Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tiêu chảy do kháng sinh ở trẻ em

Có nhiều nguyên nhân gây ra tiêu chảy, có thể do vi khuẩn, do virut, do nhiễm ký sinh trùng nhưng cũng có thể do dùng kháng sinh. Đây là một tác dụng phụ không mong muốn khi dùng kháng sinh cho trẻ.

Tiêu chảy do kháng sinh ở trẻ em

Cứ 5 trẻ sử dụng kháng sinh thì có 1 trẻ bị tiêu chảy. Tiêu chảy là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ em dưới hai tuổi và có thể xảy ra đối với bất cứ loại kháng sinh nào được sủ dụng cho bé. May mắn thay, với hầu hết trẻ em, tiêu chảy do kháng sinh thường nhẹ và không để lại hậu quả quá nghiêm trọng nếu được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây tiêu chảy do kháng sinh

Bình thường trong lòng ruột non tồn tại hàng triệu các vi khuẩn có lợi. Các vi khuẩn này luôn duy trì ở thế cân bằng nhằm tăng cường quá trình tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng, thải trừ các chất độc hại, kìm hãm và làm mất tác dụng của các vi khuẩn gây bệnh ở đường ruột.

Khi sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng, kháng sinh cũng vô tình tiêu diệt luôn những lợi khuẩn tại ruột, phá vỡ thế cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột, gây ra hiện tượng loạn khuẩn. Loạn khuẩn sẽ thúc đẩy sự phát triển của các chủng vi khuẩn gây bệnh có sẵn tại đường ruột hoặc mới xâm nhập, dẫn tới chứng tiêu chảy hoặc viêm ruột do kháng sinh.

Dấu hiệu và triệu chứng của tiêu chảy do kháng sinh

Khi một trẻ bị tiêu chảy do kháng sinh, phân của trẻ có dạng lỏng, sệt hoặc nhiều nước. Hầu hết, tiêu chảy thường kéo dài từ 1 đến 7 ngày.

Tiêu chảy thường khởi phát giữa ngày thứ 2 và kéo dài đến ngày thứ 8 từ khi bắt đầu sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, đôi khi tiêu chảy có thể xuất hiện ngay từ ngày đầu tiên trẻ sử dụng kháng sinh và kéo dài cho tới một vài tuần sau khi đã ngừng thuốc.

Biến chứng của tiêu chảy do kháng sinh

Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của tiêu chảy do kháng sinh là mất nước và điện giải. Tình trạng này khá phổ biến ở trẻ em dưới 12 tháng. Nếu trẻ bị mất nước và điện giải nặng, phải tìm cách bổ sung bù lại lượng mà cơ thể trẻ đã bị mất ngay lập tức mà không nên để trì hoãn kéo dài.

Một biến chứng hiếm gặp khác của sử dụng kháng sinh là viêm ruột kết. Dấu hiệu viêm ruột kết bao gồm:

  • Tiêu chảy mức độ vừa đến trầm trọng, trong phân có máu hoặc chất nhầy
  • Sốt
  • Đau bụng
  • Mệt lả, kiệt sức

Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy do kháng sinh

Cân nhắc về tiếp tục sử dụng kháng sinh

Nếu tình trạng tiêu chảy của trẻ là nhẹ và không có dấu hiệu đáng lo ngại, nên cho trẻ sử dụng đủ liều kháng sinh bác sỹ đã kê đơn để trị khỏi nhiễm khuẩn và phòng kháng thuốc kháng sinh.

Việc chăm sóc trẻ tại nhà rất cần thiết. Những chăm sóc dưới đây có thể khắc phục tình trạng tiêu chảy của trẻ:

Luôn bù đủ nước cho trẻ

Hãy chú ý bù đủ nước cho cơ thể trẻ bằng mọi cách, ví dụ như cho uống dung dịch bù nước và điện giải oresol.

Tuyệt đối không cho trẻ uống các loại nước trái cây hay đồ uống có ga vì những loại nước này có thể làm tình trạng tiêu chảy trầm trọng hơn.

Tránh cho trẻ ăn một số loại thực phẩm

Bạn có thể tiếp tục cho trẻ ăn những món ăn thường ngày mà trẻ yêu thích nhưng tránh các món ăn từ đậu hay đồ ăn cay, đồ ăn sẵn.

Xử trí chứng phát ban do tã lót

Tiêu chảy nhiều ở trẻ đang đóng tã có thể gây nổi ban đỏ xung quanh vùng hậu môn và vùng tã có tiếp xúc với da trẻ. Khi đó, bạn nên:

  • Rửa sạch các vùng da trẻ bị nổi ban bằng nước sạch, thấm khô bằng khăn mềm.
  • Bôi một lớp mỏng sáp dưỡng ẩm, kem dưỡng có chứa kẽm hoặc các loại kem chống hăm tã khác lên vùng mông trẻ.
  • Để vùng da trẻ khô thoáng không dùng tã khoảng 15 phút trước khi lại đóng bỉm trở lại.

