải làm gì khi trẻ lên cơn động kinh cục bộ?

    Khi trẻ lên cơn động kinh cục bộ, vai trò của bạn là tập trung vào ba điều cơ bản sau: giữ bình tĩnh, an ủi và giữ an toàn cho trẻ. Nếu bạn bắt đầu từ những điều này và ghi nhớ những việc quan trọng nên làm hoặc không nên làm, bạn có thể giúp tình huống trở nên ổn định hơn. Hãy dành chút thời gian luyện tập để khiến điều này trở thành bản năng.

  • 03/05/2024

    Cách kiểm soát cân nặng và đường huyết cho phụ nữ tuổi mãn kinh

    Bên cạnh những cơn bốc hoả, phụ nữ tuổi mãn kinh còn gặp phải nhiều phiền toái liên quan đến trao đổi chất kém như tăng cân, tăng mỡ nội tạng, tăng đường huyết, mặc dù vẫn duy trì thói quen sinh hoạt như trước. Một vài điều chỉnh trong chế độ ăn uống và vận động sẽ giúp bạn tối ưu hoá sự trao đổi chất, từ đó kiểm soát cân nặng cũng như lượng đường trong máu tốt hơn.

  • 02/05/2024

    Người làm việc ca đêm tăng nguy cơ bị béo phì

    Ngoài giấc ngủ bị gián đoạn, những người làm việc ban đêm còn phải đối mặt với thói quen ăn uống bị thay đổi, giảm hoạt động thể chất và sự thay đổi nội tiết tố, góp phần làm tăng nguy cơ béo phì. Người làm ca đêm cần chú ý chăm sóc cơ thể nhằm hạn chế mức độ ảnh hưởng, đảm bảo sức khoẻ để làm việc hiệu quả, an toàn.

  • 02/05/2024

    4 dấu hiệu trên da "tố" bạn có thể bị dị ứng rượu

    Bạn có thể đã nghe nói về dị ứng đậu phộng, sữa hoặc đậu nành, nhưng bạn đã bao giờ gặp thuật ngữ dị ứng rượu chưa? Cũng giống các loại dị ứng thực phẩm khác, dị ứng rượu là một vấn đề sức khỏe đáng quan tâm.

  • 02/05/2024

    8 lợi ích tuyệt vời của đi bộ thể dục

    Đi bộ không chỉ là hình thức tập thể dục đơn giản mà hầu hết mọi người đều có thể thực hiện mà còn là một hoạt động đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể. Dưới đây là 10 lý do khiến bạn muốn bắt đầu ngay hay tiếp tục duy trì hoạt động lành mạnh này:

  • 02/05/2024

    Giảm nguy cơ sa sút trí tuệ khi về già nhờ 8 thói quen lành mạnh

    Chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer hiện chưa có biện pháp điều trị. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện thói quen sinh hoạt lành mạnh ngay từ sớm để giảm nguy cơ suy giảm chức năng nhận thức khi về già.

  • 01/05/2024

    5 sai lầm phổ biến khi tắm gây hại cho làn da

    Tắm là nhu cầu vệ sinh cơ bản và cần thiết của mỗi con người. Nhưng nhiều người trong chúng ta khi tắm thường mắc phải một số sai lầm dẫn đến tác hại không hề nhỏ đối với sức khỏe làn da.

Xem thêm