Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những nguyên nhân làm thay đổi đường huyết của bạn - Phần 1

Chỉ số đường huyết là nồng độ glucose – một loại đường đơn – có trong máu. Nồng độ glucose trong máu thay đổi liên tục trong ngày, thậm chí khác nhau từng phút. Đường huyết là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá bệnh tiểu đường. Một số yếu tố sau đây sẽ có tác động rất lớn đối với đường huyết của bạn và cần lưu ý để có thể kiểm soát tốt chỉ số này.

Những nguyên nhân làm thay đổi đường huyết của bạn

Thực phẩm bạn sử dụng hàng ngày có thể gây tăng, hạ đường huyết theo nhiều cách khác nhau. Hãy cùng Viện Y học ứng dụng Việt Nam tìm hiểu nhé! 

Tăng đường huyết: Cà phê

Đường huyết của bạn có thể tăng lên sau khi bạn uống cà phê – ngay cả khi đó là cà phê đen không chứa calo – nguyên nhân là do thành phần caffein. Những loại đồ uống khác cũng có cơ chế tương tự đó là trà đen, trà xanh và nước tăng lực. Mỗi bệnh nhân tiểu đường có phản ứng với thức ăn và đồ uống một cách khác nhau, do vậy biện pháp tốt nhất là phải theo dõi chặt chẽ xem đáp ứng của cơ thể bạn như thế nào.

Tuy nhiên có một sự thật thú vị là một số hợp chất khác trong cà phê có thể giúp ngăn ngừa tiểu đường type 2 ở những người khỏe mạnh.

Tăng đường huyết: Thực phẩm không đường

Có thể nhiều người khá thắc mắc tại sao nhiều loại thực phẩm không đường vẫn có thể làm tăng đường huyết của bạn? Lý do là bởi chúng vẫn chứa rất nhiều các loại carb từ tinh bột. Do vậy, hãy kiểm tra hàm lượng carbohydrate tổng trên nhãn trước khi ăn bất cứ loại thực phẩm nào.

Bạn cũng nên hết sức lưu ý đến các loại đường rượu như sorbitol và xylitol. Chúng là những loại đường tạo vị ngọt và chứa ít carb hơn đường tự nhiên (sucrose) nhưng vẫn có thể làm tăng đường huyết của bạn.

Tăng đường huyết: Đồ ăn Trung Hoa

Bạn bước vào một nhà hàng Trung Hoa và thoải mái thưởng thức món bò tẩm vừng cũng như gà chua ngọt và đinh ninh rằng chúng không chứa tinh bột nên không thể làm tăng đường huyết. Tuy nhiên bạn cần nhớ rằng không chỉ có cơm gạo trắng là có thể gây nên vấn đề này đâu. Các loại thực phẩm chứa hàm lượng chất béo cao có thể khiến đường huyết của bạn ở ngưỡng cao trong khoảng thời gian lâu hơn. Một số loại khác như bánh pizza, khoai tây chiên chứa nhiều carb và chất béo cũng gây ra hiện tượng tương tự.

Hãy kiểm tra đường huyết của bạn 2 tiếng sau ăn để biết được mỗi loại thực phẩm có ảnh hưởng thế nào với cơ thể bạn.

Tăng đường huyết: Bánh vòng

Bạn có biết điểm khác nhau giữa một lát bánh mỳ trắng và một chiếc bánh vòng donut là gì hay không? Bánh vòng có chứa nhiều carbohydrate hơn so với một lát bánh mỳ và dĩ nhiên là cũng nhiều calo hơn. Do vậy, nếu có thèm ăn bánh vòng donut thì chỉ nên ăn một mẩu nhỏ thôi nhé.

Tăng đường huyết: Đồ uống thể thao

Đồ uống thể thao có thể giúp bạn bù nước nhanh chóng cho cơ thể nhưng một số loại lại có chứa lượng đường nhiều tương đương với soda. Nước lọc có lẽ là tất cả những gì bạn cần nếu chỉ luyện tập ở cường độ trung bình dưới 1 giờ. Đồ uống thể thao có thể phù hợp trong trường hợp luyện tập lâu hơn và với cường độ cao hơn. Tốt nhất là nên hỏi ý kiến chuyên gia dinh dưỡng hoặc thể thao để xem lượng calo, carb và khoáng chất có an toàn với bạn hay không.

