Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cháy nắng có làm tăng nguy cơ ung thư da?

Tiếp xúc lâu với ánh sáng mặt trời có thể gây ra "cháy nắng". Cháy nắng là hiện tượng đáng lo ngại do có thể để lại tình trạng tăng sắc tố sau viêm, gây sạm da, đẩy nhanh quá trình lão hóa da. Đặc biệt, tiếp xúc kéo dài với tia UV, theo nhiều nghiên cứu, có thể là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh ung thư da.

Ngay cả một vết cháy nắng nhỏ cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư da. Điều này là do khi da hấp thụ bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời, nó có thể làm hỏng ADN trong các tế bào da. Những thiệt hại này tích tụ về lâu dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư da.

Ngay cả khi không bị cháy nắng thì tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng có thể làm hỏng các tế bào da và tăng khả năng ung thư da.

Độ tuổi nào dễ bị ung thư da?

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể làm hỏng các tế bào da và làm tăng nguy cơ ung thư da ở mọi lứa tuổi. Càng trẻ tuổi, nguy cơ này càng cao. Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, những phụ nữ bị cháy nắng phồng rộp da trong độ tuổi 15 - 20 có khả năng bị ung thư da cao hơn 80% so với những người khác. Phơi nhiễm sớm nguy hiểm hơn bởi bạn có một khoảng thời gian dài hơn để tia cực tím tác động đến các tế bào da, cuối cùng có thể dẫn đến ung thư da. Đó là lý do tại sao việc bảo vệ da cho trẻ nhỏ là điều cực kỳ quan trọng. Cha mẹ nên cho trẻ dùng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Kem chống nắng nên được bôi lại sau khi trẻ ra ngoài vài giờ hoặc sau khi trẻ đi bơi.

Ung thư da có dấu hiệu từ những sự bất thường nhỏ

Hầu hết những người bị ung thư da có ung thư tế bào đáy hoặc tế bào vảy, thường dễ điều trị nhưng rất tốn kém. Nếu bạn phát hiện thấy sự bất thường trên da như vết loang, đốm hoặc vết loét mới nào đó mà bạn không thể chữa lành trong vài tuần, tốt nhất hãy đi khám. Tương tự như vậy, hãy xem xét những thay đổi về màu sắc, hình dạng hoặc kích thước của nốt ruồi trên da - đó cũng có thể cảnh báo ung thư. Mặc dù cháy nắng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư da, nhưng điều này không có nghĩa là bạn sẽ "ẩn mình" trong suốt mùa hè. Chỉ cần nhớ bảo vệ da thật tốt khi đi ra ngoài nắng là được.

Làm gì khi da bị "cháy nắng"?

Khi da bị “cháy nắng”, nên làm mát cơ thể bằng cách tắm, chườm khăn mát, đắp nha đam… lên vùng da tổn thương. Lưu ý, không chà mạnh lên vùng da này bởi da đang nhạy cảm, có thể gây kích ứng hoặc làm tổn thương thêm trầm trọng. Sau khi làm mát, có thể bôi một lớp kem dưỡng ẩm lên da, đặc biệt là loại kem có chiết xuất nha đam.

Với các trường hợp nặng hơn, cảm giác đau đớn, khó chịu, cần thăm khám bác sĩ để được chỉ định các thuốc chống viêm và giảm đau.

Bỏng nắng là tình trạng nguy hiểm và nặng nề hơn nhiều so với cháy nắng. Với bỏng nắng, vùng tổn thương thường rộng, lan tỏa. Bệnh nhân có thể xuất hiện các bọng nước trên da, kèm theo các biểu hiện như sốc nhiệt, buồn nôn, mệt mỏi… Đa phần các bệnh nhân này cần phải được đưa vào các khoa cấp cứu, hồi sức để điều trị trước tiên, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng.

Để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, bác sĩ da liễu khuyến cáo cần bôi kem chống nắng thường xuyên. Hạn chế ra nắng vào giờ cao điểm nắng gay gắt. Nếu ra nắng phải đeo kính râm, đội nón, mũ rộng vành và mặc quần áo dài để hạn chế tiếp xúc với ánh nắng.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Điều gì thực sự đã xảy ra khi chúng ta bị cháy nắng?

 

Hà Linh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (Theo Healthline) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm