Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Xỏ khuyên ở miệng

Xỏ khuyên ở bên trong miệng có thể gây đau, sưng, nhiễm trùng, chảy nước dãi, mất vị giác, để lại sẹo, sứt mẻ răng hay gãy răng.

Các nha sĩ không khuyến khích xỏ khuyên trong miệng bởi vì rất nhiều rủi ro có thể xảy ra. Nếu bạn quyết định xỏ một lỗ khuyên trong miệng thì việc hiểu những cách chăm sóc sau khi xỏ khuyên và những ảnh hưởng đến sức khỏe là vô cùng quan trọng.

Nên làm gì trước khi xỏ khuyên trong miệng?

Điều quan trọng đầu tiên là tìm hiểu tất cả những quy tắc an toàn cho việc xỏ khuyên nói chung và xỏ khuyên trong miệng nói riêng.

Để đảm bảo an toàn, việc xỏ khuyên miệng phải đảm bảo những điều sau đây:

  • Đảm bảo vô trùng: Chiếc kim xỏ khuyên phải sạch, được sát khuẩn vô trùng. Tất cả kim, khuyên và dụng cụ phải được sát trùng trong một máy hấp chuyên dụng y tế - loại dụng cụ sử dụng nhiệt độ rất cao để diệt khuẩn. Việc làm này sẽ giúp tránh được những bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng như HIV hay viêm gan và các nhiễm khuẩn khác.
  • Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng nơi xỏ khuyên cho bạn sử dụng các dụng cụ, kim, khuyên làm từ kim loại phù hợp như thép không gỉ dùng trong phẫu thuật. Một số người có phản ứng dị ứng với kim loại, nên có thể có những biến chứng phức tạp khó giải quyết.

Xỏ khuyên có thể gây ra nguy cơ gì với sức khỏe?

Vỡ răng là vấn đề phổ biến mà nhiều người gặp phải sau khi xỏ khuyên trong miệng. Răng sẽ bị sứt trong khi bạn ăn, ngủ, nói chuyện hoặc nhai vào món đồ trang sức bạn đeo trong miệng. Vấn đề khác là vết sứt răng có thể sâu hơn vào tủy, do đó cần điều trị tủy hoặc thậm chí là nhổ răng.

Sau khi xỏ khuyên ở lưỡi, nếu lưỡi bị sưng lên thì đây là biểu hiện không bình thường, vì trong một số tình huống, sưng có liên quan đến sự nhiễm khuẩn. Khi điều này diễn ra, rất có thể vết sưng phồng sẽ làm cản trở sự hít thở của bạn. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bác sĩ còn phải đặc một ống thông đường thở qua mũi của bệnh nhân cho đến khi tình trạng nhiễm khuẩn được chữa trị khỏi.

Ngoài ra, sự chà sát mạnh của khuyên lên niêm mạc lợi sẽ làm cho lợi bị tụt. Như vậy bất kì viêm nhiễm nào cũng có thể trở nên nghiêm trọng và cần phải đi khám nha sĩ ngay khi bạn nhận thấy những dấu hiệu viêm nhiễm đầu tiên.

Chăm sóc vết xỏ khuyên như thế nào?

Cần từ 3 đến 4 tuần để vết xỏ khuyên lành lặn trở lại. Nếu biến chứng không xảy ra, bạn có thể tháo đồ trang sức ra khỏi vị trí xỏ trong một thời gian ngắn mà không làm cho lỗ xỏ hẹp đi. Các nha sĩ khuyên nên tháo trang sức ra mỗi khi ăn hoặc ngủ để bảo vệ răng của bạn.

Hãy lưu ý đến khám bác sỹ ngay nếu vết xỏ khuyên chảy máu hoặc không lành trở lại. Các biểu hiễn lưỡi sưng phồng, khó nhai, nuốt, đau vết xở khuyên và khi nhai, nuốt cũng cần phải đi khám bác sỹ sớm.

Vệ sinh răng miệng sau xỏ khuyên

  • Dùng nước súc miệng có tác dụng sát khuẩn sau mỗi bữa ăn và làm sạch trang sức giống như khi bạn chải răng.
  • Sau khi lỗ xỏ ở lưỡi lành lặn, hãy tháo trang sức ra mỗi tối khi đi ngủ và chải sạch nó để loại bỏ những mảng bám không nhìn thấy.
  • Cân nhắc việc tháo trang sức khi ăn, ngủ và tham gia các hoạt động mạnh.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Sức khỏe răng miệng và cơ thể

CTV Phạm Dung - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Knowyourteeth
Bình luận
Tin mới
Xem thêm