Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Dự phòng và điều trị cháy nắng ở trẻ nhỏ

Cháy nắng không chỉ đem lại cảm giác không thoải mái mà một vài vết cháy nắng nhỏ cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải những hậu quả nghiêm trọng hơn, như bị ung thư da. Với người lớn, việc tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có vẻ tương đối dễ dàng, nhưng với trẻ em thì không đơn giản như vậy

Dự phòng và điều trị cháy nắng ở trẻ nhỏ

Là cha mẹ, bạn chính là người bảo vệ đắc lực nhất cho con bạn tránh khỏi các tác nhân gây hại cho trẻ, bao gồm cả tia cực tím từ ánh nắng mặt trời. Kể cả những vết cháy nắng nhỏ nhất cũng sẽ trở thành nguy cơ cao với trẻ nhỏ, vì vậy, việc học cách điều trị cháy nắng ở trẻ nhỏ kịp thời là vô cùng quan trọng.

Dấu hiệu và triệu chứng của cháy nắng

Dấu hiệu về mặt thể chất của những vết cháy nắng nhỏ ở mọi lứa tuổi bao gồm:

  • Đỏ da
  • Sưng phù nhẹ
  • Da ấm hơn khi chạm vào
  • Ngứa

Trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ chưa biết nói, sẽ không thể nói cho bạn biết chúng cảm thấy khó chịu như thế nào khi bị cháy nắng, do vậy, bạn có thể sẽ thấy trẻ quấy khóc nhiều hơn bình thường.

Điều trị cháy nắng ở trẻ nhỏ

Bất cứ khi nào trẻ ra ngoài chơi cũng tức là trẻ sẽ phải tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Theo Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), một vết cháy nắng sẽ chỉ xuất hiện sau 6-12 tiếng kể từ khi tiếp xúc với ánh nắng. Bạn nên kiểm tra các dấu hiệu ngoài da của tình trạng cháy nắng, đặc biệt là khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Bạn có thể tắm cho trẻ trong nước mát hoặc chườm mát cho trẻ để làm giảm nhiệt độ của da. Việc làm này cũng có thể có tác dụng giảm đau. Không nên dùng đá lạnh để chườm cho trẻ vì sẽ làm tăng thêm cảm giác nóng rát của trẻ. Bác sỹ có thể sẽ khuyên bạn bôi kem dưỡng ẩm hoặc thuốc mỡ hoặc các sản phẩm khác có chứa nha đam vào vết cháy nắng của trẻ.

Nếu bạn nhận thấy rằng trẻ bị đau, bạn có thể sử dụng paracetamol để giảm đau cho trẻ. Nhưng, hãy đảm bảo rằng, bạn đã hỏi ý kiến bác sỹ về việc này và dùng đúng liều cho trẻ (dựa vào tuổi và cân nặng của trẻ).

Khi nào cần đưa trẻ tới bác sỹ?

Đau và khó chịu do cháy nắng thường sẽ biến mất trong vài ngày. Cảm giác sẽ khó chịu nhất trong vòng 24 giờ đầu tiên. Tuy nhiên, bạn nên gọi cho bác sỹ ngay nếu trẻ có các triệu chứng sau:

  • Phồng rộp ở vế cháy nắng
  • Rất khó chịu
  • Tình trạng đỏ da tiến triển nặng hơn
  • Sưng phù (đặc biệt là ở mặt)
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Khóc rất nhiều hoặc quấy khóc
  • Đau đầu (trẻ có thể sẽ khóc và đưa tay lên đầu)

Các dấu hiệu trên có thể cho thấy trẻ đã bị các biến chứng của cháy nắng, do vậy, bạn nên đưa trẻ đi khám ngay lập tức. Cháy nắng nghiêm trọng có thể gây tổn thương da và có thể được điều trị như một tình trạng bỏng nặng. Trong những trường hợp rất nghiêm trọng, trẻ có thể sẽ phải nhập viện. Bác sỹ có thể sẽ kê đơn kháng sinh hoặc áp dụng các biện pháp điều trị khác để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng tại các vết phồng rộp.

Cháy nắng nghiêm trọng có thể liên quan đến mất nước và sốc nhiệt – thêm những lý do khác để bạn đưa trẻ đi khám ngay lập tức. Dấu hiệu có thể bao gồm:

  • Rất mệt mỏi
  • Choáng ngất hoặc giảm tỉnh táo
  • Rất khát nước
  • Giảm tiểu tiện
  • Miệng rất khô hoặc không có nước mắt khi khóc

Dự phòng cháy nắng trước khi xảy ra

Với người lớn và trẻ lớn, kem chống nắng là lựa chọn tốt để dự phòng cháy nắng.

Tuy nhiên, những sản phẩm này không được khuyến cáo dùng cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Mặc dù tổ chức AAP khuyên rằng, bạn có thể dùng kem chống nắng với một lượng hạn chế trên mặt, tay hoặc chân của trẻ dưới 6 tháng tuổi, nhưng biện pháp dự phòng tốt nhất cho trẻ ở độ tuổi này là hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ngoài việc giữ trẻ ở trong bóng râm, bạn có thể:

  • Cho trẻ mặc quần áo chống lại tia UV
  • Cho trẻ mặc áo khoác mỏng nhẹ và quần dài
  • Nếu ở ngoài biển, bạn và trẻ có thể ngồi dưới ô
  • Cho trẻ đội mũ rộng vành
  • Cho trẻ đeo kính râm
  • Luôn cho trẻ uống đủ nước, dự phòng sốc nhiệt
Tổ chức AAP cũng khuyến nghị rằng, bạn nên tránh đưa trẻ ra ngoài vào thời điểm tia cực tím lên cao nhất (từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều). Điều này áp dụng cho cả những ngày mà ngoài trời nhiều mây hay rất râm mát vì tia cực tím vẫn có thể xuyên qua mây. Trên thực tế, những ngày nhiều mây râm mát mới là những ngày trẻ có nguy cơ cháy nắng cao vì cha mẹ thường để trẻ chơi ngoài trời lâu hơn, do vậy, làm tăng nguy cơ tiếp xúc với tia cực tím.

Cháy nắng không phải vấn đề duy nhất

Khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chúng ta thường chỉ lo về vấn đề cháy nắng. Tuy nhiên, với trẻ em, da trẻ có thể bị tổn thương mà chưa cần bị cháy nắng. Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời theo thời gian sẽ dẫn đến ung thư da, xuất hiện nếp nhăn trước tuổi, đốm đồi mồi và làn da không tươi trẻ khi trẻ lớn lên. Mặc dù nghe thì có vẻ đó không phải là những vấn đề nên lo ngại ở trẻ nhỏ, nhưng nếu bạn không bảo vệ được trẻ khỏi ánh nắng mặt trời ngay từ khi còn nhỏ, thì rất có thể sẽ dẫn đến những thói quen xấu của trẻ sau này.

Bạn cần nhớ

Hãy coi việc bảo vệ trẻ khỏi ánh nắng mặt trời mỗi ngày như một phần của kế hoạch nâng cao sức khỏe cho trẻ và xây dựng những thói quen tốt có lợi cho sức khỏe cho trẻ. Thói quen tốt sẽ chỉ có tác dụng nếu được áp dụng hàng ngày và lâu dài.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Cách chọn loại kem chống nắng phù hợp với làn da bạn

Bình luận
Tin mới
Xem thêm