Tăng đường huyết: Trái cây sấy khô

Trái cây là lựa chọn lành mạnh cho sức khỏe nhưng lưu ý rằng trái cây sấy khô có chứa hàm lượng carbohydrate cao hơn trong mỗi khẩu phần. Chỉ hai thìa cà phê nho khô, nam việt quất sấy khô hay anh đào khô đã có hàm lượng carb tương đương với một miếng nhỏ trái cây.

Hạ đường huyết: Sữa chua

Sữa chua có chứa rất nhiều lợi khuẩn còn gọi là probiotic. Probiotic có thể cải thiện quá trình tiêu hóa và hỗ trợ kiểm soát đường huyết của bạn. Một số loại sữa chua có bổ sung thêm đường và trái cây, do vậy cần thận trọng khi tính hàm lượng carb. Lựa chọn tốt nhất đối với bạn vẫn là sữa chua trắng không đường.

Hạ đường huyết: Ăn chay

Một nghiên cứu chỉ ra rằng những người mắc bệnh tiểu đường type 2 khi chuyển sang chế độ ăn chay sẽ có khả năng kiểm soát đường huyết tốt hơn và cần sử dụng ít insulin hơn. Bổ sung nhiều chất xơ đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi nó giúp làm chậm lại quá trình tiêu hóa carb.

Tuy nhiên vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu khác để chứng minh việc ăn chay liệu có thực sự hiệu quả đối với bệnh nhân tiểu đường hay không. Hãy trao đổi với bác sỹ trước khi bạn quyết định thay đổi chế độ ăn của mình.

Thực phẩm có lợi: Quế

Một chút bột quế vào món ăn có thể giúp tăng thêm hương vị mà không bổ sung quá nhiều năng lượng. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng quế còn có thể giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn và giúp hạ đường huyết ở một số bệnh nhân mắc tiểu đường type 2. Các bác sỹ cần thêm nhiều nghiên cứu để hiểu được chính xác cơ chế tác dụng của quế. Ngoài ra cần lưu ý rằng sử thực phẩm chức năng chứa quế với hàm lượng cao có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Do vậy, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi quyết định có sử dụng quế hay không.

Liệu đường có hoàn toàn có hại cho sức khỏe của bạn?

Nếu bạn là tín đồ hảo ngọt thì cũng đừng nên thất vọng bởi bạn không phải loại bỏ hết những thực phẩm chứa nhiều đường ngay cả khi bị tiểu đường. Đường sẽ làm tăng đường huyết nhanh chóng hơn những loại carb khác nhưng theo các chuyên gia tổng lượng carb mới là yếu tố quan trọng nhất. Do vậy, bạn vẫn có thể ăn những thực phẩm chứa đường nhưng với khẩu phần nhỏ hơn và chú ý theo dõi hàm lượng carb cũng như năng lượng.

Chỉ số đường huyết là gì?

Tổng lượng carb nạp vào cơ thể mỗi ngày của bạn là một chỉ số giúp kiểm soát tốt đường huyết.

Một chỉ số được sử dụng phổ biến hơn, đó là chỉ số đường huyết (glycemic index – GI). Chỉ số này sẽ đo lường xem lượng carbohydrate trong một loại thực phẩm nhất định ảnh hưởng nhanh hay chậm đến lượng đường huyết trong cơ thể bạn, so sánh với glucose hoặc bánh mỳ trắng (là những loại thực phẩm được coi là có chỉ số GI là 100). Các loại đậu, bánh mỳ nguyên cám và ngũ cốc có chỉ số GI thấp hơn so với bánh mỳ trắng và mỳ ống. Nước trái cây có chỉ số GI cao hơn so với hoa quả tươi. Bạn có thể lựa chọn những thực phẩm có GI thấp xen kẽ với những thứ có GI cao để giúp cân bằng đường huyết của cơ thể.

(...) còn tiếp

Mời bạn đón đọc bài viết: "Những nguyên nhân làm thay đổi đường huyết của bạn - Phần 2" tại vienyhocungdung.vn

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Tìm hiểu hai loại hooc môn quan trọng đối với bệnh tiểu đường

Ts.Bs. Trương Hồng Sơn- Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Webmd
Bình luận
Tin mới
Xem thêm