Chỉ cho trẻ sử dụng men vi sinh (probiotic) hay các thuốc điều trị tiêu chảy khác khi có chỉ định của bác sỹ

Men vi sinh (probiotic)

Men vi sinh là các sản phẩm bổ sung các vi khuẩn có lợi cho cơ thể. Các nghiên cứu đang tập trung vào vấn đề liệu men vi sinh có thể phòng hay điều trị tiêu chảy do kháng sinh hay không. Cho đến nay, những nghiên cứu về hiệu quả của probiotic đối với tiêu chảy vẫn còn gây tranh cãi.

Bạn có thể cho trẻ ăn các loại thực phẩm có chứa probiotic như sữa chua nhưng nên hỏi ý kiến bác sỹ nếu muốn cho trẻ sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung probiotic.

Các loại thuốc cầm tiêu chảy

Không cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy như loperamid trừ khi có chỉ định của bác sỹ. Những loại thuốc này có thể khiến tình trạng viêm ruột trở nên nặng hơn.

Khi nào nên cho trẻ đi khám

Hãy đưa trẻ tới bệnh viện ngay lập tức nếu con bạn có các biểu hiện dưới đây:

  • Bị tiêu chảy rất nặng, nhiều lần và liên tục
  • Bị sốt cao
  • Đau bụng dữ dội
  • Đi ngoài ra máu
  • Cảm giác mệt mỏi hoặc mệt lả và không muốn uống nước hoặc không uống nước được, không bú được
  • Có dấu hiệu mất nước như: tiểu ít, cáu kỉnh, mệt mỏi hoặc mệt lả, khô miệng, mắt trũng sâu...

Tại bệnh viện, bác sỹ sẽ khám, chẩn đoán tình trạng tiêu chảy của trẻ, để có những điều trị thích hợp. Nếu tình trạng tiêu chảy trở nên trầm trọng, các bác sỹ có thể đổi loại kháng sinh sử dụng cho trẻ và truyền nước khi cần thiết. 

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Giải pháp chữa tiêu chảy đến từ thiên nhiên

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
  • 28/03/2024

    Vì sao bạn nên tẩy lớp trang điểm trước khi tập thể dục?

    Việc trang điểm nhẹ nhàng trước khi đến phòng tập thể dục có thể giúp chị em phụ nữ tự tin hơn. Nhưng theo một nghiên cứu mới được đăng trên Journal of Cosmetic Dermatology, việc này có thể có thể làm giảm lượng dầu trên da, gây khô da.

  • 28/03/2024

    5 nguyên liệu không nên bỏ qua khi pha chế món sinh tố chống viêm

    Sinh tố là thức uống bổ sung năng lượng và vitamin hiệu quả khi bạn mệt mỏi vì thời tiết. Công thức pha chế sinh tố nên có những thực phẩm, nguyên liệu giàu chất chống viêm để bảo vệ sức khỏe.

  • 28/03/2024

    Bà bầu "bỏ túi" ngay những lợi ích không ngờ từ việc uống vitamin trong thai kỳ

    Vitamin dành cho bà bầu là những viên bổ sung được sản xuất đặc biệt nhằm cung cấp cho cơ thể phụ nữ mang thai các vitamin và khoáng chất cần thiết. Bác sĩ khuyên bạn uống vitamin ngay từ khi bắt đầu lên kế hoạch mang thai cũng như trong suốt thai kỳ.

  • 28/03/2024

    Thực phẩm, đồ uống nên hạn chế khi đang bị nghẹt mũi

    Dấu hiệu nghẹt mũi thường gặp khi bạn bị cảm cúm, viêm mũi dị ứng hoặc viêm đường hô hấp. Một số thực phẩm, đồ uống có thể khiến triệu chứng này trầm trọng hơn, cản trở việc hít thở của bạn.

  • 28/03/2024

    Chấn thương sọ não có hồi phục được không?

    Chấn thương sọ não luôn được coi là một trong những thương tổn nghiêm trọng nhất có thể xảy ra với con người. Tuy nhiên, với những tiến bộ mới trong lĩnh vực y tế và phục hồi chức năng, ngày càng có nhiều hy vọng để người bệnh chấn thương sọ não có thể phục hồi và hồi phục các chức năng quan trọng.

  • 27/03/2024

    Những triệu chứng và biến chứng điển hình của bệnh sởi

    Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do virus sởi gây ra, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhận biết sớm các dấu hiệu và triệu chứng như sốt cao, ho, chảy nước mũi và phát ban da đặc trưng là rất quan trọng để điều trị kịp thời. Hiểu rõ các triệu chứng sởi còn giúp phòng ngừa sự lây lan của căn bệnh này.

  • 27/03/2024

    5 loại thảo mộc giúp tăng cường sức khoẻ hô hấp

    Khi gặp các vấn đề hô hấp, nhiều người có xu hướng tìm các giải pháp từ thiên nhiên để giảm nhanh các triệu chứng khó chịu cũng như tăng cường sức khoẻ đường thở. Dưới đây là 5 loại thảo mộc bạn có thể thử áp dụng.

  • 27/03/2024

    Biện pháp cải thiện triệu chứng viêm họng

    Viêm họng là vấn đề hô hấp có thể xảy ra quanh năm, nhất là trong thời tiết giao mùa do virus, vi khuẩn tấn công đường thở. Cần làm gì để cải thiện triệu chứng viêm họng hiệu quả?

Xem thêm